Mỹ cho phép viện trợ nhân đạo Afghanistan thông qua Taliban

0:00 / 0:00
0:00
Một binh sĩ Taliban đi tuần ở chợ. Ảnh: AP
Một binh sĩ Taliban đi tuần ở chợ. Ảnh: AP
TPO - Bộ Tài chính Mỹ đã “bật đèn xanh” cho phép xuất khẩu thực phẩm, thuốc men và viện trợ nhân đạo cho Afghanistan thông qua Taliban.

“Bộ Tài chính Mỹ cam kết tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan cũng như một số hoạt động hỗ trợ nhu cầu cơ bản khác”, Andrea Gacki, Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài, cho biết trong một tuyên bố hôm 24/9.

Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Taliban vẫn còn hiệu lực, nhưng Bộ Tài chính nước này hôm qua (24/9) đã công bố hai giấy phép liên quan đến việc viện trợ Afghanistan. Giấy phép đầu tiên cho phép chính phủ Mỹ và một số tổ chức phi chính phủ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan thông qua Taliban. Giấy phép thứ hai cho phép các tổ chức viện trợ và các cá nhân xuất khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc men và thiết bị y tế sang Afghanistan. Mỹ dự báo 97% dân số Afghanistan có thể xuống dưới mức nghèo khổ vào năm tới.

Mỹ cùng phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn chưa chính thức công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan. Taliban hiện vẫn bị xếp vào danh sách nhóm "Khủng bố toàn cầu".

Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken gọi Taliban là "chính phủ trên thực tế" của Afghanistan khi ông xuất hiện trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, nhưng Washington vẫn khẳng định việc công nhận chính phủ Afghanistan do Taliban thành lập sẽ phụ thuộc vào việc Taliban có thành lập một chính phủ ôn hòa và bao trùm hơn so với trước đây hay không.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ hiện đang ngăn hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan rơi vào tay Taliban.

Cũng trong ngày 24/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lên án việc Taliban áp dụng trở lại các hình thức hành quyết tàn bạo như chặt tay chân tội phạm ở Afghanistan. Ông Price nhấn mạnh các hình phạt như vậy “sẽ cấu thành hành vi vi phạm nhân quyền”.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Mullah Nooruddin Turabi – một trong những người sáng lập Taliban, cho biết: “Việc chặt tay là rất cần thiết để đảm bảo tính răn đe".

Kể từ khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8 và giành quyền kiểm soát đất nước, người dân Afghanistan và nhiều quốc gia khác trên thế giới đã theo dõi các động thái của tổ chức này, xem họ có tái lập chế độ cai trị hà khắc như thời kì cuối những năm 1990 hay không.

Vào thời điểm đó, ông Turabi là Bộ trưởng Tư pháp kiêm người đứng đầu Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống tội phạm. Chính quyền Afghanistan khi ấy bị chỉ trích vì tiến hành các cuộc hành quyết dã man ở sân vận động Kabul hoặc nhà thờ Hồi giáo Eid Gah trước sự chứng kiến của hàng trăm người.

Trong các vụ hành quyết, những nghi phạm bị kết tội giết người sẽ bị gia đình nạn nhân nã súng vào đầu, những nghi phạm bị kết tội trộm cướp sẽ bị chặt đứt một bàn tay, hoặc một bàn tay và một bàn chân.

Phát biểu mới nhất của Turabi cho thấy giới lãnh đạo Taliban dường như vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, bảo thủ, dù đã “mở cửa” hơn và thích nghi với những thay đổi về công nghệ như việc sử dụng điện thoại di động.

MỚI - NÓNG