Năm Thìn nói chuyện cây cảnh dáng long

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Cây cảnh đẹp không chỉ hội tụ yếu tố nghệ thuật đến từ bàn tay chăm sóc, tỉa tót của con người. Giờ đây, không cần đến trực tiếp, khách hàng được thưởng lãm cái đẹp đó ngay trên không gian mạng”, nghệ nhân Ðỗ Duy Quân (SN 1961), Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Ðiền Xá (Nam Trực, Nam Ðịnh) chia sẻ.
Năm Thìn nói chuyện cây cảnh dáng long ảnh 1
Ông Đỗ Duy Quân (SN 1961), Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Điền Xá giới thiệu những cặp sanh dáng long

Vùng đất tổ nghề trồng hoa, cây cảnh

Ai từng đến làng cây cảnh Vị Khê nằm ven sông Hồng thuộc xã Điền Xá (Nam Trực, Nam Định) đều cảm nhận được bầu không khí mát lành của những nhà vườn. Dọc con đường vào làng là những vườn cảnh xanh mướt đủ loại; cây nào cũng mang hình dáng, phong cách riêng.

Những cây được làm theo các khuôn hình đẹp, bắt mắt như chim thú, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Phổ Minh... được các nghệ nhân cắt tỉa công phu. Mỗi cây đều toát lên sức sống của thiên nhiên và ẩn chứa trong đó là những triết lý sâu sắc của ông cha từ thuở xa xưa.

Chúng tôi tìm vào nhà nghệ nhân Đỗ Duy Quân (SN 1961), Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Điền Xá, người có hơn 30 năm làm cây cảnh. Bên trong khu vườn, ông Quân đang cùng những nghệ nhân khác chăm sóc, uốn tỉa cây. Tiếng kéo lách cách, lúc nhanh lúc chậm làm cho khu vườn rộn ràng, ấm cúng hơn trong những ngày cuối đông. “Để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật phải mất nhiều năm. Như cặp cây sanh này đã gắn bó với tôi từ ngày mới bước vào nghề”, chỉ vào đôi cây sanh thế “long hóa” (thế cây hóa rồng - PV) ông Quân giới thiệu.

Năm Thìn nói chuyện cây cảnh dáng long ảnh 2
Ông Đỗ Duy Quân (SN 1961), Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Điền Xá giới thiệu những cặp sanh dáng long

Năm 1987, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, vốn yêu hoa cây cảnh nên ông quyết tâm theo nghề của cha ông. Khi đó, ngoài chăm sóc, tạo thế dáng cho cây cảnh, ông còn bôn ba khắp Hà Thành tìm đối tác, bạn hàng. Theo ông Quân, thời xa xưa, thú chơi hoa, cây cảnh chỉ dành cho những gia đình quyền quý, giàu có. Ngày nay, thú chơi trên đã phổ biến đến nhiều tầng lớp, đặc biệt là những người yêu thiên nhiên, thích cỏ cây hoa lá, hướng tới cái đẹp. Và các nghệ nhân ở Nam Điền cũng vì thế mà không bị bó buộc, phải sáng tác các tác phẩm của mình theo các thế cổ điển. Họ thường có những sáng tác với nét phá cách để làm sao phù hợp với nhu cầu của người chơi cây cảnh.

Ông Quân dẫn chúng tôi tham quan khu vườn của gia đình. Sống trong làng trồng cây cảnh dưới tán xanh mướt, những lo toan thường nhật như tan biến. Rồi ông Quân cho biết, những người làm cây cảnh có tiếng ở đất Nam Điền đều có năng lực và khả năng thẩm mỹ. Bởi nhận thức cái đẹp đã khó, cắt nghĩa nó còn khó hơn. Muốn làm được, nghệ nhân phải hiểu biết và yêu thiên nhiên say đắm.

Vừa đi, ông Quân vừa nói về những triết lý cơ bản của nghề. Ví dụ như, quy luật của cây tự nhiên là từ non đến trưởng thành và già đi, còn làm cây cảnh thế thì ngược lại, phải làm từ già đến trẻ và hoàn thiện. Cây cảnh phải có gốc, rễ, thân, cành già, mang dáng vẻ hoài cổ nhưng tán lá phải non trẻ, đầy sức sống, như thế mới có giá trị thẩm mỹ. Những tác phẩm thường mang tính gợi mở để làm cho người thưởng ngoạn phải tìm kiếm, suy ngẫm, tư duy để tìm ra cái hay cái đẹp… Và tác phẩm đó phải có hồn, có cốt cách, mang những thông điệp, khát vọng, tình cảm của người sáng tác.

Ông Nguyễn Thế Lực, Trưởng thôn Vị Khê cho biết, 100% hộ dân làm nghề cây cảnh. Trước đây, các hộ kinh doanh cá nhân hoặc thông qua Hội sinh vật cảnh xã Nam Điền. Giờđã có hàng chục công ty được thành lập để thuận tiện ký kết với đối tác. Các hộ dân liên kết với nhau để ký kết hợp đồng, cung ứng sản phẩm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm.

