Nhân lúc mẹ không để ý, tôi thụi Châm một cái, nó vừa bất ngờ vừa đau khóc toáng lên, mẹ tôi không nói không rằng, bươn bả vào nhà lấy roi và dây trói, tôi biết mẹ đang rất giận dữ nhưng vẫn hét lên: Mẹ không được trói con. Tôi núp sau cái chum, mẹ đến lôi tôi gí vào gốc cau. Tôi mắt mũi đã tèm nhèm nước: Mẹ không thương con, chỉ bênh con nhà người ta thôi, nó vào hùa với bọn thằng Minh mà, con ghét mẹ.
Tôi la hét ầm ĩ một hồi, mẹ vẫn nhất mực trói tôi vào gốc cau. Mẹ nghiến răng: Cho chừa tội suốt ngày nghịch bẩn rồi gây gổ đánh nhau, hư thân không để người lớn chuyên tâm làm việc…
Cái Châm chạy đến xin mẹ thả tôi ra, tôi gồng mình giơ chân đá nó nhưng không trúng, tôi hét: Mày cút đi, tao không chơi với hạng mày.
Nó khóc, tôi trợn mắt nhìn nó. Mẹ tôi bảo Châm vào nhà, để mặc kệ tôi chơ vơ dưới gốc cây.
Vừa lúc ấy dì Hảo về, vai vác bó củi to, tôi nhìn dì với đôi mắt van vỉ thế là dì đến cởi dây trói cho tôi, tôi vào nhà một lúc thì trời kéo cơn mưa. Mải lúi húi nhóm bếp, mẹ không để ý đến việc tôi đã được cởi trói. Cái Châm chạy ra hiên với dì Hảo nhỏ to gì đó, tôi lườm nó: Đồ mách lẻo đáng ghét.
Bữa cơm tối trong căn nhà có hai người đàn bà và hai đứa trẻ trôi qua như mọi ngày, vẫn sợ mẹ mắng tội lúc chiều, tôi lẳng lặng ngồi ăn, không dám chành chọe với Châm. Mẹ tôi và dì Hảo đang bàn nhau mua giống lúa mới cho vụ này.
Trời sầm sập đổ mưa, dì Hảo buông bát đũa chạy đi lấy thau chậu đặt giữa gian nhà, ngay lập tức nghe tiếng mưa rỏ long tong từ mái nhà xuống chậu.
Tôi chợt nghĩ lại lời thằng Minh hôm nào khi tôi thắc mắc: Nhà mày có hứng nước mưa trong nhà như nhà tao không? Nó vênh mặt: Nhà tao không dột như nhà mày, vì tao có bố. Bố tao che chắn kĩ lắm.
Bốn từ “Vì tao có bố” ấy ám ảnh tôi ngay cả trong giấc mơ, nhiều lần tôi hỏi mẹ nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, tôi khóc, mẹ cũng khóc theo, từ đó tôi không hỏi nữa, lờ mờ nhận ra sự khác biệt của mình với chúng bạn. Châm với tôi cùng cha khác mẹ, nó như tôi có bố mà như không. Nếu bố ở đây thì nhà đã không dột như thế này và tôi đã không bị bọn thằng Minh chế giễu.
Mẹ và dì Hảo cùng ngồi thẫn thờ nhìn mưa, không ai bảo ai thi nhau thở dài, cái Châm xán gần tôi vẻ làm hòa, hai đứa thích thú ngồi nghịch những tàn nến chảy xuống từ cây nến.
Hầu như, đêm nào chúng tôi cũng ngồi nhìn cây nến cháy le lói giữa căn nhà, trên chiếc phản cũ mục, ánh nến bập bùng lan tỏa. Từng đợt tàn nến đua nhau chảy xuống mặt ống bơ, tôi lấy que đóm gạt giọt nến nóng hổi ấy rồi nặn thành nhiều hình thù con vật, thường thì cái Châm nhường cho tôi, chỉ khi nào tôi nói đến lượt mày đó, nó mới háo hức đưa móng tay bé xíu chạm khẽ vào tàn nến.
