Với quan niệm “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã đem đến cho công chúng một triển lãm chất lượng và đậm chất nghệ thuật. Triển lãm là thành quả của khối óc và bàn tay hội họa sau ba tháng tai biến, cách ly với dịch bệnh của tác giả. Sự kiện không chỉ thu hút nhiều phóng viên, nhà báo nổi tiếng mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Cùng bạn những bạn trẻ tham dự tại triển lãm, Hà Minh Đức (lớp Báo Ảnh K40, Học viện Báo chí - Tuyên truyền) đã có những ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Hà Minh Đức cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại buổi triển lãm. (Ảnh: Hoàng Liên) |
Bạn biết tới triển lãm “Nhà báo vẽ Nhà báo” qua kênh thông tin nào? Điều gì đã thu hút bạn đến với buổi triển lãm của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân?
Mình biết đến buổi triển lãm nhờ giảng viên của mình (cô Đỗ Thị Thu Hằng) có quen biết nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân. Thông qua cô, mình có cơ hội được trải nghiệm quá trình làm báo, đi lấy tin tại sự kiện.
Mình vô cùng ấn tượng khi được biết nhà báo mới chỉ vẽ tranh từ tháng Tư năm ngoái, tuy vậy nét vẽ của ông, theo nhận xét chủ quan của mình, không hề kém một họa sĩ chuyên nghiệp. Dù được thực hiện trong quá trình điều trị bệnh nhưng lượng tác phẩm của ông lên đến con số 400, bao gồm tranh chân dung đồng nghiệp cùng bộ sưu tập áp phích chống dịch COVID-19. Điều đó đã thể hiện tinh thần và nghị lực to lớn của một nhà báo làm nghệ thuật, nhất là trong điều kiện sức khỏe và dịch bệnh vô cùng khó khăn.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân giao lưu cùng sinh viên. (Ảnh: Hoàng Liên) |
Hòa mình vào không gian của buổi triển lãm, được ngắm nhìn những bức họa với đủ các biểu cảm, đường nét, màu sắc... lắng nghe những chia sẻ từ tác giả và khách mới, điều gì khiến bạn cảm thấy ấn tượng?
Đến với triển lãm, điều làm mình thấy ấn tượng đó chính là những bức họa. Tranh vẽ hầu hết là chân dung đồng nghiệp của tác giả, số ít là áp phích cổ động. Mình thấy được tình cảm của nhà báo gửi gắm trong đó, một thế giới sắc màu hiện lên dưới góc nhìn và nét cọ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, chứng tỏ tranh hướng tới cái đẹp, sự lạc quan và tình yêu thương con người. Điều đó càng cho thấy lòng yêu nghề, yêu người tha thiết của ông.
Ngoài ra, điều làm mình ấn tượng còn là sự nhiệt tình của tác giả và khách mời. Lần đầu đi tác nghiệp, được giáp mặt với những nhà báo gạo cội, mình nghĩ các bác sẽ không có thời gian để trò chuyện cùng sinh viên. Nhưng khi đến nơi, các nhà báo lại chấp nhận cho bọn mình phỏng vấn, ghi hình, với những chia sẻ rất đỗi chân thật. Chính điều đó đã giúp mình yêu nghề hơn rất nhiều.
Trong số 400 bức họa được hoàn thiện, chỉ hơn 100 bức họa được tác giả lựa chọn để trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Hoàng Liên) |
Qua buổi triển lãm, bạn học hỏi thêm được kinh nghiệm và kỹ năng gì cho học tập và sự nghiệp làm báo của bản thân?
Trong phần trả lời phỏng vấn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã nói một điều làm mình rất tâm đắc. Đó là “đã chọn cái gì thì phải làm cho tới”, căn bệnh của bác ập đến có thể nói là trong cái rủi có cái may, nếu không có căn bệnh này, bác cũng sẽ chẳng bao giờ cầm cọ vẽ, tất cả đến với cuộc đời đều là cơ duyên, và mỗi chúng ta phải đón nhận bằng một thái độ niềm nở nhất. Đối với mình, đây có thể coi là bài học lớn về nghị lực cũng như sự quyết tâm của người làm báo.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chụp hình cùng các bạn sinh viên tại triển lãm. (Ảnh: Hoàng Liên) |
Sau khi tham quan buổi triển lãm, điều gì đọng lại trong bạn đến bây giờ?
Được gặp gỡ và chia sẻ cùng với những người có tâm và có tầm như vậy đúng là trải nghiệm đáng giá mà mỗi người làm báo nào cũng mong muốn có được. Tuy còn nghiệp dư nhưng những câu chuyện và cái hồn mà bác thổi vào trong từng bức tranh sẽ khiến mình nhớ mãi.
Cảm ơn Minh Đức!