Quy định mới về vận động, tiếp nhận từ thiện của cá nhân:

Ngăn chặn lùm xùm giải ngân tiền từ thiện

0:00 / 0:00
0:00
Vợ chồng ca sỹ Thuỷ Tiên trao tiền hỗ trợ cho người dân trong một lần từ thiện
Vợ chồng ca sỹ Thuỷ Tiên trao tiền hỗ trợ cho người dân trong một lần từ thiện
TP - Theo các luật sư, Nghị định 93/2021/NĐ-CP vừa được ban hành có một số điểm mới, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kêu gọi, làm từ thiện của cá nhân nói chung và người nổi tiếng nói riêng; đồng thời ngăn chặn những lùm xùm liên quan hoạt động từ thiện của các cá nhân xảy ra thời gian vừa qua.

Bịt lỗ hổng từ thực tiễn

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Văn phòng luật sư ICC, trước những lùm xùm liên quan đến hoạt động kêu gọi, làm từ thiện của một số người nổi tiếng trong thời gian gần đây, ngày 27/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP (Nghị định 93) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 11/12/2021 và thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP (Nghị định 64).

Luật sư Tùng đánh giá, so với Nghị định 64 trước đây, Nghị định 93 có một số điểm mới, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kêu gọi, làm từ thiện của cá nhân nói chung và người nổi tiếng nói riêng; đồng thời ngăn chặn những lùm xùm liên quan đến hoạt động từ thiện của các cá nhân xảy ra thời gian vừa qua.

Cụ thể, từ Điều 17 đến Điều 19 Nghị định 93 đã làm rõ được quy trình, cách thức kêu gọi đóng góp tiền, hiện vật để làm từ thiện của cá nhân cũng như việc sử dụng, thống kê, báo cáo.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, Nghị định 93 khi được đưa vào thực hiện sẽ chấm dứt tình trạng tranh cãi, trục lợi từ hoạt động từ thiện, làm cơ sở để đánh giá tính hiệu quả cũng như để giám sát hoạt động từ thiện của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ở chiều ngược lại, UBND xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Nghị định 93 quy định rất rõ việc cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ… thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày; có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

“Để phát huy hiệu quả, đưa hoạt động làm từ thiện đi vào khuôn khổ, cần quy định thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của cá nhân làm từ thiện mà không tuân thủ đúng, đầy đủ Nghị định 93. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm hình sự thì cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật” - Theo luật sư Tùng nêu quan điểm.

Không để người làm việc thiện nhụt chí

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc cho rằng, việc làm bác ái, nếu không có chế tài quản lý, lòng tốt của nhân dân dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Vì vậy, Nghị định 93 mở ra hành lang pháp lý cho phép cá nhân làm việc từ thiện không buộc phải kiểm toán nhưng yêu cầu công khai trên phương tiện truyền thông về số tiền, hiện vật huy động được, cũng như việc phân phối quà từ thiện... Điều này thể hiện, khi cá nhân huy động tiền từ thiện đã có quy định ràng buộc về tính minh bạch, tránh bị lợi dụng.

Ngoài ra, việc Nghị định 93 quy định khi làm từ thiện phải đăng ký với chính quyền địa phương, lập tài khoản ngân hàng riêng cho mục đích vận động cụ thể, sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát dễ dàng, tránh những lùm xùm như một số nghệ sĩ làm việc thiện trong thời gian qua.

“Người ta có thể bỏ ra hàng triệu đô la để giúp người nghèo nhưng vẫn không có giá trị bác ái, nếu mục đích chỉ để khoe khoang, để được tiếng hảo tâm, rộng lượng, hoặc để được an tâm che giấu những cách kiếm tiền thiếu đạo đức của mình. Ngược lại, dù cho ai một đồng bạc, một chén cơm bằng khả năng của mình thì vẫn có giá trị bác ái hơn người cho cả triệu đồng nếu chỉ muốn khoe khoang với thiên hạ”. Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Lâm Thị Mai Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, người làm việc thiện, vừa mang tính giáo dục, vừa truyền tải được tính nhân văn. Những hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng đều cần được khích lệ.

Luật sư Lâm Thị Mai Anh phân tích: “Việc từ thiện, có thể chia ra 2 tình cảnh, thường kỳ và cấp bách. Thường kỳ là hỗ trợ dành cho những trường hợp gia đình khó khăn, trẻ mồ côi, người neo đơn… Trường hợp cấp bách, thường dành cho những người trong tình cảnh thiên tai, dịch bệnh có nguy cơ đe dọa cả tính mạng, như hoàn cảnh người dân bị cô lập bởi lũ lụt, nếu chậm lương thực sẽ dẫn đến chết đói. Nên nếu hoạt động, việc làm nhân ái mà máy móc, thủ tục rườm rà, không cứu người kịp thời có thể dẫn tới không đạt được mục đích của việc làm này…Vì vậy, những quy định của pháp luật một mặt cần chặt chẽ, để công chúng có cơ hội kiểm soát hoạt động từ thiện, nhưng mặt khác phải khuyến khích được hoạt động này, không để những người muốn làm từ thiện trong sáng nản chí. ”, luật sư Mai Anh nói.

Ủng hộ ý kiến của bà Mai Anh, luật sư Bùi Phan Anh nói, có người chưa hề bước chân đến vùng lũ, chưa biết bà con khổ sở ra sao, không biết biển nước ở vùng lũ nguy hiểm thế nào mà chỉ lên mạng “chém gió” ra rả, thậm chí bịa chuyện, bôi nhọ người đang lặn lội đến với bà con. Luật sư Phan Anh cho rằng, đối với những thành phần này, cơ quan chức năng cần điều tra, xử nghiêm, giúp lòng thiện của con người không bị mai một.

MỚI - NÓNG