Mua chất cấm bảo vệ thực vật: Dễ như mua rau

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mỗi năm ngành nông nghiệp chi cả tỷ USD để nhập khẩu gần 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, nhiều hoạt chất dù đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cấm từ lâu nhưng trên thị trường vẫn được các đại lý bán tràn lan.

Tại một cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên đường Nhổn, huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội) chúng tôi hỏi mua sản phẩm diệt cỏ Paraquat. Đây là hoạt chất bị cấm sử dụng trong nông nghiệp tại hơn 40 quốc gia. Tháng 2/2017, Bộ NN&PTNT cũng loại Paraquat khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được lưu hành.

Mua chất cấm bảo vệ thực vật: Dễ như mua rau ảnh 1

Chất Paraquat đã bị cấm từ lâu nhưng nhiều cửa hàng vẫn công khai bày bán Ảnh: XP

Tuy nhiên, ngay khi đặt vấn đề, chủ cửa hàng nhanh nhảu đưa ra cho chúng tôi một chai thuốc diệt cỏ có tên Gramoxone, thành phần có chứa hoạt chất Paraquat, sản xuất tại Indonesia, thể tích 500ml, màu trắng nâu, với giá chỉ hơn 40.000 đồng. “Loại này chỉ sử dụng 1-2 lần là diệt cỏ tận gốc, cháy rất nhanh. Giờ các cửa hàng không phải ai cũng có”, chủ cửa hàng chia sẻ.

Tiếp tục tìm đến những cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), chúng tôi phát hiện một số hoạt chất như Chlorpyrifos Ethyl và Glyphosate… có trong sản phẩm thuốc trừ mối chuyên dụng cho công trình xây dựng với tên gọi Lenfos được các cửa hàng bày bán công khai.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là hai hoạt chất mà Bộ NN&PTNT đã loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam từ mấy năm trước bởi khi sử dụng hoạt chất này để diệt côn trùng sẽ khiến chúng bị hỏng hệ thần kinh và tử vong. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng nếu để bị dính hoạt chất này trực tiếp, người sử dụng sẽ bị ảnh hưởng tương tự.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam chi khoảng 974 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu (tăng 6,8% so với năm 2021). Trong đó, sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng nguồn cung và phân phối thông qua kênh bán hàng của hàng trăm doanh nghiệp, đại lý nhỏ. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2023,

Việt Nam chi hơn 193 triệu USD nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật về nước.

Không chỉ tại các đại lý, trên các trang mạng xã hội, chất cấm trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật được rao bán tràn lan, bát nháo. Tại một nhóm có tên “Hội đại lý phân bón thuốc BVTV” với gần 100 nghìn thành viên hoạt động. Qua theo dõi, mỗi ngày, chúng tôi nhận thấy có hàng loạt bài viết rao bán các loại chất cấm gồm 2,4D, paraquat và glyphosate với những tên gọi khác nhau như Helosate, Vua diệt cỏ, Lyphoxim, Niphosate, Glyphosan, Glyphoxym. Thai 480SL (giá khoảng 130.000 đồng/chai 800ml) có cả chữ Thái Lan và chữ Việt Nam trên bao bì. Phần lớn những điểm bán chất cấm trên nhóm này đều chỉ bán sỉ cho các đại lý, rất ít bán lẻ.

Liên quan đến tình trạng chất cấm bán tràn lan trên thị trường, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận, còn tình trạng sử dụng một chất cấm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật. Qua các đợt thanh, kiểm tra, đơn vị phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để phát hiện ra đường dây quy mô lớn và ngăn chặn triệt để, cần sự phối hợp cơ quan công an, lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị ở địa phương.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...