Nấu tiệc xuyên tỉnh lên hương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịp cuối năm, những bàn tiệc “có chân” chạy từ từng xóm làng ở Quảng Nam ra khắp thành phố Đà Nẵng phục vụ tất niên, hội họp, cúng kính… Càng tới gần Tết, khách đặt tiệc càng đông, đội nấu tiệc tỏa đi khắp thành phố, có hôm xuyên tỉnh cả hai buổi sáng chiều.
Nấu tiệc xuyên tỉnh lên hương ảnh 1
Chị Huyền Phương (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chuẩn bị mâm tiệc cúng tất niên cho một gia đình tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần

Ôm bếp chạy sô

Trên các tuyến đường ở Đà Nẵng những ngày này rất dễ bắt gặp từng đoàn người đi xe máy từ Quảng Nam ra, trên xe chất đầy nồi chảo, thức ăn, bình ga, bát đũa… Có cả những xe tải chở theo bàn, ghế, loa đài. Chị Nguyễn Thị Diệu (47 tuổi, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lỉnh kỉnh chở một sọt nhựa đựng đầy đồ ăn bát đũa, chảo chiên cho ba mâm cúng tất niên. Chị cho hay, đang trên đường đi nấu tiệc cho một gia đình ở quận Thanh Khê, hơn 10 giờ gia chủ sẽ cúng nên chị đã xuất phát sớm đến nơi còn sửa soạn. Cùng đi với chị là mấy chị em trong làng, mỗi người lo tiệc một nơi.

Chị Diệu kể gần cả tháng nay, nhiều thôn xóm chỗ chị ngày nào cũng “dậy mùi” thức ăn từ sáng sớm, rộn lên tiếng dao chặt vào thớt, tiếng xèo xèo của dầu sôi trên chảo… Cả làng đang vào mùa nấu tiệc. Từ tinh mơ, mọi người đã tụm lại lo chuyện bếp núc; ngày có nhiều khách đặt họ phải dậy từ lúc 2 hoặc 3 giờ sáng. Mấy chị em chia nhau người sơ chế, người tẩm ướp, người đứng bếp, người soạn mâm. Khi mọi thứ xong xuôi thì trời cũng đã sáng, thức ăn căn theo đơn đặt tiệc được chuẩn bị lên xe, xuất phát ra Đà Nẵng. “Có hôm người ta đặt đông quá, sáng tui đi một lượt về, chỉ kịp lùa vội mấy miếng cơm qua bữa là lên xe chạy ra Đà Nẵng vòng nữa lo tiệc chiều. Mấy ngày này cơ quan công sở ngoài đó gần nghỉ Tết họ đặt liên tục, nơi tất niên, chỗ liên hoan, chạy đứ đừ luôn”, chị Diệu nói.

Đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ, chị Lê Thị Hà (45 tuổi) không giấu được vẻ mệt mỏi vì từ đầu tháng Chạp tới nay “chạy sô” theo hàng trăm bàn tiệc. Việc chính của chị là nấu nướng, nhưng khi thiếu người cũng phải chạy xe chở mâm cỗ ra Đà Nẵng. Chị bảo từ đây tới 29 âm lịch, ngày nào cũng phải “cày”, có ngày tới 10 tiệc, nấu mấy chục mâm. Những dịch vụ nấu tiệc lớn thì dùng xe tải chở thức ăn, bát đũa liên tục cả ngày, có khi phải thuê thêm xe.

Mâm tiệc xuyên tỉnh thường có từ 6 đến 8 món, tuỳ theo nhu cầu của gia chủ. Những mâm cơ bản gồm có gỏi, súp, gà, tôm, bò, lẩu và món tráng miệng. Giá từ 1 triệu đồng/mâm trở lên. Những đầu bếp xứ Quảng cũng không ngại nhận thêm những món đòi hỏi sự tươi ngon, nóng hổi, cầu kỳ như mực hấp, cá chiên mắm xoài… Chị Hà tự tin cho biết, sở dĩ cả làng vắt chân lên cổ “chạy sô” những ngày này cũng là vì nấu nướng đàng hoàng, hợp khẩu vị, giá phải chăng.

