Nếu không giảm số ca mắc và tử vong do COVID-19, TPHCM phải tiếp tục giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
Nếu không giảm số ca mắc và tử vong do COVID-19, TPHCM phải tiếp tục giãn cách
TPO - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả ban đầu của TPHCM sau tuần đầu thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Số bệnh nặng và tử vong đang ở mức cao, nếu không kéo giảm được trong tuần tới, TPHCM khó thoát được Chỉ thị 16”.

Dịch bệnh đã gây ra sức ép quá lớn

Tại cuộc họp trực tuyến tối 15/7 về công tác phòng chống dịch COVID-19 sau tuần đầu thực hiện cách ly xã hội toàn TPHCM theo Chỉ thị 16, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết, trên địa bàn đã có 142 ca tử vong vì dịch COVID-19, số ca mắc đang điều trị là 21.411 trường hợp. Sau tuần đầu cách ly xã hội, số ca bệnh vẫn chưa có biểu hiện giảm.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM nêu rõ: “Cách ly xã hội là sự cần thiết để ngăn chặn dịch COVID-19 đang lây lan trên địa bàn nhiều tỉnh tại khu vực phía Nam, nhất là TPHCM. Chính phủ nhận định dịch đang diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh phía Nam, ngoài TPHCM nhiều tỉnh đã thực hiện Chỉ thị 16 ở phạm vi cục bộ. Nhận định chung của Chính phủ thì việc phòng chống dịch tại thành phố và phía Nam là đúng hướng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của chủng mới Delta đã làm nhiều nơi khó khăn, lúng túng vượt quá kiểm soát”.

Nếu không giảm số ca mắc và tử vong do COVID-19, TPHCM phải tiếp tục giãn cách ảnh 1

Đoàn Bộ Y tế kiểm tra chống dịch tại quận Bình Thạnh sáng nay- ảnh Khắc Linh

Theo ông Nên, hiện nay nhiều nơi xác định nguồn lây đến các tỉnh xuất phát từ TPHCM. Do đó, việc tập trung các giải pháp trên địa bàn thành phố đề ngăn chặn, khống chế, kéo giảm dịch là trách nhiệm và thử thách lớn của thành phố và các tỉnh thành.

Theo phân tích của Bí Thư Thành ủy TPHCM, 7 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, trong đó công tác phòng chống dịch đang triển khai các biện pháp như kế hoạch đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Toàn bộ hệ thống chính trị đã ra quân, thực hiện với nỗ lực quyết liệt nhất, đặc biệt là sự tham gia, ủng hộ, đồng tình của người dân thành phố, sự ủng hộ chung của các tỉnh thành phố và người dân cả nước hướng về thành phố là nguồn cổ vũ rất lớn”- ông Nên nói và cho biết, các trụ cột chống dịch từ xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị đến tiêm vắc xin đã được triển khai đồng bộ; khắc phục được những chệch choạc trước đó.

Người đứng đầu Thành ủy chia sẻ: “Công tác cách ly, điều trị những ngày gần đây thực sự là sức ép quá lớn với cả ngành y tế và hệ thống chính trị, số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn vượt xa sự chuẩn bị của chúng ta. Nhiều người đã đuối sức nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay hơn 30.000 trường hợp đang được cách ly điều trị, việc bố trí nơi ăn nghỉ, bảo đảm sinh hoạch, chăm sóc những người diện F1 và F0 cơ bản đã ứng xử được, vượt qua chặng đường khó khăn. Công tác xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm giúp một số địa bàn kiềm chế được các chuỗi lây nhiễm lớn, truy vết được hàng nghìn F0. Thành phố đã cơ bản ngăn chặn được các chuỗi lây nhiễm trước đó, giảm lây nhiễm trong cộng đồng”.

Nếu dịch không giảm sẽ phải cách ly xã hội thêm một tuần

Hiện thành phố đang tăng cường nhân lực trang thiết bị cho các khâu chống dịch, bệnh viện Hồi sức quy mô 1.000 giường đã đi vào hoạt động để tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch. Qua 7 ngày cách ly xã hội, số ca F0 tăng nhanh và còn nhiều trường hợp F0 phát hiện ngoài cộng đồng. Đây là chỉ điểm để đẩy mạnh xét nghiệm, truy vết, ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng.

Trước tình hình trên, ông Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết: “Những ngày qua, thành phố đã nỗ lực, cơ bản triển khai nhanh, toàn diện các kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên vẫn còn một số khiếm khuyết như tập trung đông người đi xét nghiệm, thông tin bịa đặt gây nhiễu trên mạng xã hội khiến cộng đồng hoang mang. Số ca mắc mấy ngày qua, đặc biệt là từ ngày 14/7 đến nay đã tăng cao. Thành phố cần phải có đánh giá sát hơn, bản chất của thực trạng trên là gì, số ca bệnh tăng cao là do bị tồn trước đây nay mới công bố hay đó chính xác là ca bệnh mới”.

Nếu không giảm số ca mắc và tử vong do COVID-19, TPHCM phải tiếp tục giãn cách ảnh 2

TPHCM đã xây dựng BV Hồi sức COVID-19 với công suất 1000 giường- ảnh Khắc Linh

Tuy nhiên, Phó thủ tướng nhấn mạnh, trong 1 tuần lễ nữa, nếu ca mắc vẫn tăng, bệnh nặng tăng, tử vong tăng thì thành phố khó thoát khỏi Chỉ thị 16. Hiện nay bệnh nặng và tử vong đang ở mức rất cao, nếu không kéo giảm được thì có thể phải kéo dài Chỉ thị 16 tại TPHCM thêm một tuần lễ nữa để chống dịch triệt để.

"Tình hình mới phát sinh thêm nhiều vấn đề với tốc độ lây lan nhanh, bệnh nặng, tử vong nhiều hơn, người dân đang mong chờ và đặt niềm tin vào công tác chống dịch của chính quyền thành phố"- Phó Thủ tướng nêu.

Theo ông, trong trường hợp thành phố xuất hiện trên 50.000 F0 nếu tập trung chữa trị được thì quá tốt nhưng nguồn lực điều trị có giới hạn. Nếu ca bệnh tiếp tục tăng cao, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị thành phố cần phải có phương án cách ly, theo dõi sát ở tuyến y tế cơ sở cho những ca bệnh nhẹ, ứng phó cấp cứu nhanh những ca bệnh trở nặng, tránh tập trung bệnh nhân lên tuyến trên.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. Lãnh đạo thành phố đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế thiếu sót, sau tuần đầu cách ly xã hội. Ông Thành Phong khẳng định, thành phố sẽ nỗ lực để tận dụng tối đa thời gian vàng trong 7 ngày cách ly xã hội còn lại, tập trung phương án xét nghiệm để tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Giải pháp điều trị cũng sẽ được tăng cường để hạn chế tối đa số ca bệnh nặng tử vong, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

MỚI - NÓNG