Nắng nóng 'như thiêu như đốt', tiêu thụ điện lập kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
Nắng nóng gay gắt, lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và trên cả nước liên tục lập kỷ lục
Nắng nóng gay gắt, lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và trên cả nước liên tục lập kỷ lục
TPO - Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, nắng nóng gay gắt đã làm tiêu thụ điện trên toàn quốc tăng rất mạnh. Sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc ngày 1/6/2021 tiếp tục lập kỷ lục mới với con số là 880,3 triệu kWh, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 15% so với trung bình tuần trước đợt nóng.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm các thiết bị trên lưới điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện.

Trước tình hình tiêu thụ điện liên tục tăng đột biến, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30 đến 15h00, buổi tối từ 20h đến 23h. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện.

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà NộI) cho biết, Ngày 31/5/2021, Hà Nội bước vào ngày đầu tiên của đợt cao điểm nắng nóng với nền nhiệt phổ biến 39°C có thời điểm 40°C khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, sản lượng điện tiêu thụ trên toàn Thủ đô lập mốc đỉnh mới.

Theo thống kê mới nhất của Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng ngày bình quân tháng 05 là 67,851 triệu kWh, tăng xấp xỉ 20% so với tháng 4 (56,106 triệu kWh). Công suất đỉnh (Pmax) được thiết lập lúc 14h ngày 31/5/2021 là 4.530 MW, đây mà mốc cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 2% so với đỉnh 4.435 MW của năm 2020. Sản lượng điện năng tiêu thụ riêng ngày 31/5/2021 cũng lập đỉnh mới chưa từng có với 90,372 triệu kWh. Nắng nóng kéo dài, ngay cả ban đêm cũng rất oi bức tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện do các thiết bị điện đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao cả ngày dài.

Trong thời gian từ đầu tháng 5 trở lại đây, dịch bệnh COVID-19 đang có những diến biến phức tạp cùng với tình hình nắng nóng kéo dài khiến cho tăng trưởng phụ tải điện ở mức cao. EVNHANOI đã chuẩn bị trước cho các tình huống này bằng các phương án cải tạo, nâng công suất, san tải để đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho khách hàng.

Tuy nhiên, vào những giờ cao điểm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ quá tải cục bộ gây mất điện. Vì vậy, ngoài việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, khách hàng cũng không nên sử dụng cùng lúc các thiết bị điện có công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ quá tải của lưới điện, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng điện, vừa hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường.

Dự báo nắng nóng gay gắt còn tiếp diễn trong 2 ngày tới, để đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, liên tục, EVNHANOI khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống điện (bao gồm khung giờ từ 11h – 14h và từ 18h – 23h hàng ngày); không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.

Nắng nóng 'như thiêu như đốt', tiêu thụ điện lập kỷ lục ảnh 1

Lượng điện tiêu thụ bình quân theo tháng của khu vực Hà Nội với sản lượng tăng rất mạnh trong tháng 5/2021

4 tuyệt chiêu tiết kiệm điện khi dùng điều hòa

Theo tính toán của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hòa nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60-65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ của gia đình.

Theo các chuyên gia, việc chọn máy điều hòa có công suất phù hợp với căn phòng, có bộ điều chỉnh tự động bằng điện tử sẽ tiết kiệm cho bạn khoảng 30% điện năng. Bởi mức nhiệt bên ngoài cứ cao hơn 10 độ là đã có thể tiết kiệm điện thêm 10%.

Ngoài ra, để tiết kiệm điện tối đa, mức nhiệt độ tốt nhất để điều hòa trong phòng là từ 26 đến 28 độ C. Việc nhiều gia đình để nhiệt độ dưới 25 độ C không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe.

Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp. Việc dùng quạt kết hợp điều hòa ở mức 28 độ C sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn. Bên cạnh đó, việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Việc thường xuyên bảo dưỡng định kỳ điều hòa khoảng 6 tháng/lần giúp tiết kiệm được đến 7% điện năng tiêu thụ đồng thời giúp tăng tuổi thọ sử dụng của sản phẩm.

“Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%”, đại diện EVN Hà Nội cho hay.

Ngoài ra để tiết kiệm điện,cũng không nên bật tắt điều hòa nhiều lần. Cách này khiến tiêu thụ điện năng nhiều hơn do điều hòa phải khởi động nhiều và làm cho điều hòa nhanh hỏng hơn.

MỚI - NÓNG