Nằm trong top thành phố ô nhiễm: Hà Nội khắc phục cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND TP Hà Nội vừa công bố kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, với định hướng mục tiêu đến năm 2035. Trong kế hoạch này, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu để có từ 75% đến 80% số ngày trong năm với chỉ số AQI ở mức tốt và trung bình.

Các biện pháp chính trong kế hoạch bao gồm kiểm soát nguồn phát khí thải, tăng cường giám sát, cảnh báo chất lượng không khí để cải thiện môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Đến nay, Hà Nội chưa kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, tổng hợp từ nghiên cứu của Bộ TN&MT, Ngân hàng Thế giới cho thấy bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống), PM 10 (10 micron trở xuống) có nguồn phát thải chính từ phương tiện giao thông đường bộ và bụi đường. Trong đó, nguồn giao thông chiếm 66,3% đối với PM 2.5 và hơn 54% đối với PM 10. Ngoài ra, đốt rơm rạ ngoài trời và hoạt động công nghiệp cũng được xác định là nguồn phát thải lớn hai loại bụi này.

"Thành phố đang phải đối mặt vấn đề ô nhiễm không khí, chủ yếu do bụi PM 2.5, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về kinh tế", báo cáo của Hà Nội nêu, dẫn chứng trung bình mỗi năm Hà Nội có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện.

Nằm trong top thành phố ô nhiễm: Hà Nội khắc phục cách nào? ảnh 1
Ứng dụng AirVisual ghi nhận Thủ đô của Việt Nam ô nhiễm nhất trong hơn 100 thành phố mà hệ thống theo dõi

Trước đó, theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) công bố năm 2020, ô nhiễm không khí khiến Việt Nam thiệt hại 10,82-13,63 tỷ USD mỗi năm.

UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra những hạn chế đó là công tác lắp đặt hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường không khí còn chậm so với tiến độ. Quan trọng hơn, trách nhiệm quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư chưa được phân định rõ ràng. Đối tượng phát thải, gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại các đô thị lớn là từ hoạt động giao thông và hoạt động của các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như: công trường, công trình giao thông, cải tạo vỉa hè...

Trong kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến 2035, Hà Nội đề ra mục tiêu 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình. Giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019). Hà Nội cũng đề ra giải pháp quản lý chất lượng không khí cho TP gồm 4 nhóm và 14 nhiệm vụ cho mục tiêu này.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, là đơn vị chủ trì thẩm định công nghệ mới đối với các dự án phát thải khí thải, Sở mong muốn nhận được nhiều đặt hàng liên quan đến vấn đề này. Để thực hiện giảm phát thải, Sở hiện đang thực hiện đề án liên quan đến công nghệ thu hồi phát thải. Đề án đang được công khai trên cổng thông tin điện tử của sở, thời hạn đăng ký tham gia đề án trong tháng 3/2024.

MỚI - NÓNG