Không chùn bước trước khó khăn thể chất
Lê Lam Nhật Tân trải qua thời niên thiếu ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Năm 2018, anh được ba tặng chiếc máy ảnh. Đó cũng là thời điểm Nhật Tân bắt đầu thực hành chụp ảnh. Thế nhưng, một năm sau, Tân phát hiện mắc bệnh đột biến gen mang tên Wilson. “Vào thời điểm đó, mình đã bỏ lỡ cơ hội tham gia các cuộc thi để tập trung điều trị bệnh. Cơ tay mình bị co rút, tay mình rung mỗi khi cầm, nắm đồ vật và cả giọng nói khó nghe này… đều là hệ quả của bệnh”, Nhật Tân bày tỏ tiếc nuối.
Lê Lam Nhật Tân. (Ảnh: NVCC) |
Không chùn bước trước những hạn chế về thể chất, Nhật Tân nỗ lực hoàn thiện kỹ năng chụp ảnh của mình. Lúc mới bắt đầu chụp bằng máy cơ, Nhật Tân chưa thành thạo với các nút bấm. “Chụp ảnh bằng máy ảnh khác hoàn toàn điện thoại. Với điện thoại, mình có thể dễ dàng điều chỉnh các tính năng trên màn hình. Nhưng với máy ảnh, các nút nằm ở vị trí khác nhau trên máy ảnh và việc điều chỉnh mỗi tính năng cũng khác nhau. Thành ra, mình mất không ít thời gian để làm quen. Rất may là mình có ba đồng hành để học cách thao tác với máy ảnh”, Nhật Tân chia sẻ.
Để khắc phục, Nhật Tân hình thành thói quen chụp ảnh nháp. “Mình thường chụp nháp trước mỗi lần tác nghiệp để kiểm tra chất lượng ảnh xem liệu ảnh có bị cháy sáng, hay có bị nhòe không. Từ đó, mình có thể chỉnh các thông số để bắt được khoảnh khắc tốt hơn. Ngoài ra, chụp ảnh nháp còn giúp mình kiểm tra dung lượng pin, thẻ nhớ”, Nhật Tân nói.
Một phiên chợ chiều ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Lê Lam Nhật Tân) |
Những bức ảnh vừa lạ, vừa quen
Trong thời gian chữa bệnh, niềm đam mê với nhiếp ảnh trong Lê Lam Nhật Tân chưa hề tắt đi. Vào năm 2021, Nhật Tân tạo tài khoản Instagram để đăng những khoảnh khắc trong cuộc sống. Theo lời kể của nam sinh, ở thời điểm ban đầu, gia đình và mọi người xung quanh chưa màng đến việc chụp ảnh, cũng như tài khoản Instagram của mình. Nhưng mọi người bắt đầu tập trung vào “thợ chụp ảnh trẻ” sau bộ ảnh chụp cầu Vàm Cống (tại xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp); thậm chí, nhiều trang mạng xã hội đã đăng lại tác phẩm của Nhật Tân. Lý giải cho sức hút của bộ ảnh, anh chia sẻ: “Thường mọi người sẽ hình dung hình ảnh cầu Vàm Cống với hai cột tháp cao sừng sững. Mình muốn chọn góc chụp mọi người ít nhìn thấy hơn. Có lẽ vì vậy mà cảnh dạ cầu thu hút sự chú ý của mọi người”.
Cảnh chụp dạ cầu Vàm Cống, phần cầu bên địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Lê Lam Nhật Tân) |
Nhật Tân cho biết, thắng cảnh hữu tình của quê hương là nguồn cảm hứng cho những tấm ảnh của mình. “Lúc nhỏ, ba thường chở mình đi du lịch khắp các tỉnh miền Tây. Những cảnh đồng ruộng xanh mướt, những con kênh chảy dọc khắp ngả đường… thật gần gũi và ấn tượng, khiến mình chụp ngay trong những lần tham quan”, nam sinh chia sẻ.
Ngoài chụp phong cảnh, Nhật Tân còn chụp ảnh những khoảnh khắc trong đời sống thường nhật. “Nếu để ý, mình dễ bắt gặp nụ cười của cô bán hàng, sự nô đùa vui vẻ của những đứa trẻ… Đó là những hình ảnh đẹp mình muốn lưu giữ”, Tân bày tỏ.
Nụ cười là chủ đề hình ảnh thường thấy của Nhật Tân. (Ảnh: NVCC) |
Để theo đuổi nhiếp ảnh, Lê Lam Nhật Tân cho rằng, sự kiên nhẫn là đức tính cần có. “Mình phải kiên nhẫn để chờ đợi và bắt được các khoảnh khắc. Ngoài ra, mình cần kiên nhẫn và giao tiếp nhiều hơn để kết nối với những người xung quanh trong lúc chụp hình”, Nhật Tân chia sẻ. Cũng theo nam sinh, trước khi chụp ảnh, mỗi người cần có thói quen kiểm tra thiết bị, quan sát địa điểm; cần xin phép người khác trong trường hợp sử dụng ảnh có sự xuất hiện của họ...