Nhiều lúc tôi thương nó, nhiều lúc tôi lại ghét nó vô cùng, mẹ và dì Hảo luôn răn dạy chúng tôi phải thương yêu nhau vì là chị em, là máu mủ với nhau, phải bảo vệ và nhường nhịn nhau mọi lúc mọi nơi.
Chỉ khi tôi lớn lớn một chút tôi mới thấm được những điều ấy, bởi xung quanh tôi, lũ bạn cùng trang lứa, đứa nào cũng hay châm chọc chị em tôi, chúng hùa nhau bắt nạt hai đứa, tôi thì không đáng lo ngại vì tôi đanh đá, không chịu khuất phục đứa nào nên chúng nó phải dè chừng, Châm thì khác, nó mảnh dẻ, yếu đuối và hay khóc nhè, bị bắt nạt cũng không dám chống cự, những lúc như thế, tôi thấy mình là một người chị vĩ đại, nhất là khi nhìn thấy ánh mắt đầy tự hào và biết ơn của nó.
Khi tôi học đến cấp hai tôi mới biết vì sao mình không có bố, thực ra là bố tôi đang ở đâu đó xa lắm mà tôi không thể tự đi tìm được. Mẹ tôi người gốc ở đây, còn dì Hảo quê tận miền trong, dì mồ côi từ bé nên bây giờ trong ấy không còn ai thân thích, từ lâu dì đã coi đây là quê quán của mình và bám trụ ở lại cùng mẹ tôi. Khi tôi được hai tuổi thì bố tôi dẫn mẹ con dì Hảo về, cũng trong một đêm mưa gió, họ đứng ngoài hiên nhà hàng tiếng nhưng mẹ tôi không mở cửa, cho đến khi bố quỳ xuống cầu xin thì mẹ gạt nước mắt đón mẹ con dì Hảo vào. Mẹ tôi chấp nhận dì Hảo nhưng rồi cả mẹ và dì đều không chấp nhận được bố tôi, ông lại bỏ hai người đàn bà đi biền biệt, để rồi một hôm có người đánh điện ra bảo đã có con với bố tôi, họ đang sống rất hạnh phúc. Vậy là mẹ tôi nhắn bố đừng bao giờ về nữa. Bố tôi vốn đào hoa, ông đi làm ăn chỗ nào cũng nghe tiếng tăm ông ở đó. Đấy là tôi nghe lỏm được lời kể của ngoại tôi với mợ trong đợt tôi về nghỉ hè trên đó.
Có một lần tôi hỏi dì Hảo sao không đi tìm bố về, dì thảng thốt không ngờ tôi hỏi câu ấy rồi dì trầm buồn không nói, chỉ lắc đầu. Mẹ tôi bảo: Khi nào lớn con sẽ hiểu.
Tôi nghĩ mình đã thực sự lớn, vậy mà tôi vẫn chẳng thể nào hiểu được chuyện nhà tôi, cũng không hiểu tại sao bao nhiêu năm trời, bố tôi không về, cũng không chu cấp gì cho mẹ con tôi cả. Hoặc có thể mẹ tôi không cần, không nhận những điều ấy.
Tôi với Châm ít cãi nhau hơn, chúng tôi cùng nhau trưởng thành trong sự thiếu thốn tình thương và sự chăm lo của người bố, sự thiếu vắng đó đôi khi lớn lao, đôi khi lại không nghĩa lí gì.
Mỗi lần nhường Châm gì đó, tôi thường bảo: Tao nhường mày vì mày ít tuổi hơn tao và vì mày với tao có chung một bố. Nó cười toe, không quên cảm ơn chị hai.
