Vẫn dùng kết quả thi chung
Theo Bộ GD - ĐT, từ năm 2019, đề thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát yêu cầu của THPT. Các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng hoặc không, tùy nhu cầu. Không được hiểu máy móc “2 trong 1” mà ép học sinh phải học và thi với cả hai mục tiêu. Đề thi sẽ căn bản là nội dung chương trình lớp 12. Bộ GD - ĐT khẳng định, cần tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng phải cải tiến, làm tốt, sát với mục tiêu đã đề ra. Theo đó, chấm thi tự luận để địa phương thực hiện và tăng cường công tác giám sát khâu làm phách, như chấm kiểm tra, trường đại học sẽ tham gia giám sát chặt chẽ khâu này. Về chấm trắc nghiệm, sẽ tập trung các điểm ở trường đại học. Ngoài vấn đề chấm thi thì công tác coi thi, in sao đề cũng được xem xét sao cho thuận tiện giám sát.
Sau sự thay đổi của Bộ, nhiều trường đại học đã lên kế hoạch tuyển sinh cho năm 2019. Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, trường vẫn xét tuyển vào đại học theo phương thức năm trước. Bởi nếu thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến thí sinh về mặt tâm lý, luyện thi… Ông Dũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm mà Bộ trưởng đã đề cập: Đề thi chủ yếu phục vụ cho thi tốt nghiệp. “Mấy năm nay, chúng ta cứ loanh quanh với bài toán “2 trong 1”. Vì thế, cứ phải nghĩ làm sao để vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển xét đại học. Thế nhưng, điều này là không khả thi, bởi trong một đề thi, không giải quyết được cả hai mục tiêu cùng lúc. Nếu để xét tốt nghiệp, đề thi phải dễ, còn để xét vào đại học, đề phải khó và có những câu hỏi mang tính phân hóa. Chính điều này đã gây khó khăn cho bộ phận ra đề, nên mới dẫn đến hiện tượng, có năm “mưa” điểm 10, có năm lại ít. Cho nên, đề thi hãy tập trung vào kiến thức phổ thông. Các trường đại học hoàn toàn có thể dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, vì nó cũng có sự phân loại, học sinh giỏi được 9 - 10 điểm, học sinh khá đạt 5 - 6 điểm”, ông Dũng nói.
Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cũng cho rằng, việc xét tuyển đại học cũng giống “nước lên, thuyền lên”. Có nghĩa, đề dễ, điểm cao thì điểm chuẩn cao, còn đề khó thì điểm chuẩn thấp. Trường vẫn giữ nguyên hình thức xét tuyển như năm qua, sẽ có đến 60 - 80% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, còn lại ưu tiên xét tuyển từ các trường chuyên, theo học bạ. Ông Dũng cho biết thêm, điểm đầu vào chỉ là một chỉ số, còn điều quyết định vẫn là chất lượng đào tạo và việc siết chặt đầu ra từ các trường đại học.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho biết, trường vẫn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên, năm học tới, sẽ có sự thay đổi. Trường kết hợp hai hình thức: Dựa vào điểm học bạ và điểm của kỳ thi THPT quốc gia. Mặt khác, nếu ĐHQG TP. HCM cho phép sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực cho các trường bên ngoài thì trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM sẽ thí điểm sử dụng kết quả đánh giá đó để tuyển sinh. Cũng theo ông Sơn, việc đề thi THPT quốc gia chủ yếu phục vụ cho mục tiêu tốt nghiệp, xét về khía cạnh nào đó, cũng là mặt tích cực. Bởi nó là điều kiện để các trường thực hiện tự chủ trong công tác tuyển sinh, đồng thời, cũng là cơ hội để trung tâm khảo thí cấp quốc gia ra đời. Trung tâm là nơi tốt nhất thực hiện đánh giá đầu vào, cũng như các bài đánh giá theo yêu cầu của trường. Nếu trung tâm này được thành lập, trường sẽ tham gia hoạt động của trung tâm để có những đánh giá khách quan.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Y Dược TP. HCM cho biết, trường sẽ đợi thông báo chính thức của Bộ mới tính đến việc sử dụng kết quả kỳ thi này trong tuyển sinh năm sau như thế nào. Tuy nhiên, theo ông Khôi, ngay trong đề án tuyển sinh năm 2018, trường ĐH Y Dược TP. HCM đã dự kiến sẽ bổ sung phương thức tuyển sinh mới trong năm 2019. Cụ thể là xét tuyển kết hợp sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và tổng điểm thi 3 môn Toán, Hóa, Sinh. Phương thức mới này chiếm không quá 25% chỉ tiêu mỗi ngành và tổng chỉ tiêu trường. Còn trường ĐH Sư phạm TP. HCM cho biết, năm tới, trường sẽ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh như năm 2018. Trong đó, có việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Lý giải việc này, trường ĐH Sư phạm TP. HCM cho rằng, đề thi dù bám sát hơn với xét tốt nghiệp cũng không mâu thuẫn với việc phân loại thí sinh trong tuyển sinh. Xét tốt nghiệp thì đề thi cũng sẽ có phần phân loại học sinh. Vấn đề là trường xét người học trong khoảng nào để tuyển được người học có năng lực phù hợp với các ngành nghề. Trường ĐH Sư phạm TP. HCM sẽ thí điểm triển khai một số hình thức tuyển sinh khác, như xét tuyển học bạ, tuyển thẳng học sinh các trường THPT chuyên, THPT thực hành, năng khiếu...
Xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐHQG TP. HCM cho biết, ĐHQG TP. HCM đã có kế hoạch lâu dài cho việc tuyển sinh. Trong năm 2019, vẫn tiếp tục đa dạng hóa các phương thức xét tuyển vào ĐHQG TP. HCM. Cụ thể, vẫn thực hiện bốn phương thức như tuyển thẳng theo quy định của Bộ, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên, dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, dùng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tự tổ chức. ĐHQG TP. HCM, dự kiến trong kỳ tuyển sinh năm 2019, tất cả các trường thành viên của đại học này sẽ tăng chỉ tiêu ở phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực lên gấp 2 lần. Đây là năm thứ hai, ĐHQG TP. HCM triển khai kỳ thi đánh giá năng lực. Chỉ tiêu cụ thể của việc xét tuyển tại mỗi trường sẽ được xác định vào ngày 26/11. Năm 2018, tỷ lệ này dao động từ 10 - 20%.
Cũng theo thông tin của ĐHQG TP. HCM, năm 2019, trường sẽ tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực. Đợt 1, trước kỳ thi THPT quốc gia và đợt 2 diễn ra sau kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đầu tháng 12/2018, trường sẽ công bố đề thi mẫu kỳ thi đánh giá năng lực tổ chức trong năm 2019. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM năm 2018 được đánh giá cao, khi hình thức thi mới lạ, kích thích được tư duy sáng tạo của thí sinh. Trong năm tổ chức đầu tiên, đại học này dành hơn 2.000 chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực. Dự kiến, trong kỳ tuyển sinh năm 2019, tất cả các trường thành viên ĐHQG TP. HCM đều tăng chỉ tiêu ở phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này. Theo đó, các trường sẽ dành từ 25 - 50% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này. ĐHQG TP. HCM cũng sẽ làm việc chính thức với các trường đại học, cao đẳng có sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM để bàn công tác phối hợp tổ chức kỳ thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi này. Đến nay, đã có khoảng 10 trường ngoài ĐHQG TP. HCM có ý định sử dụng kết quả kỳ thi này. Đáng chú ý, ĐHQG TP. HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 tại các cụm thi: TP. HCM, Cần Thơ, Quy Nhơn và dự kiến mở rộng thêm một số cụm thi tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Trong năm 2018, ĐHQG Hà Nội triển khai tuyển sinh theo hướng đa dạng hóa hình thức xét tuyển hướng tới các chuẩn mực quốc tế, theo các hình thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển. Cụ thể, xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQG Hà Nội quy định. Xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng đạt từ 70 điểm trở lên và chưa nhập học vào bất kỳ đơn vị đào tạo nào của ĐHQG Hà Nội. Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Vương quốc Anh. Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT đạt điểm 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên mới đủ điều kiện đăng ký để xét tuyển vào các ngành. Với nhiều hình thức tuyển sinh như thế này, ĐHQG Hà Nội đã tuyển được hơn 9.000 thí sinh vào học tại 105 ngành và chương trình đào tạo bậc đại học. Kỳ tuyển sinh năm 2019, ĐHQG Hà Nội tiếp tục sử dụng phương án dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học chính quy. Đồng thời, mở rộng phương thức xét tuyển thẳng và có những chính sách hỗ trợ và điều chỉnh phù hợp.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP. HCM thông tin, năm tới, trường muốn xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Trong đó, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia chỉ là một tiêu chí xét tuyển. Các tiêu chí khác có thể là kết quả học tập bậc THPT, năng lực tiếng Anh… Trong đó, ở từng tiêu chí, trường sẽ phân tích cụ thể để đưa ra phương án phù hợp. Ví dụ, xét kết quả học bạ THPT thì sẽ phải xét trên bao nhiêu năm, điểm số tối thiểu bao nhiêu...