Ngọn cỏ gió đùa

Tổng Bí thư Đỗ Mười chúc mừng nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên năm 1991. Ảnh: Trần Ấm
Tổng Bí thư Đỗ Mười chúc mừng nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên năm 1991. Ảnh: Trần Ấm
TP - Tóc cắt bốc, dáng hơi tập tễnh và giọng nói luôn mang một âm lượng hơi lớn cùng tính khí ngang thẳng đến kỳ lạ. Đó là Trần Ấm...

Cậu trò của “ông đồ”

Mạo muội nghĩ, có lẽ tính cách thường trực ấy nó sinh thành và ám vào ông từ cái ngày cậu bé Ấm 10 tuổi. Ở tuổi ấy, hoặc là tâm thần hoặc là đột phá về tính cách trước cái chết của người cha và anh ruột.

Không phải nghe, không phải khuất mắt trông coi mà cậu và gia đình cùng dân làng phải trực tiếp chứng kiến. Giặc Pháp phơi xác người cán bộ hoạt động bí mật (cha của Ấm) và chính trị viên huyện đội Kim Động, Hải Dương (anh ruột Ấm) hàng mấy ngày giời ngay tại thôn nhà mới cho đem chôn!

...Ông là cả một kho chuyện. Găm vào trí nhớ hơi lâu chuyện Trần Ấm với thày học Vũ Đình Liên - tác giả bài thơ Ông đồ... Học hết cấp 3, năm 1962, Trần Ấm thi đỗ vào Khoa Pháp văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy Vũ Đình Liên là chủ nhiệm khoa Pháp văn kiêm khoa Ngoại ngữ niên khóa 1961-1962 của trò Trần Ấm.

Thày Liên người tầm thước mặt hiền luôn vẻ ung ung thư thái. Thầy đọc nói tiếng Pháp rõ ràng lưu loát. Không chỉ có việc lên lớp, thầy cùng các trò khi ấy phải đi vét bùn đào hồ ở công viên Thủ Lệ trong những đợt lao động XHCN. Trò Trần Ấm và mấy anh bạn nữa thường đến thăm thày. Thày không có nhà mà nương nhờ cửa Phật là chùa Bộc.

Năm 1991, thày được phong nhà giáo nhân dân. Trò Ấm có tấm ảnh Tổng Bí thư Đỗ Mười chúc mừng thầy Vũ Đình Liên được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân.

Trần Ấm thường đi lại thân thiết với những Văn Cao, Nguyễn Bá Khoản. Năm 1991, ông khuyến khích tôi vào cuộc vụ Tiến quân ca có hai tác giả? để góp phần cùng một số đồng nghiệp làm sáng tỏ cái chuyện nhận vơ ấy! Ông dẫn tôi tiếp cận với tài năng nhân cách Nguyễn Bá Khoản, người chép sử bằng hình cùng những tấm ảnh lịch sử có một không hai.

Thời ấy bao nhiêu là thương xót. Những chuyện hiểu lầm, nghi kỵ không đâu úp chụp xuống người lành. Nghe rằng Nguyễn Bá Khoản đã phải đi quét rác ở Miếu Văn mãi sau này mới được minh oan! Ngày nhạc sĩ Văn Cao và Nguyễn Bá Khoản được nhà nước bảo hộ quyền tác giả bằng việc gửi toàn bộ tác phẩm của mình vào Cục lưu trữ quốc gia, ông hăng hái đi ghi hình từ đầu chí cuối.

Một dạo nháo nhác chuyện tấm ảnh lịch sử Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn có tranh chấp quyền tác giả... Tôi nghe nói với tính khí ngang thẳng của mình, Trần Ấm đã góp phần đắc lực để trả lại cái tên Lâm Hồng Long là tác giả đích thực.

Không tường Trần Ấm đã làm những gì nhưng ngồi nghe ông đọc vanh vách tấm phim duy nhất của Lâm Hồng Long hiện được lưu trữ trong kho tư liệu của TTXVN mang ký hiệu BH-4196 nằm tại quyển BH-15 với dòng chú thích gốc Hồ Chủ tịch bắt nhịp bài Kết đoàn trong buổi dạ hội của nhân dân Thủ đô chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tháng 9 năm 1960 thì đủ biết ông đã vào cuộc thận trọng như thế nào.

