Nga bác cáo buộc về hơn 50 tàu do thám ở Bắc Âu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuộc điều tra hợp tác giữa các đài truyền hình của Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan nói rằng Nga đang vận hành một đội tàu do thám trên vùng biển Bắc Âu. Mátxcơva nói rằng kết luận này là vô căn cứ.
Nga bác cáo buộc về hơn 50 tàu do thám ở Bắc Âu ảnh 1

Một lính hải quân đứng trên tàu Đô đốc Vladimirsky trong thước phim do đài truyền hình Na Uy quay. (Ảnh: CNN)

Nhóm đài truyền hình dựa vào phân tích dữ liệu, trao thông tin liên lạc nghe lén và nguồn tin tình báo để nói rằng, đội tàu gồm khoảng 50 tàu chiếc đã thu thập thông tin tình báo trong 10 năm qua, sử dụng thiết bị giám sát dưới nước để vẽ bản đồ các địa điểm quan trọng, đài NRK của Na Uy và SVT của Thụy Điển đưa tin.

Theo cuộc điều tra, đội tàu của Nga đã đi qua các khu vực huấn luyện quân sự, các mỏ khai thác dầu khí, sân bay, cầu cảng nước sâu và các trung tâm quan trọng chiến lược đối với quân đội Na Uy. Cuộc điều tra cũng nói rằng đội tàu Nga đột ngột xuất hiện sau đợt tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Na Uy và Đan Mạch là hai thành viên sáng lập của NATO, còn Phần Lan mới tham gia đầu tháng này.

Tàu Đô đốc Vladimirsky được dùng để nghiên cứu dưới biển, nhưng cuộc điều tra cho rằng đó là một tàu do thám của Nga. Nhóm điều tra đã theo dõi di chuyển của con tàu và nói rằng họ nhận thấy con tàu di chuyển trong cả tháng trời trên vùng biển Bắc Âu khi tắt thiết bị phát đáp. SVT nói rằng con tàu lại gần các trang trại điện gió và khu vực huấn luyện hải quân của quân đội Thụy Điển.

Cuộc điều tra cũng nói rằng tàu cá Taurus của Nga đã xuất hiện ở những nơi bất thường, tiếp cận trường bắn quân sự và căn cứ quân sự, nơi cấm tất cả tàu hải quân.

Ngày 19/4, Nga lên tiếng bác cáo cuộc điều tra. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng đây là những thông tin “thiếu cơ sở”.

Phần đầu của cuộc điều tra được phát sóng ngày 20/4 trên đài DR của Đan Mạch, NRK ở Na Uy, SVT ở Thụy Điển và Yle ở Phần Lan.

Căng thẳng ngoại giao giữa Mátxcơva và Helsinki tăng lên sau khi Phần Lan trở thành thành viên của NATO. Phần Lan từ bỏ quan điểm trung lập để trở thành thành viên NATO sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine.

Việc Phần Lan vào NATO đánh dấu thay đổi lớn về bối cảnh an ninh ở vùng Đông Bắc Âu, bổ sung thêm 1.300km biên giới NATO giáp Nga.

Mátxcơva cảnh báo rằng việc NATO mở rộng hiện diện sẽ không tạo thêm ổn định cho châu Âu, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng gần Phần Lan nếu liên minh quân sự này đưa bất kỳ binh lính hay trang thiết bị quân sự nào đến quốc gia thành viên mới kết nạp.

Theo CNN
MỚI - NÓNG