“Đi nấu tiệc có đồng ra đồng vào đỡ lắm, quanh năm có việc. Nhưng đã làm nghề này là phải buông hết việc gia đình mình. Người ta gọi làm giờ nào là phải có mặt giờ đó, nhiều hôm chủ nhà cà kê tới tối đen cũng ráng ngồi chờ, không dám phàn nàn vì sợ người ta quở trách mình không nhiệt tình. Như năm nay, 29 âm lịch mới nấu xong bữa tiệc cuối cùng, lúc đó mới về lo dọn dẹp, tất niên nhà mình”.

Chị Nguyễn Thị Hồng (48 tuổi, xã Điện Thọ)

Đổi đời nhờ nấu tiệc

Thị xã Điện Bàn là một trong những nơi nấu ăn có tiếng ở Quảng Nam. Trước đây bà con chủ yếu làm nông, chỉ một vài nhà chuyên nấu nướng phục vụ đám giỗ, đám cưới trong vùng. Sau đó ở huyện khác, rồi tận ngoài Đà Nẵng bắt đầu đặt hàng, bà con kéo nhau đi nấu tiệc. Người “có nghề”, có vốn và táo bạo thì mở dịch vụ, còn lại đi nấu thuê. Về xã Điện Thọ, nhắc dịch vụ nấu tiệc Nam Quý ai cũng biết vì là một trong những dịch vụ lớn nhất vùng. Anh Trương Văn Nam (thôn Châu Lâu, chủ dịch vụ) nhớ ngày trước làm nông, quanh năm chẳng thấy dư đồng nào. Thấy nấu tiệc có thu nhập, anh chịu khó học hỏi, mở dịch vụ và gây dựng lớn dần. Sau 12 năm gắn với cái nghề “làm dâu trăm họ”, anh đã sắm 3 xe tải, trang bị đầy đủ mâm cỗ, rạp và đội ngũ nhân lực có thể phục vụ cả 100 mâm cỗ. Anh khoe lúc cao điểm phải thuê thêm xe tải để chở tiệc tới cho khách hàng. “Giờ tôi “biên chế” cho 10 người đảm nhiệm các khâu nấu ăn, quản lý, lái xe…với lương cứng 8 triệu đồng/tháng. Còn lại đội ngũ nấu nướng phục vụ cơ động gần cả trăm người, có việc làm thường xuyên cho họ”, anh cho biết.

Nấu tiệc xuyên tỉnh lên hương ảnh 2
Những bàn tiệc theo xe máy từ Quảng Nam ra phục vụ người dân Đà Nẵng ngày giáp Tết. Ảnh: Thanh Trần

Trong làng, không chỉ anh Nam mà những người làm dịch vụ nấu tiệc lâu năm phần lớn đã sắm xe tải để hành nghề thuận tiện. Cũng chính nghề này mà xóm làng thuần nông ngày trước nay đã có những căn nhà khang trang, cuộc sống của bà con bớt chật vật.

Chị Huyền Phương (xã Điện Thọ) thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn 10 năm qua từ khi rẽ sang nghề nấu tiệc. Chị thật thà cho biết, tháng cuối năm là tháng “tiền vô” chứ không phải lo thiếu trước hụt sau như trước đây. Có những ngày cao điểm dịch vụ của chị nấu phục vụ cả chục bữa tiệc, mấy chục mâm, thu về khoản tiền lãi mà làm nông chắc không bao giờ dám nghĩ tới. Còn những chị em đi nấu thuê mỗi ngày cũng được vài trăm ngàn, chưa kể được gia chủ thưởng thêm.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động

TPO - Ngày 22/1, Chủ tịch nước Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động nhân dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Ất Tỵ 2025.