Bảo Chung đăng ký tham gia tình nguyện từ ngày 15/6 mà đến đầu tháng Bảy anh mới bắt đầu ngày làm việc đầu tiên. Đến hiện tại, Chung đã tham gia chống dịch được hơn hai tháng. Bảo Chung tâm sự: “Thật sự ban đầu mình đăng ký vì không muốn ở yên một chỗ khi chứng kiến dịch ở Sài Gòn ngày một căng thẳng. Mình đã chuẩn bị sẵn tinh thần cũng như thuốc men để đón nhận kết quả dương tính bất cứ lúc nào. Đến thời điểm hiện tại, điều mình nhận được đầu tiên là tình cảm của mọi người dành cho mình. Có lúc ngồi nhìn lại, mình thấy đã được lao động, sống hết mình vì và cống hiến hết sức mình”.
Dưới cái nóng như đổ lửa ở Sài Gòn, Chung phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít cộng thêm vài lớp khẩu trang để đảm bảo an toàn. |
Thời gian đầu, Bảo Chung tham gia vào đội khử khuẩn của Thành Đoàn TP. HCM và nhận nhiệm vụ hỗ trợ lấy mẫu, tiêm vắc xin tại phường Tân Định, Q. 1. Đến ngày 21/8, Bảo Chung quyết định đăng ký vào nhóm thiện nguyện “Giang Kim Cúc và các Cộng sự”. Chung chia sẻ: “Có lẽ đó là lần mình suy nghĩ nhiều nhất về những công việc mà mình đăng ký kể từ ngày đầu tham gia chống dịch trên địa bàn thành phố. Mình đã suy nghĩ và nhắn tin cho chị Cúc vào lúc 3h sáng và đã nhận được sự đồng ý từ chị. Mình hy vọng khi tham gia những chuyến xe, công việc “Mai táng 0 đồng” của chị sẽ giúp đỡ được thật nhiều người, giảm tải sức ép cho TP. HCM”.
Không quản nắng mưa, Bảo Chung cùng các đồng đội miệt mài rong ruổi làm công việc thiện nguyện "0 đồng". |
Khi tham gia vào nhóm, Chung được giao nhiệm vụ phụ khâm liệm, gói thi thể và mai táng cho người đã khuất. Công việc của Bảo Chung và nhóm thường bắt đầu từ trưa và kết thúc muộn nhất vào 4h - 5h sáng hôm sau. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ “Mai táng 0 đồng”, nhóm “Giang Kim Cúc và các Cộng sự” còn hỗ trợ nhu yếu phẩm, “Oxy 0 đồng” và “Cấp cứu 0 đồng” cho người dân.
Các thành viên đội thiện nguyện Mai táng 0 đồng tiễn những người không may mất bởi COVID-19 chặng đường cuối cùng. |
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm việc, Bảo Chung cho biết việc phải di chuyển nhiều trên những cung đường xóc nảy và ăn uống không đúng giờ khiến bệnh đau dạ dày bị tái phát. Chung cho biết có những hôm trời Sài Gòn nóng như “đổ lửa”, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít cộng thêm mấy lớp khẩu trang khiến anh “mệt không thở nổi”, mồ hôi ướt đẫm vạt áo. Vì các thành viên trong nhóm đều không quen nhau từ trước, tính cách và cách sống khác nhau nên khó tránh khỏi xung đột. Tuy nhiên sau tất cả, mọi người đều hạ cái tôi xuống để cùng nhau cố gắng vì mục tiêu chung là giúp đỡ mọi người và mong Sài Gòn mau “khoẻ”.
Sau khi hết dịch, Bảo Chung sẽ tiếp tục theo đuổi công việc là người mẫu và sản xuất thời trang. |
Đối với Chung, động lực để anh hoàn thành tốt nhiệm vụ là những lời động viên của người thân, bạn bè. Có người hỏi “Sao không chọn nghỉ ngơi hoặc chọn ở nhà cho an toàn?”. Anh chàng chỉ mỉm cười: “Mình càng làm, càng chứng kiến thì càng muốn cống hiến, nỗ lực thêm. Khi làm việc, mình cảm thấy cái tâm được thoải mái, trưởng thành và suy nghĩ thấu đáo hơn. Mình học được cách trân trọng mọi thứ, nhất là gia đình. Mình cảm thấy cần phải sống ý nghĩa hơn vì sự sống quá mong manh”.
Chung cho biết cuộc hành trình cùng nhóm thiện nguyện “Giang Kim Cúc và các Cộng sự” đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt: “Để mà nói về những điều đặc biệt trong nhóm thì nhiều lắm, mình có thể viết được cả quyển sách. Lần đầu tiên mình được tổ chức sinh nhật có bánh, có quà và những lời chúc từ những người chỉ vừa quen. Là những lần rơi nước mắt cùng những anh em trong nhóm khi nhìn thấy cảnh chia ly của những người thân”.
Bảo Chung nhấn mạnh mong muốn lớn nhất của anh là người dân có ý thức hơn, đoàn kết hơn để Việt Nam nhanh chóng vượt qua đại dịch. Chung cũng cho biết việc đầu tiên khi hết dịch là trở về cùng gia đình và tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình.