Nét độc đáo lễ tiễn ông Công, ông Táo ở miền Tây

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo nhiều tiểu thương ở TP. Cần Thơ, người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường đốt cá chép bằng giấy vàng mã để tiễn ông Công, ông Táo, nên sức tiêu thụ mặt hàng cá chép sống không sôi động như các vùng miền khác.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, sáng 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Công, ông Táo về trời, tại chợ Cái Răng (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) các mặt hàng như cá chép, hoa cúng, xôi chè, vàng mã không hút khách như mọi năm. Giá cả nhóm mặt hàng này không tăng hoặc có tăng chỉ lên giá vài nghìn đồng/sản phẩm.

Nét độc đáo lễ tiễn ông Công, ông Táo ở miền Tây ảnh 1

Sức tiêu thụ mặt hàng cá chép tại TP Cần Thơ không sôi động như các vùng miền khác.

Nhiều năm buôn bán tại chợ Cái Răng, anh Hoàng Thiện (40 tuổi, quê Hậu Giang) cho biết, trước ngày đưa ông Táo về trời, anh đều nhập cá chép về bán. Cá chép nhỏ được bán giá 40.000 đồng/túi/3 con hoặc 100.000 đồng/kg với loại cá chép lớn.

"Năm nay bán chậm, từ rằm đến giờ ế lắm nên tôi nhập ít đi phân nửa. Mua ở chợ đầu mối mười mấy ký nhưng sáng giờ chỉ mới bán được vài túi", anh Thiện nói.

Nét độc đáo lễ tiễn ông Công, ông Táo ở miền Tây ảnh 2

Tiểu thương buôn bán tại chợ Cái Răng, TP. Cần Thơ.

Theo tiểu thương, thả cá chép trong ngày 23 Tết là phong tục của các tỉnh miền Bắc. Trong miền Nam, vào ngày ông Công ông Táo thường đốt cá chép bằng giấy vàng mã, nên sức tiêu thụ mặt hàng cá chép sống không sôi động.

Riêng khu vực bán hoa tươi được đánh giá là "xôm tụ" nhất. Giá thành các mặt hàng này dao động từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/bó, không tăng.

Nét độc đáo lễ tiễn ông Công, ông Táo ở miền Tây ảnh 3

Mẫu mã các mặt hàng vàng mã ông Công, ông Táo năm nay khá đa dạng, phong phú.

Bà Lê Ngọc Lương, tiểu thương có thâm niên kinh doanh tại chợ Cái Răng hơn 50 năm cho biết, ngày 23 Tết người dân thường mua các loại hoa như vạn thọ, cúc, huệ... về cúng.

Nét độc đáo lễ tiễn ông Công, ông Táo ở miền Tây ảnh 4

Hoa vạn thọ, cúc, huệ hút khách. Ảnh: Nhật Huy.

"Mấy ngày trước chợ bán chậm lắm, khách vắng hoe. Đến bữa nay, ngày Tết ông Công, ông Táo chợ đông đúc hơn chút. Mong rằng vài ngày tới khách đi chợ nhiều hơn để người bán hàng như chúng tôi có lợi nhuận, ăn cái Tết sung túc", bà Lương chia sẻ.

Soạn giả - Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho biết, đưa ông Táo về trời là tục lệ có từ lâu đời, kế thừa từ miền Bắc, trải qua hàng trăm năm đã Nam Bộ hóa. Nghi thức cúng đưa ông Táo vẫn giống các nơi, gửi gắm ông Táo vào ngày 23 Tết để báo cáo Ngọc Hoàng tình hình năm qua. Việc này mang tính truyền thống, đạo đức, vui tươi, dí dỏm.

Nét độc đáo lễ tiễn ông Công, ông Táo ở miền Tây ảnh 5

Người dân ở Hậu Giang cúng ông táo vào sáng 2/2 (nhằm 23 Tết). Ảnh: Hòa Hội

Nghi thức cúng ông Táo gồm bộ đồ giấy cò bay ngựa chạy đốt lên để làm phương tiện ông Táo về trời. Tục miền ngoài truyền vào Nam có con cá chép đưa ông táo về trời. Đây còn là giao thoa văn hóa giữa phương Nam và miền ngoài.

Trước đây, người dân cúng đưa ông Táo tại bếp lò bằng đất nung, xã hội phát triển dần chuyển sang bếp gas, bếp điện..., tuy nhiên tục lệ cúng ông Táo vẫn cúng ngay tại gian bếp ấy. Thủ tục cúng đơn giản, đặt lư hương với đĩa trái cây, bánh trái; người kỹ hơn cúng gà theo hiện đại nhưng giá trị gốc vẫn bảo toàn.

Nét độc đáo lễ tiễn ông Công, ông Táo ở miền Tây ảnh 6

Theo soạn giả Nhâm Hùng, ý nghĩa sâu sắc nhất của việc cúng ông Táo là đầm ấm, hạnh phúc gia đình. Đưa ông Táo về trời cũng là dịp nhắc nhở, xét lại trong năm gia gia đình làm ăn như thế nào, thành công hay thất bại. Bất cứ gia đình nào cũng gắn liền với bếp, đó là nơi sinh hoạt chung của mọi nhà, bếp lửa đầm ấm, hạnh phúc mang đến hòa khí thịnh vượng của gia đình trong cả năm.

MỚI - NÓNG