Hát Chầu Văn - Âm thanh thiêng liêng dẫn lối tới tín ngưỡng thờ Mẫu
Chầu văn, hay còn gọi hát văn, vốn là một hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhắc đến hát văn, đa phần trong chúng ta thường liên tưởng đến những yếu tố mang sắc màu tâm linh huyền ảo. Với lối giai điệu đặc trưng, kết hợp lời thơ được trau chuốt nghiêm trang, Chầu văn không chỉ là phương tiện truyền tải một chiều, mà có thể được hiểu như cuộc giao tiếp linh thiêng giữa người trần với các bậc thần thánh.
Tiến sĩ Triết học Tôn giáo Lương Thị Thu Hường trò chuyện với người tham gia. |
Chỉ một lần nghe Chầu văn, người ta không chỉ ấn tượng bởi câu chuyện của các vị thần - những vị anh hùng, thánh nữ gắn liền với lịch sử Việt Nam, mà còn cảm nhận tinh thần tín ngưỡng, tâm linh hội tụ trong từng cung đàn điệu hát. Cho đến nay, khối lượng di sản đồ sộ của Chầu Văn cùng tín ngưỡng thờ Mẫu đã tạo thành một bệ đỡ vững chắc để người đời thành tâm tôn kính đến hàng thánh thần.
Trải qua thăng trầm lịch sử, giá trị văn hóa - nghệ thuật của Chầu văn ngày càng được khẳng định trong lòng người mến mộ cũng như giới chuyên môn. Bằng chứng là từ khi tín ngưỡng thờ mẫu được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể năm 2016, các hoạt động bảo tồn Chầu văn dần được nhen nhóm bởi các tổ chức, CLB, dự án văn hóa đầy tâm huyết. Đặc biệt trong số đó là dự án của các bạn trẻ thời đại mới mong muốn tìm hiểu các loại hình nghệ thuật dân gian.
“Thêu nét Chầu văn” - Cuộc hội ngộ của những người yêu làn điệu cổ truyền
Ấn tượng sâu sắc bởi những giá trị đẹp đẽ mà Chầu văn mang lại, trong khoảng thời gian từ 19/3 đến 02/04/2022, những bạn trẻ của dự án văn hoá Người lạ bàn chuyện quen đã triển khai chuỗi sự kiện “Thêu nét Chầu Văn” - bước đi đầu tiên trên chặng đường đầy tự hào và kì diệu này. Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, Người lạ bàn chuyện quen quyết định chọn tổ chức sự kiện trực tuyến, như một cách thử nghiệm mô hình đàm thoại mới, đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Với mong muốn không ai bị bỏ lại trên chặng đường tìm về nguồn cội, Chuỗi sự kiện “Thêu nét Chầu văn” chính là không gian văn hóa nghệ thuật nơi điểm nhìn của mỗi người đều được trân trọng, câu chuyện của mỗi người đều được lắng nghe. Theo chia sẻ của chị Anh Thư - đồng sáng lập dự án: “Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là tính riêng tư, thân mật được giới hạn trong 30 người tham gia. Giản đơn như một buổi tán gẫu gần gũi, Thêu nét Chầu văn đóng vai là người gợi mở để cả người tham gia cũng thoải mái chia sẻ”.
Không chịu ràng buộc bởi tính chất học thuật hay những yếu tố mang nặng tính chuyên môn, những khách mời của Người lạ bàn chuyện quen đều là các bạn trẻ có chung đam mê và những hiểu biết về Chầu văn. Được biết, góp mặt trong buổi trò chuyện có những vị khách mời thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như các nghệ sĩ Trương Mạnh Thắng, nghệ sĩ Cao Bá Hưng, tiến sĩ Triết học Tôn giáo Lương Thị Thu Hường,... cùng các bạn trẻ đang theo đuổi nghiên cứu văn hoá.
Đội ngũ làm dự án Người lạ bàn chuyện quen. |
Khép lại chuỗi sự kiện, người tham dự “Thêu nét Chầu văn” không chỉ được mở mang kiến thức về lĩnh vực nghệ thuật, mà còn kết giao được với những tâm hồn đồng điệu cùng hướng về đạo Mẫu. Chia sẻ về cảm nhận cá nhân, một người tham dự ẩn danh cho biết: “Bản thân mình không phải người biết quá nhiều về văn hoá truyền thống nói chung, cũng như Chầu Văn nói riêng. Vốn dĩ mình tham gia vì bị ấn tượng bởi hình thức tổ chức đặc biệt của dự án, để rồi mình thật sự bất ngờ vì mọi người nói chuyện hăng say quá. Từ những lời gợi mở của hai anh chị khách mời đến sự hưởng ứng tích cực của người nghe, thậm chí cả những phần phản biện cũng không kém phần hăng hái. Qua dự án, mình cảm thấy có động lực để tìm hiểu nhiều hơn về Chầu văn.”
Là một dự án của người trẻ và vì người trẻ, Người lạ bàn chuyện quen đã và đang tiếp tục nỗ lực trên con đường khơi dậy niềm yêu thích với văn hóa cổ truyền trong trái tim công chúng. Về dự định sắp tới của dự án, “Sự thành công của Thêu nét Chầu văn sẽ tiếp thêm động lực to lớn cho chúng mình trên hành trình phía trước của dự án. Hiện tại, chúng mình đang chuẩn bị một sự kiện trải nghiệm trực tiếp vào tháng 4 mà ở đó các bạn sinh viên trẻ sẽ gặp gỡ và nói chuyện với những người nghệ sĩ khai thác chất liệu Chầu Văn. Chuỗi sự kiện này sẽ tập trung truyền tải một cách chân thực nhất quá trình khai thác chất liệu truyền thống của các nghệ sĩ trong quá trình thực hành sáng tạo.” - chị Thư chia sẻ.
Người lạ bàn chuyện quen, tiền thân là dự án “Chèo qua lăng kính Hề”, đạt giải ba trong cuộc thi Nhà truyền thông tài ba IC Master 2021 do Khoa Truyền thông và văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao tổ chức. Dự án mang tinh thần của Newtro - một làn sóng nổi trội trong cộng đồng các bạn trẻ Hàn Quốc với ý tưởng sáng tạo làm mới văn hoá trong cuộc sống của mình. Chính vì vậy, “Người lạ bàn chuyện quen” khuyến khích góc nhìn trẻ, hoan nghênh các bạn được thể hiện tình yêu văn hoá truyền thống theo cách riêng của mình. Các hoạt động của dự án là sự kết nối người trẻ với văn hoá, mở ra không gian đối thoại giữa các bạn trẻ muốn tìm hiểu văn hoá với các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà truyền thông, giúp người trẻ có góc nhìn mới mẻ về sáng tạo nghệ thuật từ chất liệu văn hoá trong thời điểm hiện tại.