Dì Hảo ngày một yếu, da bủng beo xanh rớt, cả ngày dì chỉ ngồi ngoài hiên thở khó nhọc. Việc nhà việc đồng áng một mình mẹ tôi lo, tôi với Châm buổi học buổi ra đồng xúc tép mò cua, rồi hai chị em đèo nhau xuống chợ chiều bán cất cho hàng quán. Hôm được mười nghìn, hôm nhiều thì mười lăm hai mươi nghìn. Dạo này cái Châm hay khóc vì lo cho mẹ nó, tôi không giỏi động viên, chỉ ngấm ngầm giành phần việc nhiều hơn.
Sau đợt lũ triền miên, lúa ngoài đồng bị ngập úng, năm nay lại mất mùa. Tôi mang tải ra nhà văn hóa lãnh gạo cứu tế của nhà nước dành cho hộ nghèo mất lúa vì bão lũ.
Mẹ tôi giục hai chị em nhóm lửa nấu cơm chiều, dì Hảo ăn rất ít, mỗi bữa chỉ được vài thìa. Mẹ nói, bệnh của dì không chữa được nữa rồi, chỉ biết động viên dì cố ăn cố ngủ để duy trì sức khỏe thôi. Bao đêm dì ho giường bên, mẹ tôi cựa mình không ngủ, tôi cũng không ngủ, cái Châm thút thít khóc.
Bỗng một ngày, bố tôi đột ngột trở về. Tôi với Châm đang chăn trâu, lấy củi trên đồi, nghe người làng kháo nhau liền bỏ đấy chạy một mạch về.
Tôi nghĩ rằng tôi sẽ chạy ào đến ôm lấy bố như bao năm tôi hằng tưởng tượng và mong mỏi, nhưng tôi đã không làm thế, Châm cũng vậy, cả hai đứa tôi đứng ngoài bậu cửa dòm vào.
Một người đàn ông – chắc là bố tôi, ngồi ở phản, thật khác xa với hình dung của tôi, trông bố thật già, râu ria rậm rạp, quần áo không được tươm tất lắm và gương mặt ông khổ sở khi nói chuyện với mẹ tôi.
Mẹ tôi nói đủ nghe, giọng chắc nịch: Nhà này không cần ông lâu rồi, bọn trẻ không cần bố vẫn lớn khỏe ngoan ngoãn, ông đừng về đây gây thêm phiền phức, hãy để chúng tôi yên.
Dì Hảo ngồi lặng lẽ khóc, lát sau dì đi vào buồng nằm. Bố tôi xót xa nhìn theo. Ông nắm lấy tay mẹ tôi van vỉ nhưng mẹ cương quyết đuổi bố đi. Tôi cổ họng nghẹn đắng, chực khóc, cái Châm thì khóc từ lúc nào.
Một hồi lâu thấy không lay chuyển được mẹ tôi, bố đứng dậy, tần ngần khoác túi bước ra cửa.
Tôi kéo Châm vụt nấp sau cột, lấm lét như kẻ trộm. Bố thoáng thấy chúng tôi thì hoảng hốt lắm, nhưng bắt gặp ánh mắt dữ dằn của mẹ đành rảo bước, tôi kịp thấy mắt bố tôi ầng ậc nước. Ngay lúc ấy, tôi những muốn vùng chạy theo ông để ôm lấy dáng người cao lớn ấy, những muốn hít hà mùi bố xem nó như thế nào.
Mẹ tôi xuất hiện ngay cạnh, bảo cả hai đứa vào nhà. Cái Châm mếu máo: Bố đi rồi, nhà mình lại dôt phải không bá?
Mẹ tôi lặng đi, lúc này tự dưng mẹ ôm mặt khóc nức nở, hiếm khi tôi thấy mẹ khóc như vậy.
Dì Hảo từ sau vỗ lưng an ủi mẹ tôi, hai người mẹ dựa vào nhau cùng thổn thức.
Nhưng chỉ lát sau mẹ tôi đã đứng phắt dậy, bảo dì Hảo vào nằm nghỉ, hò chúng tôi lên đồi chăn trâu rồi mẹ tất tả ra sân phơi thúng thóc vừa đãi xong.
