Ngắn hạn & dài hơi

Ngắn hạn & dài hơi
TP - Trong năm 2011, Bộ LĐ-TB&XH đề ra mục tiêu đưa 87.000 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Mục tiêu này sẽ khó đạt vì chúng ta vừa trải qua sự cố đầu tiên xảy ra trong lịch sử XKLĐ: trong một thời gian ngắn, phải đưa hơn 10.000 lao động Việt Nam từ Libya về nước.

Vụ Libya là bất khả kháng. Nhưng từ trước đến nay, sự cố XKLĐ do sự chủ quan của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp và người lao động không phải là hiếm.

Có thể kể đến một loạt các sự cố như Đài Loan đóng cửa với lao động Việt Nam trong một thời gian dài; các nước Đông Âu mà điển hình là Cộng hoà Séc từ chỗ hạn chế cấp visa đến dừng không cấp visa cho lao động Việt Nam; thị trường Mỹ cũng chưa kịp khai thông đã đóng cửa... Nếu đem mổ xẻ nguyên nhân thì có nhiều. Từ công tác đào tạo, chất lượng lao động đến việc nắm bắt thông tin… dẫn đến chỗ bị động khi xảy ra sự cố.

Điển hình như việc Cộng hoà Séc ngừng không cấp visa cho lao động Việt Nam, dù xảy ra từ năm 2008, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang ra toà kiện nhau, thậm chí có doanh nghiệp vẫn chưa trả hết tiền cho người lao động.

Đến thời điểm này, sau bao nhiêu năm làm công tác XKLĐ, vẫn chưa có một bộ giáo trình chuẩn về đào tạo XKLĐ. Việc thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị còn vi phạm. Chẳng hạn, theo quy định, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trường đào tạo nghề, nhưng thử hỏi, trong số hơn 160 doanh nghiệp XKLĐ hiện nay có mấy doanh nghiệp đáp ứng điều kiện này?

Trong thời gian tới, nếu cơ quan quản lý vẫn cứ để tình trạng doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, đưa lao động đi bằng mọi giá thì nguy cơ mất thị trường là điều thấy trước. Việc củng cố các thị trường truyền thống (Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc) đang triển khai là cần thiết nhưng có lẽ việc cần thiết nhất lúc này là Bộ LĐ-TB&XH cần sớm xây dựng và ban hành giáo trình chuẩn về XKLĐ để các doanh nghiệp thực thi.

Chúng ta đang thiếu một kế hoạch xây dựng thị trường XKLĐ dài hơi, hướng tới sự bền vững. Và việc cần làm trước mắt là đào tạo nguồn lao động chất lượng trước khi xuất cảnh. Có như vậy, khi sự cố xảy ra ở thị trường này, thì thị trường khác vẫn có thể tiếp nhận lao động Việt Nam mà không cần phải đưa ra một điều kiện nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG