Người có hành vi bạo lực gia đình phải lao động công ích

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm.
Người có hành vi bạo lực gia đình phải lao động công ích ảnh 1

Quốc hội thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: Như Ý

Chiều 14/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Một trong những điểm mới so với Luật hiện hành là quy định yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành yêu cầu thì Công an xã được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã.

Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày khi thấy hành vi đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

Về chế tài, người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải lao động công ích nơi người có hành vi bạo lực cư trú, như tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát các quy định trong Bộ luật Hình sự để bổ sung vào khoản 1 Điều 3 một số hành vi còn thiếu như cản trở thành viên gia đình khiếu nại, tố cáo, thực hiện quyền tự do ngôn luận báo chí, tiếp cận thông tin; chiếm giữ trái phép, sử dụng trái phép, cố ý làm hư hỏng tài sản của thành viên gia đình…

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, “bạo lực gia đình” là “hành vi cố ý của thành viên gia đình với mục đích gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình phổ biến, thường xảy ra trong thực tiễn đời sống và cần áp dụng các biện pháp đặc thù với mục tiêu cao nhất là bảo vệ người bị bạo lực gia đình, giáo dục, hỗ trợ người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt bạo lực gia đình. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin giữ nguyên như trong dự thảo.

MỚI - NÓNG