Nỗ lực để thích nghi và không bị bỏ lại
Sự xuất hiện của AI không chỉ mang đến cơ hội mà còn đặt ra nhiều thách thức lớn, đặc biệt là nguy cơ thay thế con người trong nhiều ngành nghề. Theo những số liệu mới nhất, trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự đang khiến một số công việc biến mất. Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, máy móc có AI sẽ thay thế khoảng 85 triệu việc làm vào năm 2025, ngoài ra báo cáo của McKinsey cũng chỉ ra rằng khoảng 60% công việc hiện tại có thể tự động hóa một phần. Dự kiến 30% công việc toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi AI và tự động hóa đến năm 2030. Tương tự, một nghiên cứu của PwC dự đoán rằng khoảng 7 triệu việc làm tại Anh có thể bị mất do tự động hóa vào năm 2037. Điều này khiến việc thích nghi với công nghệ trở thành yếu tố sống còn đối với người lao động trẻ.
Nguyễn Khánh Huyền, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ rằng cô nàng luôn lo lắng về tương lai nghề nghiệp của mình khi AI xuất hiện. “Chỉ với một vài cú click, các phần mềm AI đã có thể tạo ra nội dung văn bản và hình ảnh chuyên nghiệp không kém gì con người. Điều này thực sự khiến mình cảm thấy áp lực. Nếu không liên tục cải thiện kỹ năng, mình có thể bị thay thế bất cứ lúc nào,” Huyền thổ lộ.
Nhiều bạn trẻ lo lắng khi có sự xuất hiện của AI. (Ảnh: Hiếu Nguyễn) |
Lê Thùy Dung, một biên tập viên trẻ tại một tạp chí thời trang, cũng không giấu được sự lo lắng khi chứng kiến AI ngày càng can thiệp sâu vào ngành truyền thông. “Chỉ cần nhập một vài từ khóa, AI có thể tạo ra cả một bài viết hoặc nội dung quảng cáo trong vài giây. Điều này khiến mình áp lực vì công việc biên tập ngày càng đòi hỏi sự khác biệt và sáng tạo hơn,” Dung chia sẻ.
Dung cho biết cô đang cố gắng học thêm các kỹ năng chuyên sâu như xây dựng phong cách thương hiệu và quản lý nội dung đa kênh để tạo ra những giá trị mà AI không thể "sao chép": “Cảm xúc, góc nhìn cá nhân và câu chuyện độc đáo vẫn là điều AI khó lòng thay thế được. Đó là lợi thế của chúng mình,” cô nàng chia sẻ nói.
Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng lo ngại về sự xuất hiện của AI. Đối với Nguyễn Hoàng Minh, một bạn trẻ vừa khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, AI lại là “vị cứu tinh” trong việc tối ưu hóa các quy trình kinh doanh. “Mình sử dụng AI để phân tích hành vi khách hàng và đề xuất sản phẩm phù hợp. Nhờ công cụ này, mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian, từ đó tập trung hơn vào việc phát triển chiến lược kinh doanh,” Minh chia sẻ. Với Minh, AI không phải là mối đe dọa mà là trái ngược lại, là một công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp nhỏ như của anh chàng tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tương tự, Vũ Quang Đạt, hiện đang là nhân viên lập trình tại một công ty startup công nghệ ở Hà Nội, lại có cách tiếp cận rất tích cực. “Là một lập trình viên, mình không coi AI như "kẻ" cạnh tranh mà là một người đồng hành. Những công cụ như GitHub, Copilot giúp mình viết mã nhanh hơn, phát hiện lỗi kịp thời và cải thiện hiệu suất làm việc. Nhưng đồng thời, mình cũng ý thức rõ rằng nếu không học hỏi và cập nhật liên tục, mình sẽ dễ bị tụt lại phía sau,” Đạt chia sẻ.
Quang Đạt coi AI như một người bạn đồng hành. (Ảnh: NVCC) |
Tận dụng AI để phát triển bản thân
Trong kỷ nguyên số, thay vì sợ hãi trước sự xuất hiện của AI, giới trẻ cần học cách tận dụng công nghệ như một công cụ hỗ trợ đắc lực. AI nổi bật ở khả năng xử lý dữ liệu và tự động hóa quy trình, nhưng cảm xúc, sự đồng cảm và khả năng sáng tạo vẫn là những yếu tố thuộc về con người. Hiểu được điều đó, nhiều bạn trẻ đã chủ động tìm cách kết hợp công nghệ này vào công việc và học tập của mình.
