Tham dự buổi tọa đàm, bạn Trần Mỹ Linh (lớp 12A5, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ) tâm sự, Linh phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài và dịch bệnh càng làm nặng thêm sự khủng hoảng của bản thân: “Do phải online kéo dài nên mình không quen biết được nhiều bạn mới và có rất ít bạn bè để có thể chia sẻ. Ba mẹ cũng không nghe chia sẻ. Khi trở lại trường học tập thì không thể kết bạn mới, mọi người nhìn mình như người lập dị, rất khó để hòa nhập”.
Kể về câu chuyện tâm lý của bản thân phải đối mặt suốt trong mùa dịch, Minh Thư (trường THPT Nguyễn Hữu Thọ) trải lòng, trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình Thư mắc COVID-19, chỉ còn một mình Thư ở nhà. Thư phải tự sinh hoạt, tự cách ly, tự lo mọi thứ trong 2 tuần. Sau đó, gia đình Thư lại bị tái nhiễm. Trong khoảng thời gian đó, Thư hay tin người nhà mất vì COVID-19. Thư cảm thấy rất tuyệt vọng không thể chia sẻ cùng ai vì sợ bản thân có thể sẽ bị kỳ thị.
Bạn trẻ chia sẻ những vấn đề tâm lý mà mình gặp phải trong buổi tọa đàm. |
Cũng trong buổi tọa đàm, nhiều bạn trẻ cho biết, bản thân khi gặp các vấn đề về tâm lý không biết phải chia sẻ cùng ai và thường ngại ngùng không dám nói ra câu chuyện của mình và cứ âm thầm chịu đựng cho đến khi quá tải, khủng hoảng.
Các khách mời tham dự buổi tọa đàm đã đưa ra nhiều giải pháp giúp các bạn trẻ tháo gỡ các vấn đề về rối loạn tâm lý khi gặp phải. |
Dưới góc độ là người tiếp nhận trực tiếp nhận nhiều những chia sẻ của bạn trẻ hàng ngày, Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM nhìn nhận, không phải bạn trẻ nào cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm: “Chúng tôi thường gặp bạn trẻ có những biểu hiện tâm lý căng thẳng và ai cũng có lúc bị stress. Dịch COVID-19 cộng với việc học hành căng thẳng khiến ngày càng nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm nặng”.
Rất đông các bạn trẻ tham gia buổi tọa đàm. |
Thạc sĩ Tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, hiện tại, chưa có thống kê nào về việc các bạn học sinh, sinh viên được chia sẻ hay kỳ thị, bỏ mặc khi bị trầm cảm. Trong quá trình làm việc tư vấn tâm lý học đường hơn 10 năm qua, Thạc sĩ Giang nhận thấy các bạn trẻ thường thì e ngại, phụ huynh thì không tin hoặc không quan tâm khi con mình bị trầm cảm. Bản thân học sinh, sinh viên cũng chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần nên chưa tìm kiếm được sự giúp đỡ. “Ở Việt Nam, hệ thống tham vấn tâm lý lâm sàng chưa bài bản, nhận thức cũng chưa đầy đủ. Sau khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người dân mới được quan tâm hơn. Đây cũng là tín hiệu mừng”, Thạc sĩ Giang bày tỏ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM tư vấn các giải pháp cho các bạn trẻ, giúp các bạn biết cách tìm kiếm sự trợ giúp khi bản thân gặp phải những rối loạn về tâm lý. |
Tham dự buổi tọa đàm, Tiến sĩ Tâm lý Đòa Lê Hòa An (Phó Viện trưởng Viện Việt Nam bách nghệ thực hành) cũng đưa ra những cách giúp bạn trẻ có thể tìm được các kênh hỗ trợ về các vấn tâm lý học đường khi gặp phải. Ngoài ra, Tiến sĩ An cũng gửi tới các bạn trẻ tham gia buổi tọa đàm thông điệp, các bạn cần chủ động kết nối để tự nâng cao các kỹ năng trong học tập và trong cuộc sống.
Dưới góc độ là người quản lý, Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cảm thấy trăn trở vì vẫn còn nhiều bạn trẻ hiện nay chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhà trường khi gặp các vấn đề về tâm lý. “Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các bạn trẻ có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường”, Thạc sĩ Đảo nói.
Tọa đàm đưa ra những góc nhìn giúp các bạn trẻ có tư duy tích cực, có thể tự tìm kiếm những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề tâm lý mà mình đang gặp phải. |
Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng THPT Võ Văn Kiệt cho rằng, không phải chỉ có tác động của dịch COVID-19 thì các bạn trẻ mới ảnh hưởng tâm lý, trên thực tế, có những ảnh hưởng tâm lý mà đôi khi chính bản thân các bạn trẻ bản lĩnh, mạnh mẽ vượt qua được và cũng có những bạn không thể vượt qua. “Sự động viên, chia sẻ kịp thời của thầy cô giáo sẽ giúp các bạn trở nên vững tin, từ đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của rối loạn tâm lý”, Thạc sĩ Hồng Anh chia sẻ.
Tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng COVID-19” do báo Tiền Phong tổ chức đã nhận được sự đồng hành của trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam.