Tiếp cận với văn hóa truyền thống từ nhỏ
Giữa những xu hướng mới mẻ, trào lưu hiện đại mà đa số các bạn trẻ quan tâm, cố gắng bắt nhịp để hợp thời thì Gia Bảo lại là một màu sắc khác biệt, nuôi dưỡng niềm yêu thích với những giá trị văn hóa xưa. "Gia đình mình là một gia đình tri thức gốc Sài Gòn, nên từ nhỏ mình được gia đình định hướng phải học giỏi và đọc sách. Ở nhà có nhiều bộ sách bằng tranh về lịch sử, truyện cười dân gian... Mình đọc rồi bộc lộ niềm yêu thích của mình với văn hóa Sài Gòn xưa, từ từ lớn lên thì phát triển thành đam mê văn hóa miền Nam và văn hóa truyền thống của dân tộc”, Gia Bảo chia sẻ.
Thời nhỏ, Gia Bảo còn có thời gian sống ở nhà ngoại, kiểu nhà phố shophouse của Sài Gòn những năm 1960, xung quanh có chợ, khu lao động theo kiến trúc kiểu cũ. Môi trường sống đó đã tạo cho Bảo cảm giác hoài cổ, gợi lên hình ảnh của Sài Gòn xưa nên đã tiếp thêm "lửa" cho Bảo trong việc đi tìm niềm đam mê của mình.
Gen Z Gia Bảo không ngại khi diện cổ phục ra ngoài khi có cơ hội. |
Dù sớm yêu thích nhưng vào những năm đại học, Bảo mới thật sự bắt đầu tìm hiểu sâu và chi tiết nhất về văn hóa Việt. Niềm yêu thích cũng lớn dần, đặc biệt là với cổ phục và nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Nói về những trở ngại, Gia Bảo thổ lộ: "Bắt đầu theo đuổi cổ phục, mình chưa có nhiều kiến thức nên đã sử dụng và mặc sai những loại trang phục cổ, không phù hợp với môi trường và mục đích. Hơn nữa, giá bán của những bộ cổ phục tương đối cao cũng là trở ngại lớn đối với mình".
Tuy gặp khó khăn nhưng Bảo vẫn kiên trì theo đuổi sở thích. Gia Bảo tâm sự, chính những thử thách ấy là lý do để anh trau dồi thêm và cố gắng phát triển niềm đam mê Việt phục xưa. Bên cạnh đó, Bảo còn rèn luyện thói quen tiết kiệm, tham gia các dự án tự học may cổ phục để giảm bớt áp lực chi phí và tiếp tục hành trình mình đã chọn. "Việc mặc cổ phục khi đi ra đường ở Việt Nam là một điều hơi có chút khác thường. Ban đầu, khi cổ phục chưa được nhiều người biết đến thì họ sẽ nghĩ mình đang mặc đồ diễn, đồ tuồng, đồ cúng hay trang phục của nền văn hóa khác như Trung Quốc, Nhật Bản... Nhưng không vì vậy mà mình ngại ngùng hay bận tâm mà không diện cổ phục. Dần dà, mình cảm thấy quen với việc đó. Với những ai chưa thực sự hiểu rõ, mình sẽ kiên nhẫn giải thích, phân tích để lan tỏa niềm đam mê cổ phục và văn hóa Việt được rộng rãi hơn”, Gia Bảo tâm sự.
Gia Bảo (áo đen, hàng cuối) trong sự kiện "Tóc xanh – Vạt áo" do trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) tổ chức. |
Ước muốn lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống
Không chỉ có niềm đam mê riêng với cổ phục, Gia Bảo còn tìm hiểu và nghiên cứu các lĩnh vực văn hóa khác trong phạm vi văn hóa truyền thống Việt Nam, như kiến trúc, văn học, văn hóa, lịch sử và đặc biệt là nghệ thuật sân khấu dân gian.
Hiện tại, Gia Bảo đang học và biểu diễn nghiệp dư đờn kìm Nam Bộ, trình diễn các bản lý, bản vắn trong đờn ca tài tử và nhã nhạc cung đình Huế. Chàng trai Gen Z cho biết, lý do bản thân thích tìm hiểu và học tập các loại nhạc cụ truyền thống là vì kho tàng nhạc cụ truyền thống Việt Nam vốn rất đa dạng, nhưng hiện nay lại đang trong tình trạng thất truyền, cần được bảo tồn khẩn cấp, vì vậy, Gia Bảo luôn muốn tham gia, với hy vọng có thể góp sức trong quá trình truyền bá và lưu giữ những giá trị ấy.
Hiện tại, Gia Bảo còn là người sáng tạo nội dung tại Trường Ca Kịch Viện - một dự án phi lợi nhuận, với mục đích mang nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam đến gần hơn với bạn trẻ. |
“Với những nhạc cụ truyền thống phổ biến như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị,.. thì có các lớp và khóa đào tạo bài bản từ các trường. Nhưng với các nhạc cụ như đàn gáo, đàn đáy, sênh tiền, biên chung, biên khánh... thì nguy cơ thất truyền rất cao. Do đó, mình thích tìm hiểu và học tập các loại nhạc cụ truyền thống để biết nền tảng về cách hoạt động và tư duy lý thuyết âm nhạc của chúng”, Gia Bảo bày tỏ.