Lê Phương Linh, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, trường Đại học Hà Nội là một trong số những người đã tận dụng AI để nâng cao hiệu quả học tập. “Mình thường sử dụng AI, cụ thể là ChatGPT, Gemini để hỗ trợ tìm kiếm tài liệu học thuật và dịch các văn bản quốc tế. AI giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhưng mình chỉ sử dụng nó như một nguồn tham khảo thôi. Việc tư duy và xử lý thông tin vẫn cần dựa vào bản thân mình để tránh phụ thuộc, dựa dẫm quá mức vào máy móc, công nghệ,” Linh cho biết.
"Việc tư duy và xử lý thông tin vẫn cần dựa vào bản thân mình để tránh phụ thuộc, dựa dẫm quá mức vào máy móc, công nghệ" (Ảnh minh họa bởi AI) |
Đối với Trần Quỳnh Anh, một freelancer trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, AI là người bạn đồng hành không thể thiếu. “Mình sử dụng AI để gợi ý ý tưởng khi viết bài hoặc chỉnh sửa hình ảnh. Nhưng mình luôn đảm bảo rằng các sản phẩm cuối cùng phải mang dấu ấn cá nhân, bởi chỉ có yếu tố con người mới tạo nên sự khác biệt,” Quỳnh Anh chia sẻ. Cô gái trẻ cũng nhấn mạnh rằng việc tận dụng AI đúng cách không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong công việc.
Sẵn sàng thích nghi là chìa khóa
Theo anh Nguyễn Ngọc Tuyên, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, lập trình viên web3.0 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Sotatek Việt Nam, AI là một phần tất yếu của tương lai và người trẻ cần sẵn sàng để đón nhận những tiến bộ trong khoa học, kỹ thuật. “AI không phải là mối đe dọa nếu chúng ta biết cách sử dụng nó hợp lý. Thay vì nhìn nhận AI như một đối thủ, hãy coi AI là một công cụ hỗ trợ để nâng cao hiệu quả công việc. Việc làm chủ công nghệ này sẽ mang lại lợi thế lớn trong thời đại cạnh tranh,” anh nhận định.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, để không bị phụ thuộc quá mức vào công nghệ, giới trẻ cần rèn luyện những kỹ năng mềm như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và quản lý cảm xúc. “AI có thể xử lý thông tin rất nhanh, nhưng khả năng ra quyết định dựa trên các yếu tố như trí tuệ cảm xúc, đạo đức là điều mà chỉ con người mới làm được. Đó là lý do tại sao những kỹ năng này ngày càng quan trọng.”
Trong bối cảnh AI ngày càng phổ biến, anh Tuyên cho rằng giới trẻ không chỉ là người tiếp nhận mà còn phải trở thành những người sáng tạo, dẫn đầu trong việc khai thác công nghệ. Điều này đòi hỏi họ không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng và sẵn sàng thích ứng với những thay đổi.
Cơ hội và thách thức luôn song hành trong thời đại AI. Để thành công, người trẻ không chỉ cần kiến thức về công nghệ mà còn phải sở hữu khả năng sáng tạo, linh hoạt và tinh thần học hỏi không ngừng. Bằng cách làm chủ công nghệ thay vì để nó kiểm soát, họ có thể tự tin khẳng định giá trị bản thân và mở ra những cánh cửa mới cho sự nghiệp trong tương lai.
"Cơ hội và thách thức luôn song hành trong thời đại AI. Để thành công, người trẻ không chỉ cần kiến thức về công nghệ mà còn phải sở hữu khả năng sáng tạo, linh hoạt và tinh thần học hỏi không ngừng. Bằng cách làm chủ công nghệ thay vì để nó kiểm soát, họ có thể tự tin khẳng định giá trị bản thân và mở ra những cánh cửa mới cho sự nghiệp trong tương lai", chuyên gia nhận định.