Vở Tuồng cổ thu hút nhiều khán giả trẻ
Tối ngày 2/11 vừa qua, tại rạp Hồng Hà diễn ra một sự kiện đặc biệt: Talkshow “Mãn Sắc” và trích đoạn vở tuồng “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả trẻ. Đối với nhiều người trẻ, đây là lần đầu tiên họ được xem một vở diễn tuồng.
Ông Tạ Văn Sốp - nguyên phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ: “Hôm nay, trong khán phòng này, chứng kiến sự có mặt của đông đảo khán giả trẻ như vậy tôi rất xúc động vì điều đó thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của người trẻ đối với nghệ thuật Tuồng truyền thống.”
Talkshow "Mãn Sắc” cùng các vị diễn giả đến từ Nhà hát Tuồng Việt Nam. |
Nghệ thuật Tuồng Việt Nam là một loại hình kịch hát dân tộc đã có từ lâu đời với nội dung đề cao tư tưởng trung quân ái quốc, trọng đạo lý với tinh thần xả thân vì nghĩa lớn. Bộ môn nghệ thuật này dùng hát, múa biểu diễn, với phương pháp cách điệu, ước lệ cao phối hợp cùng dàn nhạc đệm phụ họa và sử dụng các thể văn biền ngẫu, các thể thơ có nghiêm luật chặt chẽ.
Trích đoạn trong vở “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” được biểu diễn là đoạn Hồ Nguyệt Cô thay chồng là Võ Tam Tư ra trận đối phó với phái Cửu Diệm Sơn, tuy nhiên khi giáp trận với Tiết Giao, cháu của nguyên soái Tiết Cương phái Cửu Diệm Sơn, nàng đã bàng hoàng bởi gương mặt đỏ của chàng dũng tướng mà tha chết cho chàng. Tiết Giao sau đó biết được bí mật về sức mạnh của Hồ Nguyệt Cô và viên ngọc trong miệng nhờ tu luyện nghìn năm nên đã tính kế Nguyệt Cô để cướp đi viên ngọc, còn nàng vì đánh mất ngọc mà hóa hình về kiếp cáo.
Tiktoker GenZ Thủy Sophia chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình xem diễn Tuồng và cảm thấy thực sự rất hay, rất cuốn hút. Lần đầu tiên mình thấy trong một sân khấu mà không có quá nhiều đạo cụ, chỉ có hai người diễn viên, mà nội dung được truyền đạt đầy đủ qua động tác của các nghệ sĩ và âm thanh của dàn nhạc. Mình có thể hiểu khoảng 85% nội dung của trích đoạn này.”
Khán giả giao lưu trực tiếp với nghệ sĩ Tuồng trên sân khấu. |
Sức mạnh của giới trẻ trong lan tỏa văn hóa truyền thống
Nghệ thuật Tuồng là loại hình sân khấu kịch khá kén người xem, người nghe khiến cho những năm gần đây, khán giả dường như xa rời nghệ thuật Tuồng.
NSƯT Lộc Huyền - trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam tâm sự: “Mười năm trở lại đây, khán giả đang xa vắng nghệ thuật Tuồng, chỉ khoảng hai, ba năm nay các bạn trẻ mới biết đến nghệ thuật Tuồng, đó là sự tủi thân đối với các nghệ sĩ Tuồng. Trong khi đó, nghệ sĩ Tuồng chúng tôi luyện tập ngày đêm để tạo ra được tác phẩm hay, nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Buồn lắm!”. Cô chia sẻ thêm, cũng chính vì điều đó, nên rất cần những bạn trẻ đang làm truyền thông góp phần quảng bá và lan tỏa nghệ thuật tuồng để cho khán giả có thể tiếp cận đến loại hình nghệ thuật này.
NSƯT Lộc Huyền (vai Hồ Nguyệt Cô) và nghệ sĩ Mạnh Linh (vai Tiết Giao). |
Có thể nhận thấy vai trò của người trẻ trong việc lan tỏa những giá trị truyền thống của dân tộc là vô cùng to lớn bởi sự nhạy bén của họ với công nghệ hiện đại, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng. Bạn Hoàng Thị Ngọc Hà, trưởng ban tổ chức sự kiện Khai Sắc Tuồng Thanh, sinh viên đang theo học tại khoa Quan hệ công chúng & Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về vai trò “cầu nối” của thế hệ trẻ với các loại hình nghệ thuật truyền thống: “Khai Sắc Tuồng Thanh là một trong những bước đầu đưa nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là Tuồng tới gần hơn với thế hệ trẻ, thông qua cách tiếp cận truyền thông, tổ chức sự kiện dưới góc nhìn của sinh viên mà vẫn không xa rời những đặc trưng của nghệ thuật Tuồng.”
Dự án Khai sắc tuồng thanh do Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp nhóm sinh viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng tổ chức. Đây là một trong những hoạt động mở màn thuộc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay. Sự kiện nhằm kết nối giới trẻ với nghệ thuật tuồng, thông qua một số hoạt động như workshop “Nét tuồng”, trải nghiệm làm mặt nạ tuồng, talkshow và biểu diễn nghệ thuật “Mãn Sắc”.