Nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh, bùng phát rất nhiều bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các đối tượng có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

Mắc 2-3 bệnh truyền nhiễm

Hiện nay dịch bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết, COVID-19 đang cùng lúc lưu hành khiến nhiều người mắc 2-3 loại bệnh, thậm chí cùng mắc nhiều bệnh trong một thời gian ngắn. Bộ Y tế đã cảnh báo tới toàn thể người dân về tình trạng số ca mắc Adenovirus tăng mạnh và đang có xu hướng lây lan nhanh trong cộng đồng thời gian tới.

Nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm ảnh 1

Trẻ mắc bệnh đường hô hấp điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: H.Minh

Những ngày gần đây tại các khoa Nhi nhiều bệnh viện lớn đều ghi nhận sự gia tăng trẻ mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy, COVID-19, tay chân miệng… Cùng với đó không ít người lớn cũng bị những căn bệnh này hành hạ với cùng các biểu hiện đau nhức xương khớp, sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi…

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tình hình dịch bệnh trên cả nước cho đến thời điểm hiện tại tăng so với cùng kì hằng năm. Đáng chú ý bệnh sốt xuất huyết tăng hơn 4 lần do vào mùa mưa và bệnh tay chân miệng tăng hơn 8 lần.

Một số cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa: giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động để nâng cao thể trạng; ăn đầy đủ chất và các nhóm chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin; rau xanh, hoa quả tươi; tiêm phòng vắc xin đầy đủ; giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng. Khi có biểu hiện bất thường cần được khám và tư vấn của bác sĩ.

Ngoài ra, những bệnh truyền nhiễm khi thời tiết giao mùa khác do vi khuẩn đường ruột hay gây ra hiện tượng suy hô hấp cũng đang có xu hướng tăng mạnh, đơn cử như bệnh tiêu chảy. Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra cảnh báo về số ca nhiễm tiêu chảy cấp đang tăng.

Theo thống kê, tỉ lệ trẻ bị tiêu chảy cấp cao hơn so với cùng kì năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình trong 5 năm vừa qua.

PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, thời điểm này đang bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đã ghi nhận nhiều người đồng nhiễm từ 2-3 bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết, COVID-19, thậm chí là Adenovirus.

Vừa qua, các trường hợp nhập viện liên quan đến cúm, đặc biệt là cúm đồng nhiễm, rất cao, sau khi nhiễm COVID-19 rồi mắc cúm hoặc ngược lại.

“Nhiều người nhiễm COVID-19 đến lần thứ 3, thứ 4 vì trong khoảng thời gian đó người ta bị cúm, miễn dịch giảm, do vậy dễ lây nhiễm COVID-19 tiếp và dễ bị nặng hơn. Bản thân cơ thể chúng ta khi gánh một tác nhân (ví dụ virus cúm), có thể tiêu hao hết cả đội quân miễn dịch chống lại bệnh đó.

Do vậy, đến lúc nhiễm thêm tác nhân tiếp theo, cơ thể không còn miễn dịch để chống đỡ nữa, tình trạng bệnh nặng lên. Điều này không chỉ đúng khi đồng nhiễm COVID-19 với cúm, mà còn cả với bệnh khác nữa như sốt xuất huyết hay Adenovirus”, PGS Thái phân tích.

Nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm ảnh 2

Bệnh truyền nhiễm gia tăng thời gian gần đây. Ảnh: PV

Theo các bác sĩ, gần đây số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đã có một số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân mắc cúm A mà các bệnh viện tiếp nhận có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy.

TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trên thực tế, COVID-19 và cúm A đều là bệnh do virus gây ra và có triệu chứng tương tự, dễ gây nhầm lẫn. Khó có thể phân biệt cúm A và COVID-19 hay các bệnh hô hấp khác nếu chỉ dựa trên dấu hiệu. Để xác định, phải căn cứ trên kết quả xét nghiệm. Bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh thường trực quanh năm. Về mặt triệu chứng lâm sàng, bác sĩ Hải cho hay chủ yếu là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải là sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi. Ở các bệnh nhân diễn biến nặng có thể gặp triệu chứng của viêm phổi.

Tiêm vắc xin để giảm bệnh nặng

Số ca sốt xuất huyết tăng cao, 92 người tử vong

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy đến nay cả nước ghi nhận 224.771 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 92 bệnh nhân tử vong. So với cùng kì năm 2021, số mắc và tử vong đều tăng cao. Các chuyên gia cảnh báo tái nhiễm virus dengue có thể làm sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hằng năm từ tháng 7 - 11.

Tại Hội thảo khoa học cập nhật phòng tránh bệnh cúm mùa đông xuân năm 2022-2023 do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức, PGS.TS Bùi Vũ Huy, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cho biết ở Việt Nam, cúm mùa chủ yếu xảy ra vào mùa đông với bất cứ ai và ở bất kì độ tuổi nào.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, mô hình bệnh cúm phần nào được thay đổi nên cúm mùa có thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau trong năm. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc cúm vào mùa thu - đông vẫn sẽ cao hơn nhiều so với các thời điểm khác. “Cúm mùa tuy là bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đối với nhóm người có nguy cơ cao, trong một số trường hợp có thể tử vong”, TS Huy nói.

PGS.TS Phạm Quang Thái cho biết thêm: “Nếu cùng nhiễm 2-3 bệnh, nguy cơ bị nặng rất cao và khó khăn trong việc chỉ định dùng thuốc điều trị, bởi thuốc sử dụng được cho bệnh này nhưng lại không sử dụng được với bệnh kia”.

Do vậy, bác sĩ này khuyến cáo bằng mọi cách phải giảm nhiều nhất nguy cơ có thể, ví như cúm hay COVID-19 có thể dùng vắc xin; các bệnh khác có thể dùng phương án vệ sinh phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc… Tất cả các biện pháp vừa đặc hiệu, vừa không đặc hiệu sẽ giúp cho việc bảo vệ sức khỏe nói chung.

Ngoài ra, để phòng bệnh, người dân nên đi tiêm vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại. “Không vắc xin nào bảo đảm 100% vấn đề bảo vệ nhưng điều quan trọng nhất cho tới thời điểm này là các vắc xin đều bảo đảm phòng các tình trạng nặng, tử vong và nhập viện”, PGS Thái nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG