Một chuyến điều tra nhớ đời...

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong hơn 10 năm làm báo, không ít lần chúng tôi phải lần mò trong đêm tối giữa rừng thiêng nước độc để điều tra vấn nạn buôn lậu, lâm tặc. Trong đó, chuyến đi đầy bất ngờ, thần tốc đầu năm 2019 cùng đồng nghiệp Hoàng Dương (Quảng Ninh) và cuộc tháo chạy giữa biên giới trong đêm mưa rét tôi không thể quên.

Quyết định thần tốc

“Alo! Nghe nguồn tin báo đã nhộn nhịp, ông thu xếp xuống đi” – nhà báo Hoàng Dương (thường trú Quảng Ninh của báo Tiền Phong) vừa nhắn tin, tôi liền nhấc điện thoại lên gọi cho nhà báo Đình Thắng (Trưởng ban Kinh tế – Xã hội) xin ý kiến, được đồng ý cho đi luôn. Không chút do dự, tôi lấy máy quay, máy ảnh, pin sạc…cho vào ba-lô, phi xe máy lên toà soạn xin giấy giới thiệu, công lệnh đi đường rồi bắt ô tô phi thẳng xuống TP.Hạ Long, Quảng Ninh.

Hôm đó, vừa qua Tết Dương lịch của năm 2019. Đến gần 13h, tôi đã có mặt ở bến xe khách Bãi Cháy, TP Hạ Long. Hoàng Dương đã mượn ô tô chờ sẵn. Tôi nhảy phốc lên xe, cả hai thẳng tiến tới khu vực biên giới Cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, giáp Trung Quốc. Hôm đó, trời mưa phùn ẩm ướt, lạnh cắt da cắt thịt.

Một chuyến điều tra nhớ đời... ảnh 1

Các đối tượng vác thuê hàng lậu từ Trung Quốc về Quảng Ninh tại biên giới Bình Liêu.

Lúc này, thông tin rất ít. Qua trao đổi, Hoàng Dương cho tôi biết dưới khu vực đó các đầu nậu đang hoạt động rầm rộ, vận chuyển các mặt hàng gia dụng, nội thất (gạch men, bồn tắm,…) từ Trung Quốc về Việt Nam tuồn vào nội địa xé lẻ tiêu thụ.

Đến khoảng 18h, chúng tôi tới trung tâm huyện Bình Liêu, lấy phòng cất đồ nghề. “Thằng zick (người đưa đường) nó vừa gọi, nửa đêm có gì nó sẽ báo” - Hoàng Dương nhắn.

Nằm chờ 2-3 tiếng nhưng không liên lạc được với “thằng zick”, chúng tôi bắt đầu thấy lo lắng. “Có khi nào mình bị lừa xuống đây không? Người này ông có quen không, từng hợp tác bao giờ chưa?”, tôi hỏi, Hoàng Dương đáp: “Chịu. Lần đầu thấy nó nhắn tin trên facebook, gửi cho mấy hình ảnh nên tôi rủ ông đi thôi”. Thôi đành nằm chờ tiếp. Hồi hộp không tài nào chợp mắt. Đến 22 giờ, chợt điện thoại đồng nghiệp tôi rung lên. Một số máy lạ gọi đến bảo: “Xuống đi. Tôi vừa đi bốc chuyến hàng cho tụi nó về, không được mang theo điện thoại”. Chúng tôi mừng quýnh, thủ sẵn máy quay, điện thoại trong áo khoác, dắt chiếc xe máy cà tàng thuê trước đó của một người dân phi từ trong thị trấn xuống xã Hoành Mô, gần cửa khẩu.

Một chuyến điều tra nhớ đời... ảnh 2

Tác giả và đồng nghiệp Hoàng Dương ngồi nướng khoai, hong khô quần áo sau một đêm khốc liệt theo chân đội buôn lậu ở biên giới Bình Liêu.

Người dẫn đường đưa chúng tôi vào một nhà dân rồi nói: “Bây giờ hai anh phải chia nhau ra, mỗi người một hướng, người xuống suối con Rắn, người ngược lên chợ”. Không chút do dự, tôi liền bảo với Hoàng Dương lên chợ, để tôi xuống suối. Nói xong, cả hai chia đôi đường. Tôi cuốc bộ theo người dẫn đường, đi tới đâu biết tới đó. Trời càng về khuya càng mưa nặng hạt. Tôi trùm áo khoác lên đầu, bám sát chân người dẫn đường băng qua đống lau lách sắc lạnh, đá cuội lởm chởm, trơn trượt. Đi khoảng 2km, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy ánh đèn pin le lói trong màn đêm đen kịt, tiếng máy nổ phình phịch của xe ba gác. Tiến xuống gần hơn với vị trí các đối tượng đang tập kết hàng hai chúng tôi ngồi nấp sau tảng đá, bụi cỏ lau. Đảo mắt một lượt nhìn xung quanh, tôi thấy ngay bên kia bờ suối là mấy nhà của người dân Trung Quốc. Họ xây 3-4 tầng sát bờ biên, lắp camera khắp nơi. Theo người dẫn đường chia sẻ, đó cũng chính là các điểm canh gác của đầu nậu. Tôi trùm áo khoác kín người rồi bật máy quay ra để ghi hình. Chiếc máy siêu zoom lia mãi mới bắt được rõ hình các đối tượng.

Trong lờ mờ ánh sáng của đèn pin, chúng tôi ghi nhận dòng người liên tục di chuyển qua lại trên 1 chiếc cầu tạm được bắc sẵn qua suối. Các cửu vạn vác những thùng hàng khá to từ phía bên kia biên giới rồi nhanh chóng chất lên một chiếc xe ba gác đang đậu sẵn. Chiếc xe nổ máy, tăng ga, tài xế nhanh chóng cho xe chạy ngược về phía kho hàng nằm cách đấy gần 300 mét. Dọc cây cầu bắc tạm đều được đặt đèn pin sát dưới đất để cửu vạn có thể nhìn thấy đường đi. Có khoảng 50 cửu vạn liên tục vác những thùng hàng mà theo nguồn tin của chúng tôi đấy là gạch hoa Trung Quốc.

Một chuyến điều tra nhớ đời... ảnh 3

Cầu tre tạm qua suối để vận chuyển hàng lậu, và một nhà dân lắp đầy camera phía bên Trung Quốc để cảnh giới.

Khoảng 30 phút sau, trời mưa thêm nặng hạt, tôi đang loay hoay trùm thêm áo lên chiếc máy quay thì bỗng có ánh đèn pin chiếu vào đúng vị trí đang ẩn náu. Kèm theo đó là tiếng tri hô từ bên kia con suối (phía Trung Quốc), nhóm cửu vạn cũng dừng hẳn lại và tắt hết đèn. Bỗng có 3 chiếc xe máy lao từ dưới dốc lên thẳng hướng chúng tôi. Biết đã bị lộ, người dẫn đường liền giật tay tôi hốt hoảng: “Chạy! Chạy!”. Tôi vội cất chiếc máy quay vào áo khoác, kéo khoá để chạy thì cậu dẫn đường đã ở tít đằng xa. Tôi vội vã đuổi theo. Oái oăm thay, lúc đầu đi xuống 1 đường, lúc bỏ chạy lại đường khác. Tôi chỉ còn cách thấy bóng cậu ta ở đâu cố lao theo đó. Tôi lao xuống con suối đá cuội lởm chởm, vừa chạy vừa dò đường. Phải Hơn 30 phút sau, tôi mới đuổi kịp được cậu dẫn đường. “Làm gì mà chạy như ma đuổi thế” – tôi hỏi và cậu ta đáp: “Không chạy bọn nó lên bắt được nó giết cả nhà em. Ở đây bọn nó lạ gì bọn em đâu”. Cả hai vừa thở hồng hộc, vừa tiếp tục bám theo con suối đi ngược về phía nhà dân bên trên. Sau đó, hai chúng tôi phải núp vào một gốc cây, chờ cậu dẫn đường gọi điện nhờ người thân đi dò la xem các đối tượng buôn lậu còn truy tìm phía bên trên không. “Chúng đang lùng sục. Cứ ở yên dưới đó nhé” – chúng tôi được lệnh.

Kết quả bất ngờ

Đêm tối, rét buốt, người ướt như chuột lột, tôi và người dẫn đường ngồi co ro mép suối. Khoảng một giờ đồng hồ sau, người thân cậu kia gọi lại báo: “An toàn rồi. Rút đi”. Lúc này, chúng tôi mới mò mẫm tìm đường tắt lên khu vực bên trên thôn bản. Ông bạn Hoàng Dương cũng đã đi ghi nhận xong phía bên kia và tìm một nhà dân, nhóm bếp lửa chờ sẵn chúng tôi lên. Sợ di chuyển về thị trấn luôn sẽ lộ, chúng tôi đành ngồi đốt thêm củi, xin được chủ nhà mấy củ khoai, củ sắn đem nướng, hong quần áo cho đỡ lạnh. Vừa nhâm nhi củ khoai, vừa buôn chuyện. Cứ thế, trời dần sáng lúc nào không hay.

Sáng hôm đó, chúng tôi tranh thủ về lại thị trấn viết bài. Về sau, chúng tôi trong vai thanh niên “dạt nhà” để xin làm cửu vạn vác hàng kiếm tiền về Tết. Tranh thủ đi thực tế tiếp rồi lại về ngồi cày bài. Huyện Bình Liêu có hơn 43km đường biên giới giáp với Trung Quốc, cũng là huyện được mệnh danh có đường tuần tra biên giới đẹp nhất Việt Nam nằm trên “sống lưng khủng long”. Ít ai biết, số lượng lớn hàng hóa không rõ xuất xứ hằng ngày được tuồn qua biên giới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Bình Liêu ngoài cửa khẩu Hoành Mô còn có ít nhất 8 lối mòn thường xuyên có hàng lậu. Tính sơ qua, thời điểm đó mỗi đêm riêng lối mòn tại chợ Đồng Văn, xã Hoành Mô có trên dưới 100 tấn hàng lậu được tuồn về.

Ngày 8/1, chúng tôi có buổi làm việc với đại diện chi cục Hải quan Hoành Mô và đồn biên phòng Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh). Lãnh đạo hai đơn vị này đều một mực khẳng định không hề buôn lậu diễn ra trong ranh giới quản lý của họ. Sau khi được chúng tôi cung cấp những hình ảnh ghi lại và đề nghị cùng đi ra khu vực suối con Rắn kiểm tra, những vị lãnh đạo này vẫn tìm cách né tránh, phủ nhận sự việc.

Đề phòng tuyến bài có thể bị can thiệp từ bên trên, chúng tôi vội về hoàn thiện bài viết, gửi ngay cho toà soạn trong buổi chiều hôm đó. Ngày hôm sau, làng báo xôn xao vì bài viết của Tiền Phong. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thời điểm đó đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẩn trương xác minh làm rõ nội dung phản ánh của Tiền Phong

“Làm gì mà chạy như ma đuổi thế” – tôi hỏi và cậu dẫn đường đáp: “Không chạy bọn nó lên bắt được nó giết cả nhà em. Ở đây bọn nó lạ gì bọn em đâu”. Cả hai vừa thở hồng hộc, vừa tiếp tục bám theo con suối đi ngược về phía nhà dân bên trên.

MỚI - NÓNG
Cựu chiến binh Trần Văn Tứ hồi nhớ ký ức về những năm tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ
Những ân tình của một cựu binh
TP - 70 năm qua, dù vết thương trên da thịt đã lành theo năm tháng nhưng ký ức hào hùng về một thời “hoa lửa” của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người lính già Trần Văn Tứ (SN 1926, ở xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
TP - Tận dụng ánh sáng pháo của quân giặc thả, xé áo quấn lốp, luồng làm nan hoa... đoàn quân xe thồ từ Thanh Hóa vượt núi băng rừng, vận chuyển lương thực hướng về chiến trường Điện Biên Phủ.