Ấy là tôi còn chưa biên ra đây những thứ Trần Ấm rành, thạo như góc độ, bố cục, sự nhanh nhậy, thời cơ bấm máy... của một PV ảnh dày dạn kinh nghiệm như Lâm Hồng Long!

Quyết liệt ngay thẳng vì lẽ phải, bảo vệ đồng nghiệp nhưng với mình thì có vẻ Trần Ấm không được rốt ráo lắm? Tấm ảnh nghệ sĩ Đặng Thái Sơn về thăm trường cũ được các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước sử dụng nhiều lần nhưng không đoạt giải nào vì Trần Ấm chưa phải là hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam?

Trở lại với năm Trần Ấm tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội. Đó là năm 1965. Trần Ấm không trở thành nhà giáo. Thông tấn xã Việt Nam chọn nhiều sinh viên để đào tạo thành phóng viên chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ngày 3-2-1966, Trần Ấm, bí danh Hồng Long (sông Hồng, sông Cửu Long) lên đường đi B, cùng đoàn báo chí, văn nghệ sĩ khá hùng hậu vào chiến trường miền Nam, trong đó có những người sau này nổi tiếng, như nhạc sĩ Hoàng Việt, họa sĩ Lê Lam, biên đạo múa Thái Ly, nghệ sĩ tuồng Võ Sĩ Thừa…

Ròng rã 6 tháng trời bươn bả vượt Trường Sơn, Trần Ấm và đồng đội mới đến được căn cứ của Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) đóng ở Tây Ninh. Nhiều lần các phóng viên TTX Giải phóng trong đó có Trần Ấm được trực tiếp nghe các anh Sáu Di (Nguyễn Chí Thanh), anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) khi đó là Phó Bí thư Trung ương Cục chỉ bảo dặn dò công việc.

Trần Ấm và các phóng viên TTXGP bám sát các đơn vị chiến đấu của Quân giải phóng để đưa tin, viết bài, chụp ảnh. Sâu đậm là dự trận càn mang tên Junction City của Mỹ, vào căn cứ đầu não của ta. Nhưng ác liệt gian nan nhất là Mậu Thân. TTXGP ra quân với lực lượng gần 50 phóng viên tin và ảnh.

Phóng viên của Mậu Thân

Trần Ấm (trái) tại phân xã Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: TL
Trần Ấm (trái) tại phân xã Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: TL.
 

Trần Ấm viết về thời điểm dự Mậu Thân như thế này: Những phóng viên - chiến sĩ tiềm nhập Sài Gòn theo nhiều hướng. Có những PV được cấp căn cước của chính quyền Sài Gòn vào bằng đường công khai. Họ phải trút hết cái vỏ giải phóng để trở thành người Sài Gòn thứ thiệt. Có những PV theo đơn vị mũi nhọn, máy ảnh một bên súng K54 một bên, chắc ăn hơn còn kèm một khẩu AK và 5 băng đạn.

Hóa ra không chỉ có một nhà văn Nguyễn Văn Bổng từng nằm vùng ở Sài Gòn ngày còn nhung nhúc lính Mỹ. Trước Tết Mậu Thân, phóng viên TTX Trần Ấm được An ninh T4 làm cho một thẻ căn cước giả của chính quyền Sài Gòn, cấp cho ông “Bảy Ấm, hành nghề tự do”, để theo giao liên hợp pháp của ta vào Sài Gòn.

Cũng lạ với tính khí ngay thẳng dễ khiến người khác mất lòng mà cấp trên lại cử Trần Ấm đảm nhận công tác hơi bị đặc biệt ấy? Thế mà với vỏ bọc hành nghề tự do Trần Ấm đã yên ổn trót lọt một thời gian dài. Gạn Trần Ấm về thời gian ông nằm ở nội đô Sài thành thì lần nào ông cũng kiệm lời. Kiệm lời khi kể về mình nhưng lại nhòe nhoẹt nước mắt kể về đồng đội mình.

