Mô hình khởi nghiệp này hướng đến việc nâng cao giá trị nông sản địa phương và giúp người nông dân trồng ấu có đầu ra ổn định.
Phải đảm bảo độ tươi
Ban đầu, Nguyễn Anh Thy bắt đầu công việc khởi nghiệp với các sản phẩm chủ yếu từ nguyên liệu sen: Hạt sen tươi, củ sen, ngó sen… Từ những lần đầu kinh doanh các nông sản địa phương, Anh Thy nhận thấy rằng, ngoài mặt hàng sen tươi, củ ấu là đặc sản được nông dân tại Đồng Tháp trồng nhiều năm nay. Tuy vậy, người dân chỉ bán củ ấu tươi nguyên vỏ hoặc luộc chín, bày bán ven đường. Điều này làm cho giá trị kinh tế của củ ấu rất thấp, người trồng có nguồn thu nhập bấp bênh. “Tại sao mình không thử tách vỏ đen củ ấu, đóng gói bao bì và chào bán ở các cửa hàng thực phẩm?”, Anh Thy tự nhủ. Nghĩ là làm, đến tháng 4/2017, chị bắt đầu thực hiện ý tưởng kinh doanh sản phẩm củ ấu tươi tách vỏ.
Anh Thy đi thực tế khảo sát các địa phương trồng củ ấu để nghiên cứu quy trình trồng, thời gian sinh trưởng, thu hoạch, các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều quan trọng nhất là nguồn ấu tốt, có quanh năm, không bị gián đoạn, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, nguồn nước… Khi tìm hiểu kỹ mọi thứ, chị bắt đầu nhập đủ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất, cũng như cung ứng ra thị trường. Đồng thời, chị đi nhiều nơi, hỏi thăm nhiều địa chỉ để tìm nguồn nhân công phù hợp, biết cách tách vỏ ấu. Do hiện tại, việc tách vỏ ấu không quá phổ biến, phương pháp duy nhất là tách vỏ thủ công, Anh Thy mất khá nhiều thời gian mới tìm được những người thợ lành nghề.
Nguyễn Anh Thy khởi nghiệp với dự án củ ấu tươi tách vỏ.
Sau nhiều lần thử nghiệm, Anh Thy đã nghiên cứu hiệu quả quy trình sản xuất củ ấu theo phương pháp riêng. Củ ấu nguyên vỏ sau khi mua về phải rửa sạch, để khô ráo, rồi mới tiến hành công đoạn tách vỏ. “Sau đó, củ ấu tươi tách vỏ sẽ được rửa sạch một lần nữa, sấy khô và đóng gói bao bì thành phẩm. Củ ấu tươi thành phẩm phải được bảo quản ngay trong ngăn mát tủ lạnh để đảm bảo màu sắc, độ tươi mới. Kinh doanh sản phẩm tươi rất khó, đặc biệt là củ ấu. Nó có lớp vỏ dày, cứng, đen và nhiều mủ nên khi tách vỏ ra thì rất dễ bị thâm đen. Vì vậy, sản phẩm lúc đầu làm ra chưa đạt yêu cầu cảm quan như mong muốn, thịt củ ấu dễ bị đen. Thậm chí, người thợ tách vỏ ấu chưa quen tay nên tách ra, củ ấu giòn rất dễ gãy. Để sản phẩm làm ra sạch, đẹp, mình chỉ tiến hành rửa sạch củ ấu tươi trước và sau khi tách vỏ, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng hóa chất”, chị Thy cho biết.
Làm tăng giá trị nông sản Việt
Trong quá trình kinh doanh, theo Anh Thy, củ ấu là sản phẩm quen thuộc nhưng mọi người chưa biết nhiều cách thức chế biến, phần lớn khách hàng chỉ đem luộc. Ngoài ra, sản phẩm còn khá mới mẻ nên chưa tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Để định hướng việc kinh doanh lâu dài, chị thành lập xưởng sản xuất và chế biến đảm bảo các quy trình an toàn. Sản phẩm củ ấu tươi do chị sản xuất đã được Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp kiểm định và chứng nhận đảm bảo chất lượng. Từ đây, củ ấu tươi tách vỏ được phân phối tại các siêu thị như: Co.op mart, AEON… Ngoài ra, chị Thy còn phân phối mặt hàng đến các cửa hàng thực phẩm sạch và quảng bá sản phẩm trên kênh “online”.
Theo tính toán chung, cứ 2 – 2, 5 kg ấu tươi sẽ cho 1 kg ruột ấu thành phẩm. Sau đó, sản phẩm sẽ được đóng túi nhựa, hút chân không và mang đi tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm… Củ ấu tươi tách vỏ có giá bán dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg. Mỗi tháng, chị Thy cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn củ ấu thành phẩm. Sản phẩm bước đầu nhận được sự ủng hộ của khách hàng nhờ sự tiện lợi, vì người tiêu dùng không mất thời gian tách vỏ. Hơn nữa, củ ấu tươi tách vỏ còn là nguyên liệu phong phú có thể chế biến nhiều món ăn ngon: Vịt hầm củ ấu, chè của ấu, súp củ ấu… Vì vậy, đối tượng khách hàng chủ yếu mà chị Thy hướng đến là những người nội trợ, nhân viên văn phòng…
Công việc kinh doanh bước đầu thuận lợi nhưng Anh Thy vẫn tiếp tục nghiên cứu hiện đại hóa quy trình sản xuất, thiết kế mẫu bao bì bắt mắt để tạo ra sản phẩm đẹp, chất lượng cao hơn. Sắp tới, chị sẽ mở rộng quy mô sản xuất, liên kết bao tiêu nguyên liệu với các hộ nông dân trồng củ ấu. Điều này nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, sản xuất đủ năng suất và cung ứng đủ ra thị trường. Nói về dự án của mình, cô chủ trẻ cho rằng: “Mô hình sản xuất củ ấu tươi tách vỏ hướng tới mục đích tận dụng và nâng cao giá trị nguồn nông sản địa phương tại tỉnh Đồng Tháp. Khi thực hiện dự án, mình mong muốn góp phần làm tăng giá trị củ ấu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Từ đây, góp phần giúp người nông dân có thu nhập khá hơn. Củ ấu có rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng khó bảo quản nên trước mắt chỉ tiêu thụ nội địa. Trong tương lai, mình sẽ nghiên cứu thêm các dòng sản phẩm mới như: Củ ấu sấy khô, ấu ăn liền, sữa ấu… để làm tăng thời gian bảo quản và định hướng xuất khẩu”.
Mới mẻ, sáng tạo, độc đáo, dự án khởi nghiệp củ ấu tươi tách vỏ của Nguyễn Anh Thy đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp, năm 2017” và lọt vào vòng Chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp” lần III, năm 2017, do BSA tổ chức. |