Ngoại trưởng Ý kêu gọi thành lập quân đội chung của Liên minh châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani kêu gọi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thành lập một lực lượng chung ở châu Âu. Ông lập luận rằng nếu không có quân đội chung, khối này không thể có một chính sách đối ngoại đáng tin cậy.

"Nếu chúng tôi muốn trở thành người mang lại hòa bình trên thế giới, chúng tôi cần quân đội của châu Âu", ông Tajani nói với tờ La Stampa của Ý hôm Chủ nhật (7/1).

"Đây là điều kiện tiên quyết cơ bản để có một chính sách đối ngoại châu Âu hiệu quả."

Ông cho biết thêm rằng trong thế giới của những "người chơi quyền lực" như Mỹ, Nga và Trung Quốc, công dân châu Âu "chỉ có thể được bảo vệ bởi những gì đã tồn tại, và đó là Liên minh châu Âu".

Có khoảng 22 quốc gia EU hiện là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, một số lãnh đạo EU đã đưa ra ý tưởng tập hợp quân đội thành một lực lượng chung độc lập với sự kiểm soát của Mỹ trong những năm gần đây.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel là hai trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất ý tưởng này. Ông Macron từng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu theo đuổi chính sách “tự chủ chiến lược” khỏi Washington.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo vào năm 2021 rằng một động thái như vậy sẽ “làm suy yếu mối liên hệ giữa Bắc Mỹ và châu Âu”. Khi ý tưởng về một đội quân châu Âu độc lập lần đầu tiên xuất hiện cách đây hai thập kỷ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là William Cohen đã thẳng thừng gọi ý tưởng này là “mối đe dọa đối với sự tồn tại của NATO”.

Xung đột ở Ukraine rõ ràng đã cản trở cuộc thảo luận về sự tự chủ của châu Âu. Kể từ đó, ông Macron đã thay đổi quan điểm của mình về NATO và hiện ủng hộ việc mở rộng liên minh do Mỹ đứng đầu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, vẫn nói về sự cần thiết của “một Liên minh châu Âu tự chủ hơn”, nhưng không đề cập đến ý tưởng xây dựng cái mà bà Merkel gọi là “một đội quân châu Âu thực sự".

Trong khi đó, các thành viên Đông Âu của NATO lại tỏ ra là những người ủng hộ nhiệt tình nhất việc Mỹ giám sát an ninh ở châu Âu. Sau khi Ba Lan nhận khoản vay 2 tỷ đô la từ Washington để hiện đại hóa quân đội và đón lực lượng đồn trú thường trực đầu tiên của quân đội Mỹ tại căn cứ ở Poznan, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan lúc đó là Mariusz Blaszczak cho biết rằng “bất kỳ sự cạnh tranh nào giữa NATO và EU khi nói đến an ninh là một điều rất tồi tệ,” và rằng Warszawa đã chọn quan hệ đối tác chặt chẽ với Mỹ thay vì “một đội quân châu Âu tưởng tượng nào đó”.

Cuối cùng, EU đã thông qua việc xây dựng một chiến lược phòng thủ chung vào năm ngoái, trong đó tạo ra một lực lượng “triển khai nhanh” gồm 5.000 người.

Theo RT
MỚI - NÓNG
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.