Nghề gieo yêu thương và hi vọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng chục năm gắn bó với nghề bảng đen, phấn trắng, chăm sóc trẻ với bao nhọc nhằn nhưng họ vẫn một lòng yêu nghề, bởi dưới mái trường là những lứa học sinh hồn nhiên, trong trẻo, cần một đường hướng để vững tin vào đời.
Nghề gieo yêu thương và hi vọng ảnh 1
Cô Phạm Thanh Dung, Trường THCS Phúc Lợi, quận Long Biên (Hà Nội) được Sở GS&ĐT tặng giấy khen Nhà giáo tâm huyết sáng tạo.

Gieo yêu thương nhận yêu thương

26 năm dạy học, cô Phạm Thanh Dung, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Phúc Lợi, quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, nếu được quay về thời son trẻ, vẫn lựa nghề giáo bởi đây là một nghề đặc biệt ấm áp. Mỗi ngày, vượt qua chặng đường đầy còi xe huyên áo, khuất sau cánh cổng trường với cô Dung là một thế giới khác.

Ở bậc THCS, 3 năm nay các trường học tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Với vai trò là Tổ trưởng, cô Dung cho rằng, kết quả học tập của học sinh phản ánh mức độ tâm huyết, nỗ lực của nhà giáo. Dạy học môn Tiếng Anh, cô Dung nhận thấy nhiều em chưa được đầu tư, không tự tin giao tiếp. “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kết nối mạng mở toàn cầu như hiện nay, ngôn ngữ như đôi cánh cho các em bay xa nhưng cũng là rào cản. Do đó, tôi luôn dạy các em phải tự tin, phải nói nhiều hơn nữa”, cô Dung chia sẻ.

Lớp học mở kết nối với học sinh của các trường học khác trong và ngoài quận do cô Dung đứng lớp khiến học sinh rất hào hứng. Đó là những năm nhà trường hoang mang, bối rối trong cơn bão dịch COVID-19, cô giáo có sáng kiến mở lớp trực tuyến kết nối với học sinh các trường học khác trong và ngoài quận theo từng chủ đề để học sinh trò chuyện, trao đổi và thuyết trình. Phương pháp của cô là lựa chọn những chủ đề đơn giản, gần gũi với đời sống, lớp học để các em dần làm quen, sau đó mới mở rộng hơn đến môi trường, thiên nhiên, văn hóa…

Rèn khả năng nói, cô phát động phong trào “5 phút tiếng Anh mỗi ngày”, các em buộc phải nói và tự quay video gửi lên nền tảng trực tuyến cho giáo viên chấm. Ban đầu học sinh còn rụt rè, sau dần quen nên số lượng video gửi về lên đến con số hơn 3.000. Cô cần mẫn chấm, sửa sai cho từng em. Lớp học không chỉ gò bó trong mấy chục mét vuông khô cứng, nhiều giờ học cô cho học sinh ra ngoài nhà trường để thực hành giao tiếp, bắt chuyện với khách du lịch.

Ở trường THCS Phúc Lợi, cô Dung còn thành lập CLB yêu thích Tiếng Anh, thu hút 212 đôi bạn cùng tiến và 168 nhóm bạn cùng hỗ trợ nhau học tập. Nhờ đó, học sinh ngày càng tự tin, yêu thích môn học và đạt giải thưởng cao trong kỳ thi hùng biện Tiếng Anh cấp thành phố.

Gần 50 tuổi đời, cô Dung luôn lấy quan điểm cho đi yêu thương sẽ nhận về yêu thương dẫu bao phen vui buồn với học trò “nhất quỷ nhì ma” nhưng dư âm đọng lại thật ngọt ngào. Mỗi lứa học trò trưởng thành, cô vẫn dành một góc lưu giữ những món quà nhỏ đáng yêu các em dành tặng như: tấm thiệp; khăn tự đan, hạc giấy và cả điều ước… Đến nay có những em đã thành danh, có vị trí xã hội nhưng vẫn nhớ đến cô trong các dịp lễ, tết lại ghé về thăm. Một lần, trong lúc chơi thể thao không may bị chấn thương đứt dây chằng, cô phải nhập viện Việt Đức cấp cứu. Trong khi làm thủ tục, cô không ngờ gặp được cậu học sinh mình chủ nhiệm ngày nào. Nhận ra cô, cậu học trò xoắn xuýt lo thủ tục và còn trực tiếp tham gia kíp phẫu thuật.

Hiện tại, cô chủ nhiệm lớp 9A1, trong đó có 2 học sinh mồ côi được nhà chùa gửi vào trường từ năm ngoái để học tập. Cô cưu mang, bao bọc như con. “Sợ các con thiệt thòi, tự ti, trong tất cả các hoạt động, cô giáo cũng hỗ trợ để các con có đủ đồ dùng, không thua kém bạn bè. Chưa kể, năm nay con học lớp 9, năm cuối cấp áp lực, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, cô cũng chủ động chia sẻ, động viên các con trong hành trình trưởng thành. Các con gọi tôi là mẹ Dung. Điều đó làm tôi rất xúc động”, cô chia sẻ. Năm 2023, cô Dung được Sở GD&ĐT Hà Nội vinh danh là một trong những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của Thủ đô.

“Hành trình dạy học có nhiều gian truân, chỉ khi vượt qua, nhìn lại mới thấy có mồ hôi, nước mắt. Còn khi ở trong hành trình đó, bằng tình yêu thương trẻ, mình cứ miệt mài, tận tâm vì những ánh mắt ngây thơ, non dại đang ngóng chờ, không nghĩ gì đến thành tích”.

Cô giáo Vũ Thị Mến

Yêu nghề như lẽ sống

Cô Vũ Thị Mến, Trường Mầm non Hoa Ban xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, giáo viên cốt cán của tỉnh Lào Cai chia sẻ: Sau 16 năm dạy học vẫn luôn nhớ ký ức những ngày vào nghề. Năm 2007, với nhiệt huyết, sức trẻ cô hăm hở cầm quyết định về nhận lớp tại điểm trường Xả Lủng Cháng, xã Cao Sơn, cách thành phố chừng 70 cây số. Yêu nghề giáo cộng với những mộng mơ ban đầu, cô không hình dung được hành trình gian khó ở phía trước. “Riêng đường đến điểm trường, có chừng 20 cây số dốc dựng đứng, ngập ngụa bùn đất. Có đoạn phân trâu bò ngập cả bánh xe, xoay xở thế nào tôi đánh rơi mất luôn cân thịt, vốn là thức ăn dự trữ cho những ngày đầu tới lớp”, cô Mến kể.

Nghề gieo yêu thương và hi vọng ảnh 2
Cô Mến cùng học sinh ở vùng cao tỉnh Lào Cai

Vào đến điểm trường, khi đó không có điện, thiếu nước sạch cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Có thời điểm, cô chỉ có duy nhất một ấm nước phải chắt chiu từng giọt. Mưa, giá rét, đường trơn lầy lội có khi nhiều tuần không ra được điểm trường chính để mua lương thực, thực phẩm, ở bản người dân trồng được nhiều bí, cô giáo phải nấu chè ăn thay cơm. Có hôm liều mình đi đúng ngày mưa, đường trơn, cứ leo được một đoạn lại bị trượt xuống nên chặng đường ngày thường chỉ đi vài giờ đồng hồ, hôm đó trọn một ngày mới tới nơi. Thương học sinh thiếu thốn, mỗi lần về được trung tâm, cô giáo lại tranh thủ mua từng đôi dép lê, đồ dùng học tập cõng về trường học cho các con.

“Vất vả là thế nhưng mình thương yêu học sinh, chưa từng có ý định rời trường, bỏ lớp. Ở đó, 100% em là người dân tộc Mông, các em đi học khi chưa nói được tiếng Kinh. Nhiều em gia cảnh khó khăn. Một kỷ niệm khiến tôi không thể nào quên, đó là năm 2007, có em mồ côi, lang thang hết nhà này đến nhà nọ nên 11 tuổi chưa được đến trường. Cô đến vận động đưa em ra lớp rồi học chữ. Sau này, học hết tiểu học, biết chữ em vẫn luôn nhớ ơn cô. Khi lấy vợ, dù cô đã chuyển công tác em vẫn đã đi cả chặng đường 100 cây số tìm gặp và mời cưới”, cô Mến kể.

Sau 3 năm gắn bó với điểm trường Xả Lủng Cháng, cô Mến được điều về Trường mầm non Hoa Ban, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Cô được nhà trường điều đi dạy trẻ ở các điểm trường xa, khó khăn. Cô kết nối với các đoàn thiện nguyện để được hỗ trợ thêm đồ dùng, bánh kẹo cho các con. Cô là một trong những giáo viên có nhiều ý tưởng, sáng tạo trong việc thiết kế đồ dùng học tập xinh xắn, có tính ứng dụng như ống hút, cốc giấy, hoa, đèn trang trí…Cô từng được trao giải Nhì cuộc thi thiết kế đồ dùng, thiết bị dạy học số và giải Nhất cuộc thi giải pháp thông minh trong giáo dục do Phòng GD&ĐT huyện Bảo Thắng. Cô Mến được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Những năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cô Mến phối hợp cùng đồng nghiệp thực hiện công tác chuyển đổi số, xây dựng được kho học liệu số trên trang website của nhà trường, tuyên truyền để phụ huynh và cộng đồng sử dụng có hiệu quả kho học liệu.

Năm 2013, cô Mến vinh dự là một trong 200 giáo viên tiêu biểu trên toàn quốc được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng Bằng khen.

MỚI - NÓNG
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.