Chuyện được nghe nhiều nhất hồi Mậu Thân là trong ngày đầu tiên tiến công Sài Gòn, một số phóng viên của TTXGP đã hy sinh. Phóng viên Hồ Minh Châu, bút danh Minh Nguyễn, quê Rạch Giá, là học sinh miền Nam, sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, vào chiến trường cùng đợt Trần Ấm, bám theo mũi tấn công của Tiểu đoàn Lê Minh Xuân vào khu vực Chợ Lớn, chưa kịp viết một dòng tin về cuộc tiến công, đã hy sinh ngay trên đường Nguyễn Tri Phương, thuộc quận 5 bây giờ.

Những dòng nhật ký của anh về trận đánh bị địch thu giữ, sau này chúng trích đăng trong cuốn sách “Sài Gòn máu lửa” coi như là “chiến công” của chúng.

Nhiều phóng viên TTXGP cũng hy sinh trong đợt Tổng tấn công này, mà hầu hết là những sinh viên các trường đại học ở Hà Nội vào chiến trường cùng đợt với Trần Ấm: Phan Hoài Nam, Lê Tròn, Lê Đình Phụng, Nguyễn Bang, Nguyễn Oanh Liệt mà đến tận bây giờ không tìm ra mộ một ai cả!...

Trước trong và sau Mậu Thân, nhiều bài báo, tấm hình từ miền Nam gửi ra, từ nội đô Sài Gòn gửi về trong đó có nhiều tin bài ảnh của Trần Ấm như “Người con gái nhỏ của thành phố Sài Gòn anh hùng”, viết về gương chiến đấu dũng cảm và mưu trí của nữ chiến sĩ biệt động Phạm Thị Oanh trong mũi tiến công Bộ Tổng tham mưu VNCH;

“Ngày hỏa tuyến”, viết về những cô tiểu thương ở chợ Bến Thành, những cô công nhân hãng dệt Vimitex, hãng nước ngọt BGI, những nữ sinh trường Phan Sào Nam, Lê Văn Duyệt,… ngay trong Tết Mậu Thân đã trở thành giao liên dân công tiếp đạn, tiếp lương thực cho Quân giải phóng, sau này nhiều người đã trở thành chiến sĩ giải phóng; hay “Các giới đồng bào Sài Gòn xuống đường chống Thiệu”; “Những mẩu chuyện đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định” v.v…

9 năm 8 tháng ở chốn đạn bom mà may sao chả hề hấn. Lại ngần ấy năm yên hàn sài sãi vác máy lên tột đỉnh phía Bắc những là Lũng Cú, Fansipan rồi tít những Trường Sa cùng là Đất Mũi. Thế mà nhoằng cái, trước Noel, đang khỏe khoắn xăng xái, Trần Ấm thoắt lịm tắt...

Trọn đời với nghề là tên cuốn sách tập hợp 55 bài viết và 55 bức ảnh (con số 55 nói lên điều gì nhỉ?) trong cuộc đời làm báo của Trần Ấm. Thế là vẫn dang dở, vẫn chưa trọn đời với nghề bởi ông đang miệt mài với việc viết kịch bản cuốn phim tài liệu về Thông tấn xã giải phóng và ấp ủ nguyện vọng cuối đời là làm một cuốn sách ảnh của riêng mình.

Câu của cổ nhân ngọn cỏ gió đùa hàm cái ý những là trớ trêu lẫn mong manh của người đời trong cõi vô thường. Lại ở tuổi thất thập, so với những đồng nghiệp TTX ngã xuống đợt Mậu Thân và nhiều đợt khác, có thể Trần Ấm đã là người lãi? Lãi nữa là những bài báo những tấm hình ông góp cho TTXVN một thời đạn bom một thời hòa bình, Trần Ấm mãi là nhân chứng của một sự tử tế.

Xuân Ba
Noel năm Mão

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG