Năm 2023, dự kiến tuyển 2,6 triệu người học nghề

0:00 / 0:00
0:00
Để đạt mục tiêu lao độ ng qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ nhằm đáp ứng mục tiêu nâng cao năng suất lao động, hiện đại hoá đất nước, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến năm tới sẽ tuyển sinh 2,68 triệu người học nghề, tăng 10% so với ước thực hiện năm năm.

Hiện, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam mới chiếm khoảng 26% tổng lao động trong độ tuổi, phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp. Do đó, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thích ứng với tình hình mới, tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.

Năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động. Từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến tuyển sinh 2,68 triệu người theo học giáo dục nghề nghiệp, tăng 10% so với ước thực hiện năm 2022.

Dự kiến, có khoảng 1.867 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó: 399 trường cao đẳng; 410 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.177 cơ sở, giảm 1,7% so với năm 2022.

Năm 2023, dự kiến tuyển 2,6 triệu người học nghề ảnh 1

Năm 2022 dự kiến tuyển sinh 2,6 triệu người học nghề.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến thực hiện hàng loạt các nhóm giải pháp. Bộ này dự kiến tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2027.

Tập trung triển khai các giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện Kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp về truyền thông, tư vấn hướng nghiệp; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính cũng được tăng cường tổ chức.

Đối với công tác tuyển sinh, nhất là đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động và phân luồng, liên thông giữa các bậc học và trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến: Tập trung chỉ đạo công tác tuyển sinh, đẩy mạnh hướng dẫn địa phương, cơ sở phối hợp ngành giáo dục triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

Triển khai mô hình đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động bị thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, công tác tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng bao gồm phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu, tài nguyên học liệu đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng danh mục thiết bị; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và định mức kinh tế - kỹ thuật cũng được quan tâm, chú trọng phát triển.

Công tác kết nối giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cũng như hợp tác quốc tế cũng là một trong những nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trong năm 2023. Xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo vùng, địa phương; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

MỚI - NÓNG