Chuyện cây cảnh thế long

Theo ông Quân, qua hàng nghìn năm, đất Nam Điền có đa dạng các loại cây cảnh với nhiều thế cây phong phú, toát lên sức sống của từng loài và ẩn chứa trong đó là những triết lý sâu sắc. Ví dụ như, cây sanh thế long giáng (rồng đáp xuống đất - PV), khi chế tác bắt buộc phải có 5 cành/tán, tương đương 5 chân rồng.

Rồng là loài vật xuất hiện trong trí tưởng tượng của loài người. Rồng cũng là loài vật tượng trưng cho khát vọng về đất nước hòa bình, khoát hoạt bay bổng… Đó là một sức sống dồi dào mãnh liệt nhưng không lòe loẹt, phô trương.

Năm nay là năm Thìn, người chơi cây, sành cây lại chuyển sang sưu tầm dáng Rồng. Theo ông Quân, trong 12 con giáp, rồng thể hiện sức mạnh, quyền uy nhất nhưng lại rất uyển chuyển. Cây dáng rồng có điểm chung là thân dài, uốn khúc nhiều lần, uốn liên tục, mềm mại, uyển chuyển linh hoạt. Các nhánh cây là chân của rồng, thường ngắn và nhỏ so với thân. Gốc cây thường là đầu rồng nên phải to và có nhiều u bướu, già cỗi.

Ông Quân cho hay, cây cảnh hiện có nhiều thế như: Long giáng, long thăng, long cuốn thủy, lưỡng long tranh châu… Tuy nhiên, hiện nay, cây có thế long giáng và thế long thăng được nhiều người lựa chọn hơn cả.

Làng cây cảnh Vị Khê nằm ven sông Hồng (Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) là một làng nghề truyền thống đã có tuổi đời hơn 800 năm và được mệnh danh là đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh ở Việt Nam. Hằng năm, từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng, Lễ hội hoa, cây cảnh Vị Khê được tổ chức tại đình làng để tri ân công đức Tổ làng nghề và là dịp để các nghệ nhân giao lưu học hỏi, trưng bày những tác phẩm đẹp, tìm kiếm cơ hội hợp tác, buôn bán, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống đến du khách thập phương.

Cây thế long giáng được cấu trúc giống như hình con rồng đáp xuống đất. Thân rồng, đuôi rồng dựng đứng xuống gốc. Rễ nổi làm râu, u bứu được tạo nên do các vết cắt đục. Đầu và ngực rồng nằm trên chậu. Chân, tay là các cành được thu nhỏ. Xa xưa, thế cây này bộc lộ chí khí, mong muốn có cuộc sống ấm no.

Còn cây thế long thăng tượng trưng cho lòng kiên quyết quật khởi, lúc nào cũng vươn lên tiến bộ. Cây dáng long thăng biểu trưng cho sự bay lên, phất lên – một năm mới làm ăn thuận lợi, phát đạt.

Theo ông Quân, loại cây phù hợp làm cây cảnh phổ biến cho dáng long có thể nói đến đầu tiên là cây sanh Nam Điền. Bởi sanh Nam Điền có đặc trưng màu lá sanh biếc rất đẹp. Một đặc điểm khiến sanh Nam Điền rất được ưa chuộng là lâu phá thế, một khi cây đã đẹp sẽ có tính ổn định cao. “Để làm được cây long thăng hay long giáng, mất ít nhất 5 đến 7 năm. Với thế cây long thăng theo lối cổ thì chỉ làm 5 cành - tán, nó biểu trưng cho ngũ phúc, hay theo phong thủy ngũ hành”. Thường cành trên cùng biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, nhà luôn có phúc”, ông Quân nói.

Năm Thìn nói chuyện cây cảnh dáng long ảnh 3
Những người thợ ở Nam Điền tỉ mỉ uốn, cắt từng chồi, cành

Đến đình tổ nghề trồng hoa, cây cảnh ở làng Vị Khê, chúng tôi gặp ông Nguyễn Thế Lực, Trưởng thôn Vị Khê. Ông Lực cho hay, người dân làng Vị Khê vẫn sống khỏe dù thị trường bất động sản, dự án có nhiều biến động. Bởi, với uy tín của thương hiệu làng nghề cây cảnh Vị Khê, từ đời ông cha truyền dạy, người dân chỉ cần chịu khó, nắm vững kỹ thuật, chăm chút cây cảnh cho chỉn chu là khách hàng tự tìm đến.

Ông Lực còn kể, những năm gần đây, để bắt nhịp với xu thế, người dân ở đây đã nhanh chóng chuyển đổi, phát triển bán hàng công nghệ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… Kinh doanh qua mạng đã giúp các nhà vườn, người làm cây cảnh duy trì kết nối với nhiều khách hàng hiện tại và cả các khách hàng tiềm năng mới mà họ chưa hề gặp mặt; dễ dàng nhắn tin trao đổi với khách hàng mà không tốn chi phí…

MỚI - NÓNG