Suốt buổi đó, tôi với Châm nói mãi về bố, cả hai đều không giấu nổi khao khát được một lần lại gần gọi bố ơi. Vậy mà mẹ đã đuổi bố đi, không cho chúng tôi cơ hội nhận bố.
Bữa trưa, khi tôi định thắc mắc thì mẹ đã nói: Từ giờ, mẹ cấm hai đứa nhắc lại chuyện ban sáng. Thế là chúng tôi im luôn.
Vài tháng sau, dì Hảo rất yếu và trong một đêm bão tan, dì trút hơi thở cuối cùng, khi ấy vẫn cầm tay mẹ tôi và Châm. Tôi đứng cạnh giường, khóc gọi tên dì. Mẹ tôi nước mắt chảy dài xuống má, xuống cổ cũng không buồn lau, cái Châm cứ ôm lấy mẹ nó mà lay gọi. Hàng xóm kéo đến rất đông, cùng nhau lo cho đám tang dì được tươm tất, ai nấy đều thương xót cho số phận người phụ nữ hiền lành yểu mệnh.
Sau một trăm ngày của dì, mẹ tôi mới gọi bố về. Ông tấp tểnh bước như chạy vào sân, đứng trước bàn thờ dì, cứ lặng yên, thi thoảng tôi thấy bố chảy nước mắt mà hình như không phải, chắc do khói nhang thôi. Người ta bảo, bố đã bỏ mẹ tôi, bỏ dì tôi, bỏ hai đứa con để chạy theo người khác mà không một lần ngoái lại thì chứng tỏ ông ấy rất tuyệt tình.
Cái Châm chạy ra ôm lấy bố, khóc thành tiếng, bố cũng nghẹn ngào vỗ về nó. Mẹ tôi lẳng lặng đi nấu cơm. Tôi ngồi cạnh mẹ, hỏi nhỏ: Sao bây giờ mẹ mới gọi bố về? Mẹ im lặng một lúc rồi nói: Đó là di nguyện cuối cùng của dì con, cũng là vì các con…
Tôi định hỏi thêm thì mẹ cắp rổ ra vườn lấy rau, như kiểu mẹ tránh những câu thắc mắc trẻ con của tôi, như kiểu mẹ mặc bố vậy. Tôi rụt rè khi bố gọi tên, bỗng dưng nỗi nhớ, nỗi khao khát được sà vào lòng bố vụt tan biến, thay vào đó là sự dè dặt. Tôi gượng gạo để bố ôm tôi vào lòng, mùi bố thật xa lạ.
Quyến luyến khá lâu, cảm giác thân thuộc ùa về, tôi thực sự không muốn bố đi. Bố hỏi thăm chúng tôi đủ thứ chuyện, rồi bố đánh mắt về phía mẹ hỏi: Chắc đã đến lúc tôi phải rời đi rồi phải không?
Cái Châm òa khóc, tôi cũng khóc theo, cả hai đứa đều hướng ánh nhìn về phía mẹ, chờ đợi.
Mẹ tôi bảo: Ở lại ăn bữa cơm rồi hẵng đi.
Bữa cơm có bố có mẹ như bức tranh hạnh phúc của mọi nhà khiến tôi lâng lâng không dám tin là sự thật, bố gắp thức ăn cho chúng tôi, gương mặt ông rạng ngời lắm. Mâm cơm đạm bạc nhưng ấm áp và ngon lạ kì, tôi cứ muốn kéo dài mãi nhưng bố mẹ tôi dường như không có chuyện gì để nói với nhau. Chúng tôi biết ý, không phá rối như mọi ngày.
Cơm xong, bố ngồi mép phản rót cốc nước uống, dè dặt như một người khách. Trời bỗng nổi sấm chớp đùng đùng. Mẹ tôi nhìn lên trời, bố tôi cũng chong mắt nhìn xa xăm, tôi và Châm thì reo vui trong lòng.
