Đặt mục tiêu dường như luôn là chủ đề nóng, đặc biệt là với người trẻ. Bạn có thể thường xuyên nghe hoặc đọc về nó, vì nó là điều nói đến hay biết đến thì dễ nhưng thực hành lại khó.
Thật vậy, một nghiên cứu của ĐH Harvard về chính các sinh viên đã tốt nghiệp của trường trong vòng 30 năm cho thấy, chỉ có một số rất ít (3%) số sinh viên thực sự viết các mục tiêu của mình ra – và đó cũng là những người thành công nhất trong số họ. Bạn có thể chắc chắn rằng, tất cả các sinh viên Harvard đều đã nhiều lần nghe nói về giá trị của việc đặt mục tiêu. Nhưng chỉ có 3% thực sự viết các mục tiêu của mình ra và kiên trì theo đuổi. Hãy tưởng tượng xem, bạn có thể làm những gì, nếu bạn vừa viết những mục tiêu của mình, rồi liên tục tập trung vào chúng, mỗi ngày, mỗi tuần, cho đến khi chúng trở thành hiện thực?
Tại sao người ta lại gọi là “Hội chứng Mục tiêu Năm mới”? Cụm từ này nói đến việc mọi người đặt ra các mục tiêu, nỗ lực theo đuổi chúng trong… vài ngày, hoặc vài tuần, hoặc thậm chí là vài tháng, rồi… quên luôn. Năm sau, họ lại đặt ra các mục tiêu năm mới, đa phần là giống y như… năm trước. Điều này gọi là “hội chứng”. Nó gây thất vọng và làm hỏng tinh thần của chúng ta. Vậy tại sao rất nhiều người vẫn làm như thế?
Họ có thể đặt ra các mục tiêu quá cao xa, quá chung chung, quá rộng, hoặc quá thiếu thực tế cho một khung thời gian, một điều kiện tài chính hay thể chất nhất định. Như thế, không có nghĩa là những mục tiêu đó không đáng giá. Mà chúng chỉ cần được chia thành những phần nhỏ, cụ thể hơn, dễ đạt được hơn. Có câu chuyện tương tự về con voi, mà tôi thấy minh họa rõ nét nhất về việc đặt mục tiêu. Có thể bạn cũng từng đọc câu chuyện này rồi: “Làm sao để bạn ăn được một con voi? Câu trả lời là: Ăn từng miếng một”. Với các mục tiêu cũng thế. Đặt ra những mục tiêu “vừa miệng” để có thể đạt được chúng một cách không quá khó khăn. Một khi bạn thành thạo việc này thì hãy chia thành những “miếng” to hơn.
Còn một điều nữa, là có thể có quá nhiều người xung quanh bạn, một cách vô tình hay cố ý, không sẵn sàng hoặc không thể ủng hộ bạn đạt được các mục tiêu của mình. Bạn hãy biết rằng, khi bạn thay đổi và đạt được điều gì đó, một số người có thể không thích. Thậm chí, họ có thể hạ thấp bạn theo những cách nhất định, hoặc “dìm” các thành tựu của bạn. Bạn có biết tại sao không? Thường là bởi vì những thay đổi và thành tựu của bạn nhắc nhở họ rằng, theo những mức độ nhất định, lẽ ra họ cũng có thể làm được, nhưng… họ lại không làm. Vì vậy, bạn nên ở bên những người có những mục tiêu và phong cách sống tương đồng, những người mong muốn bạn đạt được những điều tích cực. Như vậy, cả hai bên đều ủng hộ lẫn nhau và khả năng là đều đạt được những mục tiêu của mình.
Một vấn đề nữa là bạn có thể đặt quá nhiều việc vào lịch trình của mình. Bạn sẽ rất bận rộn nhưng bận rộn không có nghĩa là tiến bộ, cũng không có nghĩa là hiệu quả. Hãy chọn lựa cách mình sử dụng thời gian và những gì mình cần tập trung. Thành công thường đến khi bạn biết phải bỏ bớt cái gì, chứ không phải là thêm cái gì vào cuộc sống của mình. Cũng nên để ý xem bạn thường mất bao nhiêu thì giờ cho những việc lặt vặt. Kiểu như, mỗi khi ngồi vào làm việc lại phải tốn nhiều thời gian dọn dẹp các thứ trên bàn, để có chỗ mà đặt laptop. Thế thì bạn nên thấy rằng, việc giữ cho bàn luôn gọn gàng, dùng gì xong cất ngay đi, sẽ là cách để tiết kiệm thời gian.
Đặt mục tiêu cũng giống như câu chuyện về con heo và con gà cùng nhau đi dạo trong thị trấn vào buổi sáng. Con gà rất thích thú khi nhìn thấy tấm biển đề: “Thịt heo và trứng, 2,99 đôla”. Gà nói với heo: “Nhìn kìa, chúng ta lại thành một cặp”. Con heo càu nhàu: “Cậu nói thì dễ. Đối với cậu, đó chỉ là công việc trong một ngày. Còn đối với tớ, thì đó là toàn bộ tâm sức đấy!”.
Việc đặt mục tiêu cũng là công việc trong một ngày. Nhưng việc theo đuổi và đạt được mục tiêu lại đòi hỏi toàn bộ tâm sức của bạn.