Đầu tháng 8 vừa qua, sản phẩm đã hoàn thiện gửi dự thi giải thưởng Đổi mới Sáng tạo quốc tế (iCAN) năm 2020 và đã lọt vào Top 10 chung cuộc. Đây là cuộc thi do Mỹ và Canada đồng tổ chức. Cuộc thi năm nay thu hút được hơn 600 sáng chế từ 60 quốc gia. Nhiều nhà sáng chế là các giáo sư, tiến sỹ của các trường đại học danh tiếng, nhiều CEO của các công ty công nghệ.
Đây là cuộc thi đổi mới sáng tạo danh tiếng được tổ chức hàng năm bắt đầu từ 2016, bởi tổ chức TISIAS tổ chức có trụ sở ở Canada, với mục tiêu hỗ trợ sinh viên, nhà phát minh, nhà đổi mới, doanh nhân và nhà nghiên cứu trên toàn cầu để thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo và các dự án đổi mới, đưa ra các cơ hội kinh doanh khả thi, hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp. Vì vậy, mức độ cạnh tranh của iCAN là rất lớn. Việc hai học sinh Việt Nam vượt qua nhiều tên tuổi nghiên cứu lừng danh để vào Top 10 cuộc thi là sự kiện gây nhiều chú ý.
Theo Minh Đức cho biết, mũ ngăn COVID-19 phát triển dựa trên kết cấu của máy thở và mặt nạ phòng độc, nhưng nó được làm đơn giản hơn. Khi người dùng đội mũ, không khí được bơm qua một lớp màng lọc ngăn virus xâm nhập. Mũ cũng có hệ thống quạt làm mát để làm thoáng khí giúp không bị đọng hơi nước bên trong. Mũ còn có một khoang chứa thức ăn để người dùng có thể ăn uống trong lúc đội mũ. Các kết cấu bên trong được thiết kế hợp lý, không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người dùng.
Mũ cũng đi kèm với găng tay để người dùng có thể lau mồ hôi trên mặt, gãi ngứa, lau chùi mũ được thoải mái, an toàn. Găng tay này được may bằng loại vải chất liệu giống như khẩu trang y tế.
Theo Minh Đức và Khánh An, chi phí để sản xuất một sản phẩm Vihelm chỉ khoảng 1,4 triệu đồng, rẻ hơn một nửa so với sản phẩm của nước ngoài. Chiếc mũ hiện đã được đăng ký bảo hộ sáng chế và sẽ được cải tiến thêm một số tiêu chuẩn để phù hợp với sản xuất hàng loạt: vỏ, gang tay, quạt làm mát v..v. Hai bạn cũng hi vọng sản phẩm của mình có thể góp phần hỗ trợ ngành Y tế và cộng đồng trong nỗ lực đẩy lùi và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh COVID-19.