Nga cảnh báo Ba Lan, Bulgaria

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã thông báo với Ba Lan và Bulgaria về việc dừng cung cấp khí đốt từ ngày 27/4, trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Nga cảnh báo Ba Lan, Bulgaria ảnh 1

Nga thông báo dừng cung cấp gas cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4. (Ảnh: Reuters)

Ba Lan và Bulgaria sẽ là hai nước đầu tiên bị Nga cắt nguồn cung khí đốt kể từ khi Mátxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2. Ba Lan đang áp dụng nhiều lệnh trừng phạt các công ty, tổ chức và cá nhân Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các nước “không thân thiện” chấp nhận yêu cầu mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và thanh toán tiền mua khí đốt bằng tiền rúp, thay vì euro hay đô la Mỹ.

Tuần trước, Uỷ ban châu Âu nói rằng các công ty của Liên minh châu Âu (EU) có thể xoay xở với yêu cầu của Nga mà không vi phạm trừng phạt nếu họ đổi sang đồng tiền của Nga.

Ba Lan là một trong những nước cứng rắn nhất với Nga. Công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan tuyên bố sẽ không chấp thuận điều khoản thanh toán mà Mátxcơva đưa ra, đồng thời sẽ không kéo dài hợp đồng sau khi hết hạn vào cuối năm nay.

Theo hợp đồng với Gazprom, Ba Lan mua 10,2 tỷ m3 khí đốt của Nga mỗi năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng trong nước.

Chính quyền Ba Lan khẳng định nguồn cung năng lượng của nước này vẫn ổn định, chưa cần dùng nguồn gas dự trữ và người dân vẫn tiếp tục sử dụng.

Gazprom cũng đã thông báo cho công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz của Bulgaria về việc dừng cung cấp từ ngày 27/4. Hợp đồng của Bulgaria hết hạn vào cuối năm nay. Nước này phụ thuộc vào nguồn cung của Gazprom để đáp ứng 90% nhu cầu sử dụng.

Tom Marzec-Manser, giám đốc phân tích về năng lượng tại hãng dữ liệu tình báo ICIS, cho rằng đây là “phát súng cảnh báo” của Nga.

Ba Lan có quan điểm chống Nga và chống Gazprom trong nhiều năm nay, nhưng Bulgaria không như vậy. Vì thế, việc cắt nguồn cung cho Bulgaria là một diễn biến mới”, ông Manser đánh giá.

Ba Lan cho biết họ có thể tìm nguồn khí đốt khác từ phía Đức, Lithuania, CH Séc và Slovakia.

Bulgaria cho biết sẽ tìm nguồn cung thay thế và chưa đến mức phải hạn chế nhu cầu sử dụng gas của người dân.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG