Nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật: Lợi dụng tình cảm của khán giả

TPO - Hội thảo "Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng" thu hút sự chú ý của đông đảo giới văn nghệ sĩ Thủ đô. Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về trách nhiệm của nghệ sĩ với công chúng, đồng thời lên án những hành vi vi phạm đạo đức, lợi dụng tình cảm của khán giả để trục lợi. 

Hội thảo Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng diễn ra ngày 27/2 bàn luận các giải pháp xây dựng hình ảnh đẹp của nghệ sĩ trong mắt công chúng. Hội thảo do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức nhận được ý kiến đóng góp của nhiều nghệ sĩ, đạo diễn nổi tiếng.

Trách nhiệm với công chúng

Những tham luận tại hội thảo xoay quanh văn hóa ứng xử, trách nhiệm gìn giữ hình ảnh của nghệ sĩ trước công chúng. NSND Bùi Thanh Trầm - nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội khẳng định thời gian qua, một số nghệ sĩ có những biểu hiện “lệch chuẩn” trong lối sống.

Nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật: Lợi dụng tình cảm của khán giả ảnh 1

Hội thảo Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

"Sau giây phút đăng quang từ những cuộc thi nghệ thuật, sau ánh đèn sân khấu, những lời tung hô nhất thời của người hâm mộ, một số nghệ sĩ, ca sĩ tự huyễn hoặc, mắc bệnh ngôi sao. Một số nghệ sĩ trẻ có tâm lý ảo tưởng, sa vào ăn chơi, có những biểu hiện hành vi thiếu ý thức, thậm chí là vi phạm pháp luật, tạo nên dư luận xấu xã hội", NSND Bùi Thanh Trầm nêu.

Nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng sự phát triển của mạng xã hội đặt ra cho nghệ sĩ những áp lực, thách thức lớn. Những lần vạ miệng trên không gian mạng có thể khiến nghệ sĩ nhận làn sóng tẩy chay.

Nghệ sĩ Ngọc Dương (Nhà hát Chèo Việt Nam) nhấn mạnh nghệ sĩ là nghề làm dâu trăm họ, vì vậy cách nghệ sĩ ứng sao cho văn hóa là điều đáng bàn. Ngoài những điều luật do nhà nước quy định, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của nghệ sĩ cũng cần phải có những chuẩn mực.

"Thay vì những phát ngôn bừa bãi, thiếu chuẩn mực để tạo lùm xùm, nghệ sĩ nên trau dồi nghề nghiệp, hãy dùng lương tâm và tài năng để chinh phục khán giả và bạn sẽ được đền đáp một cách xứng đáng", nghệ sĩ Ngọc Dương nêu quan điểm.

Nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật: Lợi dụng tình cảm của khán giả ảnh 2

Nhiều tham luận nhấn mạnh việc gìn giữ hình ảnh và nâng cao ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ với xã hội.

Bàn về những giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội đối với nghệ sĩ, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội NSND Trần Quốc Chiêm đề xuất nghệ sĩ cần ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả thiêng liêng mà mình đang đảm trách, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn...

Quảng cáo sai sự thật - hành vi đáng lên án

Nghệ sĩ được đông đảo công chúng “rõ mặt, biết tên" đồng nghĩa có nhiều nhãn hàng săn đón, mời quảng cáo cho sản phẩm của họ. Tiến sĩ sân khấu Cao Ngọc bày tỏ bức xúc khi một số nghệ sĩ vì lợi nhuận không ngần ngại quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội.

"Những nghệ sĩ này vi phạm quy tắc ứng xử có văn hóa vốn rất cần thiết cho những gương mặt được xem là đại diện cho văn hóa nghệ thuật của nước nhà", TS. Cao Ngọc nói.

Chị cho rằng nhiều người hâm mộ có tâm lý tin tưởng và lựa chọn mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà nghệ sĩ họ yêu thích quảng cáo. Đôi khi, đó là sự tự hào, là thước đo cho sự nổi tiếng, vị trí của nghệ sĩ với người cùng giới hoạt động.

Nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật: Lợi dụng tình cảm của khán giả ảnh 3

Bất chấp lợi nhuận để quảng cáo sai sự thật là hành vi đáng lên án.

Với trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, TS. Cao Ngọc khẳng định hành vi này đáng lên án, thể hiện sự thiếu văn hóa trong ứng xử. "Việc quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, là hành vi lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ. Những nghệ sĩ này vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông", TS. Cao Ngọc chia sẻ.

Nhà văn, tác giả Nguyễn Hiếu cho rằng nghệ sĩ là người của công chúng, là thần tượng của không ít người trẻ. Lời ăn, tiếng nói trong nghệ thuật và cả đời sống của họ đều được công chúng để ý, đánh giá, thậm chí làm theo. Ứng xử của họ trong đời sống vì thế tác động đến công chúng ở cả hai chiều tích cực và tiêu cực.

Nhà văn Nguyễn Hiếu chua xót khi danh xưng nghệ sĩ thường gắn với ốm đau, sầu não, bệnh tật. Bởi vậy mà một bài báo đưa khá hài hước: “có nghệ sĩ mặt hồng hào, tươi tắn nhưng buổi sáng thì nhăn nhó vì quảng cáo thuốc trĩ, đến chiều lại chớp chớp mắt quảng cáo thuốc đau mắt. Mà thuốc nào nghệ sĩ này quảng cáo cũng cam đoan chỉ một liệu trình là khỏi hẳn".

Tin liên quan