Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ

Sau khi chặt hạ, một số người dân ở Hà Nội đã tranh thủ nhặt mùn cưa của cây sưa cả trăm năm tuổi ở bờ hồ Hoàn Kiếm đem về sử dụng.
Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 1

Ngày 24/5, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội kết hợp với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội bắt đầu chặt hạ ba cây sưa chết khô ở bờ hồ Hoàn Kiếm

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 2

Nhân viên công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội chặt bỏ cây sưa đầu tiên cũng là cây lớn nhất nằm tại khu vực đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng. Thân cây có đường kính 0,59 m; cao 12 m. Theo người dân ở khu vực này, từ năm 2019, cây đã có dấu hiệu khô héo, đến nay đã chết hoàn toàn. Cây sưa đỏ chết khô được nhân viên cắt cành trong buổi sáng và hoàn thành đào gốc, chặt rễ, vận chuyển đi trong chiều 24/5.

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 3

Ông Nguyễn Huy Quỳnh, Phó trưởng phòng Quản lý dự án và hạ tầng kỹ thuật (thuộc Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội), cho biết quá trình chặt bỏ 3 cây sưa đỏ chết khô sẽ được hoàn thành trong 3 ngày. “Chúng tôi sẽ trồng thay thế ngay sau đó bằng 3 cây sưa đỏ khác có đường kính 10 cm trở lên”, ông Quỳnh thông tin thêm.

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 4

Việc đào gốc, rễ sưa đỏ có tuổi đời khoảng 100 năm gặp khó khăn và lâu hơn các loại cây bình thường bởi gỗ sưa có giá trị cao. Công nhân phải đào đất xung quanh gốc và cắt từ dưới phần rễ lên.

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 5

Nhân viên môi trường vớt nhánh, mùn cây sưa đỏ bị rơi xuống hồ Gươm ngay sau khi chặt bỏ, nhằm giữ gìn vệ sinh và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 6

Thân cây có hiện tượng mục ruỗng. Vỏ cây bong tróc, lộ ra phần thân đã chết khô trong một thời gian dài. Việc chặt hạ 3 cây sưa đỏ này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, đặc biệt khi mùa mưa, bão sắp đến.

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 7

Cũng theo đại diện Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, số gỗ của 3 cây này sẽ được tổ chức bàn giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội tiếp nhận, bảo quản, đồng thời thực hiện thanh lý gỗ, củi theo quy định.

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 8

Từ cành đến thân cây đều được đo đạc cẩn thận sau khi chặt bỏ. Riêng phần thân cây sưa này có chiều dài khoảng 8 m, đường kính khoảng 59 cm.

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 9

Gỗ sưa là loại gỗ quý, hiếm. Gỗ có chất lượng tốt, thớ gỗ mịn, đường vân đẹp. Đặc biệt, gỗ có hương thơm tự nhiên, thoảng nhẹ tựa như hương trầm.

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 10

“Thấy cây sưa đang bị chặt khi đi bộ quanh hồ Gươm, tôi tranh thủ nhặt ít vụn về đốt cho thơm phòng. Đây là loại cây rất đắt, nên khi nó chết và bị chặt, tôi cảm thấy rất tiếc”, ông Hoàng Công Chiến, người dân phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm cho biết.

Người dân gom mùn cưa sau khi cây sưa đỏ bên hồ Gươm bị chặt hạ ảnh 11

Ngoài cây sưa đỏ ở đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng, hai cây sưa bị chết ở khu vực đồng hồ hoa Thụy Sĩ, sát mép hồ, đường kính 2 cây này khoảng 35-40 cm và cao 6-10 m. Hai cây này sẽ được chặt bỏ trong ngày 25-26/5.

Thụy Trang

Theo Zing
Tin liên quan