Nghệ An: Nhiều mô hình phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em gái ở miền núi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều mô hình phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em gái tại Nghệ An đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa loại tội phạm này.

Xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An từng là điểm nóng của nạn mua bán người, bào thai. Theo thống kê, từ năm 2017 đến năm 2019, toàn xã có 22 trường hợp đi bán bào thai, chủ yếu tập trung ở các bản đồng bào Khơ Mú sinh sống. Điểm chung của họ là mù chữ, gia đình khó khăn, nhận thức về xã hội và pháp luật hạn chế. Đau lòng hơn là những phụ nữ đã bán con đều rất vô cảm và cho rằng việc bán bào thai là chuyện bình thường, “bán đi rồi đẻ tiếp có sao đâu”?.

Nghệ An: Nhiều mô hình phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em gái ở miền núi ảnh 1

Những bản làng lọt sâu giữa đại ngàn miền tây Nghệ An là vùng đất các đối tượng mua bán người nhắm đến.

Năm 2020, mô hình “Phòng chống mua bán người” đầu tiên được xây dựng tại bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm. Thông qua các buổi tuyên truyền trực quan, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, các cuộc giao lưu văn nghệ; tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp dân tại các bản, tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình…, nhận thức của bà con về mua bán người, mua bán bào thai đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, mô hình đã lan tỏa đến 9/9 bản của xã.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: “Từ ngày mô hình được ra mắt, thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, ý thức cảnh giác về tội phạm của người dân đã được nâng lên. Khi có người lạ vào địa bàn hoặc trong bản có phụ nữ có ý định bán con hay trốn qua biên giới thì người dân trong bản sẽ chủ động báo ngay với Ban chỉ đạo mô hình qua đường dây nóng để có biện pháp ngăn chặn. Đến nay trên địa bàn xã không ghi nhận vụ việc liên quan đến mua bán người, bán bào thai”.

Nghệ An: Nhiều mô hình phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em gái ở miền núi ảnh 2

Mô hình phòng chống mua bán người tại bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn.

Tại huyện miền núi Tương Dương, từ năm 2015, mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” được xây dựng điểm tại bản Tam Bông, xã Tam Quang với 14 thành viên là các chi hội trưởng ở cấp cơ sở. Mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút ngày nhiều hội viên tham gia (tính đến nay đã có 97 thành viên); thường xuyên duy trì và tổ chức các đợt sinh hoạt theo định kỳ với nhiều nội dung phong phú.

Từ mô hình điểm tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, đến nay, mô hình đã nhân rộng ra các xã Lượng Minh, Nga My, Yên Hòa,… Người dân ở đây trình độ dân trí còn thấp, nhẹ dạ, cả tin, điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu tìm kiếm việc làm cao. Nắm bắt được nhu cầu đó, các đối tượng phạm tội mua bán người đã tìm cách tạo mối quan hệ, móc nối với số đối tượng tại địa phương để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo những cô gái mới lớn, không có điều kiện học hành để lừa gạt đi làm việc với lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao". Cá biệt một số gia đình do thiếu hiểu biết đã bán con gái sang Trung Quốc lấy chồng.

Mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” được triển khai với nhiều hình thức tổ chức sinh hoạt cũng như vận dụng triệt để mạng xã hội để làm công cụ truyền thông hiệu quả. Đến nay, tại các địa phương nói trên đã không còn xảy ra tệ nạn mua bán người cũng như giảm hẳn các tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, nhiều mô hình phòng chống tội phạm mua bán người tại Nghệ An đã được thành lập, hoạt động hiệu quả như mô hình “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số” ở xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương); “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người” ở huyện Kỳ Sơn,…

Nghệ An: Nhiều mô hình phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em gái ở miền núi ảnh 3

Lực lượng chức năng đến tận nhà để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về thủ đoạn tội phạm mua bán người

Tỉnh Nghệ An có 6 huyện biên giới trên bộ, 5 huyện có đường biên giới trên biển và một số địa phương miền núi. Đời sống kinh tế và nhận thức của người dân ở khu vực này còn thấp. Nhu cầu việc làm cao, trong khi sinh kế tại chỗ khó khăn khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành đối tượng của tội phạm mua bán người.

Bên cạnh việc đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm mua bán người, công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa được địa phương này xác định là giải pháp then chốt để ngăn chặn tình trạng trên.

Nghệ An: Nhiều mô hình phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em gái ở miền núi ảnh 4
Công an Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng bàn giao nạn nhân mua bán người cho gia đình.

Lực lượng công an, biên phòng tăng cường nắm tình hình, bám sát địa bàn, rà soát, lập danh sách các đường dây, băng ổ nhóm, cá nhân có biểu hiện liên quan đến các hành vi mua bán người, trẻ em, tổ chức cho người khác xuất cảnh hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Quản lý chặt chẽ các đối tượng đã từng có tiền án về các tội mua bán người, thường xuyên qua lại địa bàn biên giới, chủ động phát hiện các hành vi hoạt động mua bán người để xác minh, tổ chức xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Nghệ An, từ tháng 7 – 9/2023, lực lượng công an đã xác lập, phá thành công 5 chuyên án, bắt 7 đối tượng về hành vi mua bán người, giải cứu thành công 9 nạn nhân. Các nạn nhân sau khi được giải cứu đều được bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.