Một Phú Đôn đa sắc

0:00 / 0:00
0:00
TP - NSƯT Phú Đôn ngoài đời giản dị, chất phác nhưng lại khiến người ta cười ngất bởi lối nói chuyện hài hước, dí dỏm. Trên màn ảnh, anh cũng biến hóa nhiều màu sắc: vừa làm tốt vai bi, vừa diễn ra chất vai hài, “chấp” luôn vai phản diện và mới đây còn gây bất ngờ với vai kinh dị đầu tay.

Không chỉ “thương hiệu” vai khắc khổ

NSƯT Phú Đôn được mệnh danh là “người đàn ông có gương mặt đau khổ” của màn ảnh Việt. Sinh ra gốc Hà Nội, nhưng sau 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, anh lại gây ấn tượng với khán giả qua hàng loạt vai nông thôn lam lũ, hiền lành. “Hễ có vai khổ khổ là các đạo diễn lại gọi điện: Đôn đây chứ đâu!”, nam nghệ sĩ “cười mếu” kể. Có lẽ, tại trời cho anh vóc người gầy gò, làn da ngăm đen và gương mặt nhiều nếp nhăn, toát lên nét hiền lành, chất phác nên chẳng cần diễn nhiều cũng ra cái chất “nông thôn”.

Một Phú Đôn đa sắc ảnh 1

Facebook của nam nghệ sĩ thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình nhỏ

Sợ “chết vai”, Phú Đôn luôn chọn những nhân vật có cá tính độc đáo, số phận đặc biệt. “Khi nhận lời mời quay phim, tôi thường hỏi bộ phận casting ngoài tôi ra, có ai đảm nhận được vai đó nữa không. Nếu họ nói có, tôi sẽ bảo để vai cho người đó. Thường tôi chỉ nhận những vai mà đạo diễn chỉ định và nếu cùng một dạng vai đã đóng thì cũng sẽ tìm nét riêng để không lặp lại chính mình”, anh chia sẻ. Nhờ vậy, vai diễn của Phú Đôn trong “Tivi về làng”, “Ma làng”, “Bão qua làng”, “Đất và người”, “Nàng dâu order”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Cây táo nở hoa”, “Đấu trí”... luôn để lại dấu ấn với người xem.

Thời gian này, Phú Đôn xuất hiện trên màn ảnh nhỏ giờ vàng qua bộ phim “Không ngại cưới, chỉ cần một lý do” với vai diễn cụ Mão - ông nội của nữ nhân vật chính. Tạo hình mái tóc bạc phơ, già cả cộng với lối diễn dí dỏm, nhiều câu thoại hài hước của cụ Mão đã khiến khán giả “cười ngoác mồm” ngay từ những tập đầu tiên.

Một Phú Đôn đa sắc ảnh 2

Tạo hình và biểu cảm ám ảnh của Phú Đôn trong bộ phim “Tết ở làng Địa Ngục” khiến nhiều khán giả đề nghị làm một phần phim riêng dành cho nhân vật của anh

Phú Đôn là thế, cái duyên hài của anh toát ra từ hành động, cử chỉ khiến nhiều khi chỉ thấy bóng dáng anh, khán giả đã ôm bụng cười. Trong nghiệp diễn của mình, anh cũng khiến khán giả nhớ mãi những vai hài làm nên thương hiệu riêng của Phú Đôn như anh Liên trong “Bỏ vợ”, Xuân Cồ trong “Xuân Cồ - người hòa giải”… Anh cũng là một nghệ sĩ hài có mặt thường xuyên trong các chương trình “Gặp nhau cuối tuần” một thời với những tiểu phẩm thú vị.

Nhiều người nghĩ Phú Đôn chắc khó đóng vai ác. Nhưng vở diễn đầu tiên mà anh tham gia, chính là tác phẩm tốt nghiệp “Người đá lạc đội hình” do NSND Doãn Hoàng Giang dựng. Phú Đôn khi đó 22 tuổi, hóa thân nhân vật phản diện gần 60 tuổi, vai diễn giúp anh đạt điểm cao, nhận nhiều lời khen của thầy cô, bạn học thời đó. Năm 2013, anh cũng từng khiến khán giả ấn tượng khi vào vai trưởng bản - một trùm ma túy trong phim “Ma rừng” do Điện ảnh Công an nhân dân sản xuất.

Phú Đôn thuộc lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát cùng những tên tuổi như Lan Hương, Đỗ Kỷ, Trọng Trinh. “Nếu ngày đó không nghe tin Nhà hát Kịch Việt Nam mở lớp đào tạo diễn viên trẻ thì có lẽ tôi đã nhập học trường công an và đi theo nghiệp nhà binh”, anh nói khi tôi hỏi nếu không làm diễn viên thì Phú Đôn bây giờ là ai. Đến nay, sau hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, nam nghệ sĩ sinh năm 1960 đã ghi dấu ấn qua nhiều vai diễn trên cả sân khấu lẫn truyền hình. Miệt mài, cần mẫn làm nghề trong sự ghi nhận của đồng nghiệp và khán giả, Phú Đôn chứng minh con đường mình chọn là đúng đắn.

Cánh diễn viên nhà hát Kịch kể rằng, mỗi lần ra sân khấu, Phú Đôn thường tếu táo với anh em trẻ: “Thôi, bố đi cày!”. “Cày” xong lại trở vào cánh gà, châm một điếu thuốc rít nhè nhẹ, khoan khoái tận hưởng niềm hạnh phúc của người nông dân vừa vỡ đất khai hoang.