Bố sững người khi thấy chúng tôi mang thau vào chuẩn bị hứng nước mưa trong nhà. Ngay lập tức bố tìm cách che chắn, hai đứa tôi đứng dưới nhìn lên dáng người cao lớn đang lúi húi trên mái nhà, một niềm háo hức, sung sướng không gì tả được.
Bố vừa đặt chân xuống nền đất thì trời sầm sập mưa, tuy không kịp che chắn kĩ nhưng đã đỡ dột đi khá nhiều, chỉ còn đôi chỗ lâu lâu nước mưa nhỏ xuống chậu long tong.
Cả tiếng sau mưa vẫn không có dấu hiệu ngừng, gió vẫn thổi từng đợt ngoài vách, len vào nhà lùa da thịt lạnh buốt.
Sáu giờ, trời đã tối hẳn. Mẹ ngồi tư lự bên cây nến, bố tôi như người thừa, cứ ngồi một lúc lại đứng lên ngó chỗ này, nhìn chỗ kia xem có bị dột nhiều không.
Cái Châm thẽ thọt đến cạnh mẹ tôi: Hay là bá cho bố ngủ lại đêm nay đi bá, mưa to quá.
Mẹ tôi không nói gì, khẽ đưa tay vén sợi tóc mai của nó.
Mẹ không đồng ý cũng không từ chối, nhưng lát sau thấy mẹ vào buồng ôm ra cái gối với cái chăn mỏng, chúng tôi đều hiểu, bố sẽ ở lại đây.
Bố cảm kích đón lấy chăn gối từ tay mẹ tôi.
Mẹ giục tôi và Châm vào buồng ngủ sớm, mẹ nằm giữa hai đứa tôi trằn trọc, thổn thức. Tôi cũng nghe rõ tiếng bố trở mình ngoài kia.
Cái Châm bỗng nhổm dậy khều khều tôi:
Nhà mình sẽ không bị dột nữa phải không chị hai, mai mình phải đi nói cho bọn thằng Minh biết mặt.
-Ừ, có bố thật tốt biết bao.
Tôi cũng hồ hởi hưởng ứng lời nó, hai đứa đưa tay chọc lét nhau cười nói ầm ĩ, nếu như mọi khi, mẹ sẽ la mắng nhưng hôm nay, mẹ chỉ nhắc khẽ, rồi mẹ cũng cười, dưới ánh nến hắt từ bàn học yếu ớt, tôi nhìn thấy mắt mẹ ươn ướt.
Thấy mẹ vui nên tôi đánh bạo leo hẳn ra khỏi giường, tay ôm chiếc gối của mình: Mẹ cho con ra ngủ với bố nhé.
Chưa đợi mẹ trả lời, cái Châm cũng tót xuống đất: Cả con nữa, con cũng muốn ra ngủ với bố cơ.
Mẹ nhìn cả hai rồi gật đầu, tôi làm vẻ mặt nghiêm túc: Hừm, đáng ra, em sẽ không thể giành bố với chị đâu, vì chị khỏe hơn em, nhưng mà thôi, chị cho em cùng chị ra kia ngủ với bố, vì bố là bố của chúng ta mà. Châm cười tít mắt, với tay lấy cái gối của nó.
Cả hai chúng tôi chạy ào vào lòng bố đang mở sẵn, ấm áp và bình yên vô cùng.
Truyện ngắn dưới đây của Nguyễn Hiền diễn ra dưới con mắt của một đứa bé. Đây là một lối đi khó, nhưng nhà văn trẻ đã vượt qua khá ngoạn mục để có những chi tiết tinh tế và cảm động. Tuy nhiên, cốt truyện hơi phức tạp khiến đôi chỗ chưa đủ nội lực. Có lẽ với một bộ khung lớn hơn như một truyện dài, câu chuyện sẽ mạnh mẽ và bề thế hơn?L.A.H