Bị vợ “mắng” vì vai diễn kinh dị đầu tay

Những ngày này, cái tên Phú Đôn càng được nhắc đến nhiều hơn trên các diễn đàn phim, khi bộ phim “Tết ở làng Địa Ngục” mà anh tham gia đang đứng vị trí số 1 tại Netflix Việt Nam.

Trong “Tết ở làng Địa Ngục”, NSƯT Phú Đôn vào vai lão ăn mày què, người dường như có thể thấy trước tương lai và có mối liên hệ đặc biệt với người dân làng Địa Ngục. Nam diễn viên gạo cội nắm vai trò quan trọng trong mạch phim, cùng lúc phải thể hiện nhiều mặt tính cách.

“Với tạo hình lão ăn mày què, tôi phải quặp hai chân lại, đắp đầu gối giả vào. Tôi cứ di chuyển trên nền đất lạnh, gồ ghề với tư thế ngồi như vậy”, anh kể. Để nhập vai lão ăn mày cụt chân, nam diễn viên phải giảm cân, nuôi râu tóc, để móng tay dài và mất rất nhiều thời gian hóa trang trước khi vào mỗi cảnh quay.

“Tôi phải ngồi im bất động từ 7 - 8 tiếng dưới cái lạnh 3-4 độ C của cao nguyên đá Hà Giang, trên người chỉ mặc một chiếc quần nhỏ để hóa trang. Nhân viên đoàn phim để phía trước người tôi 2 bếp than, cộng thêm 1 cái máy sưởi nhỏ, nhưng người tôi vẫn run lên từng hồi. Cả ngày tôi chỉ ăn nhẹ, không dám uống nước. Khi kết thúc, tôi mới được đi vệ sinh. Sau đó, tôi mất hai tiếng để xóa lớp hóa trang trên người. Thật may khi tôi không bị ốm trong thời gian quay phim, dù nhiều diễn viên ít tuổi hơn đã gục vì địa hình và thời tiết khắc nghiệt”, Phú Đôn cho biết. Sau khi về nhà, Phú Đôn bị vợ “mắng” một trận vì lo cho sức khỏe của anh.

Nhưng thành quả cho sự hy sinh đó thật bõ công. “Tết ở làng Địa Ngục” và vai diễn của Phú Đôn được khen ngợi. Trên diễn đàn của phim, nhiều khán giả khen ngợi tạo hình nhân vật và đề nghị làm một phần phim riêng cho lão ăn mày bí ẩn. Một số khán giả thì đánh giá cao thần thái và đặc biệt là ánh mắt của nghệ sĩ Phú Đôn, mang đến chất ma mị, gây được tò mò cho người xem.

“Lần đầu làm thể loại kinh dị, tôi khá đắn đo. Vì tôi thuộc thế hệ cũ, khi dấn thân vào con đường mới không thể xông xáo như các bạn trẻ. Tuy nhiên, được nhà sản xuất đặt niềm tin, tôi quyết định bán linh hồn cho đạo diễn. Đây là vai diễn vừa khó về tạo hình, vừa thử thách tôi về tâm lý nhân vật”, nam nghệ sĩ bộc bạch.

Trâu chậm uống nước... trong

Hơn 40 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam là ngần đấy thời gian các bà bán nước quanh nhà hát quen mắt với anh diễn viên “nông dân” Phú Đôn trên chiếc xe máy cup 82 màu xanh da trời, quần bò áo phông đơn giản, hôm nào “động trời” mới thấy mặc vest, thắt cà vạt.

Từ ngày nghỉ hưu, cuộc sống của “anh nông dân” vẫn giản dị như thế: vừa túc tắc làm nghề vừa quấn quýt bên gia đình. Tuy kết hôn khá muộn ở tuổi 45, nhưng Phú Đôn lại có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, trọn vẹn bên người vợ trẻ kém 25 tuổi. Đồng nghiệp thậm chí còn trêu: Ông Đôn “lớ ngớ vớ huy chương”, “trâu chậm mà uống nước trong”…

Nam nghệ sĩ hài hước kể vì vợ trẻ, lại lên chức làm bố lần 2 khi bước vào tuổi 55 nên có lần cả nhà đi du lịch, “người ta tưởng tôi đẻ thưa, con gái lớn thế mới đẻ thêm đứa nữa”. Cảnh “cha già con cọc” cũng mang đến nhiều tình huống cười ra nước mắt khi mỗi lần đưa đón con đi học, cô giáo lại chào: “Ông đến đón cháu ạ!”.

Dù đã nghỉ hưu nhưng Phú Đôn vẫn đóng phim khi có kịch bản phù hợp. Đợt nào rảnh, anh ngoan ngoãn ở nhà phụ vợ chăm con. Sáng đưa con đến trường xong lại tạt qua hồ Tây thảnh thơi nhâm nhi ly cà phê, ngắm phố. Facebook của Phú Đôn vẫn hay cập nhật những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình. Anh nhận mình là người sống chuẩn mực, nề nếp nhưng không gia trưởng, cổ hủ: lúc vợ bận, sẵn sàng xắn tay giặt giũ, cơm nước, không nề hà gì.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.