Nguyễn Tài Cẩn - Tài ba và lặng lẽ

GS Nguyễn Tài Cẩn lần gặp cuối
GS Nguyễn Tài Cẩn lần gặp cuối
TP - Thoạt đầu là hơi choáng với một chút run rẩy… Cảm giác ấy cứ đeo bám mãi không những lần được thụ giáo và diện kiến nhà ngôn ngữ học hàng đầu của nước Việt. Nhưng vẫn chẳng ít những tự tin ấm áp vì được thầy khơi gợi, được khuyến khích trao đổi, tranh luận.

 >> Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn về cõi vĩnh hằng

GS Nguyễn Tài Cẩn với các thế hệ học trò
GS Nguyễn Tài Cẩn với các thế hệ học trò . Ảnh: X.B

Hình như cảm giác ấy từng lấp ló trong đám học trò khoa Ngữ Văn khóa 17 chúng tôi từ cái ngày lạ lẫm tò mò chứng kiến cảnh cô giáo người Nga Nonna vợ thầy Cẩn xách giỏ móc cua ở cánh đồng thôn Sát Thượng - Hà Bắc ngày sơ tán...

Đám sinh viên mà hôm qua đang là nông dân như lứa chúng tôi phải nói là cực kỳ ngạc nhiên và ấn tượng khi ngó thấy một bà Tây nhưng người manh mảnh ăn vận xuề xòa trưa ấy đi móc cua ở cánh đồng lúa vừa bén xanh ở thôn Sát Thượng, huyện Yên Phong, Hà Bắc nơi lũ chúng tôi sơ tán.

Bà Tây người manh mảnh ấy là vợ thầy Nguyễn Tài Cẩn, giáo viên khoa Ngữ Văn. Văn và Ngữ khi ấy ngồi chung lớp sau này hòa bình về Hà Nội mới ngồi nghe giảng riêng. Tò mò nên chúng tôi tường thêm, cô giáo Nonna lấy thầy Cẩn từ những năm cuối thập kỷ 1950 ở Matxcơva khi thầy làm luận án Phó TS bên ấy, rồi theo chồng về Việt Nam.

Mặc dầu biết trước khi về nơi sơ tán Hà Bắc, vợ chồng thầy Cẩn từng qua những ngày gian khó ở Đại Từ, Thái Nguyên nơi khoa Ngữ Văn sơ tán nhưng một lần theo thầy Mai Cao Chương và mấy anh bạn nữa có việc đến nhà thầy và cô Nonan trọ, tôi vẫn ngạc nhiên lắm lắm...

Ngạc nhiên bởi cung cách sinh hoạt đơn giản và có phần tuềnh toàng. Cái dở là thầy trò chúng tôi đến đúng bữa trưa, người phụ nữ Nga dáng đài các vội đứng lên đậy vung lên cái xoong con đang bốc lên hơi cơm nấu bằng thứ gạo mậu dịch để lâu ngày đã hoai. Và thức ăn độc mỗi bát canh khoai tây bi nấu suông! Có một lúc ngồi riêng với chị chủ nhà, chị cười, cô giáo Nonna cái gì cũng biết làm lại còn xay thóc giã gạo giúp chúng tôi nữa...

Nói đài các không phải cái dáng thanh mảnh, cung cách duyên dáng của cô giáo Nonna Xtankevits. Sau này các thầy cho biết thêm, cô giáo Nonna vốn xuất thân từ một dòng họ quý tộc có máu mặt ở nước Nga là Xtankevits. Có lẽ yêu vì nết cảm vì tài, bà đã tự nguyện gắn bó đời mình với anh sinh viên xứ Nghệ Nguyễn Tài Cẩn!

Những là chịu khó cùng liên tài, bà không chìm lút bên nhà khoa học Việt Nam Nguyễn Tài Cẩn mà dần dà trở thành giáo viên Ngôn ngữ Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông, thông làu tiếng Hán cổ, nghiên cứu tiếng Việt và giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Việt Nam.

Năm tháng cứ vèo vèo. Những gì chúng tôi được biết về cô giáo Nonna sau này là qua ông bạn đồng khoa Nguyễn Huy Hoàng hiện sống ở Matxcơva, một học trò cùng quê Nghệ Tĩnh với thầy Cẩn. Hoàng cho biết, lần cô giáo theo chồng về quê, dân làng xúm đến xem, ai cũng ngạc nhiên về một bà Tây ăn mặc như phụ nữ ta, nói tiếng trọ trẹ như người xứ Nghệ, mà việc chi cũng thạo!

Sau khi về hưu, do sức khỏe kém, bà trở về Nga. Thầy Cẩn theo vợ về bên ấy để tiện cho các con chăm sóc.

Ấn tượng với Hoàng là hình ảnh cô giáo Nonna thời gian ở Hà Nội thường phải dậy thật sớm, đi tàu điện từ cuối phố Huế đến Bờ Hồ, sau đó chờ ôtô buýt vào Mễ Trì để lên lớp. Tính ra mỗi ngày, bà mất khoảng 5 giờ cho quãng đường đến lớp. Ở nhà, bà vừa là nhà khoa học kiêm nội trợ và... lao công.

Trở lại Nga, bà cùng thầy sống ở Saint Petersburg. Sau đó bà lại theo thầy về Matxcơva. Cuộc đời của bà là cuộc đời một con người lao động, tận tụy vì chồng con, là chỗ dựa tinh thần cho một nhà khoa học Việt Nam danh tiếng. Có lẽ đằng sau những công trình nổi tiếng của thầy là lấp lánh những chịu thương chịu khó của một cô dâu Nga, cô giáo Nonna Xtankevits.

Tôi không được thụ giáo thầy Cẩn như những sinh viên của khoa Ngôn ngữ và là những học trò yêu của thầy sau này như Vũ Đức Nghiệu trở thành Hiệu phó trường ĐHKHXH&NV. Khoa Văn, mỗi tuần chỉ có vài tiết ngôn ngữ nhưng thầy Cẩn, với phương pháp sư phạm hơi bị lạ đã cuốn hút chúng tôi với những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học.

Hoặc như có người nhận xét sau này rằng thầy Cẩn là ông phù thủy cung cấp những phương tiện cơ bản để đạt để tìm tòi những cảm thức này khác!

Mùa nực, mỗi bận lên lớp thầy đánh độc chiếc quần soóc, hai tay đút túi sải những bước dài khoan thai trong đôi dép rọ… Chiếc mùi soa (chắc nguyên thủy của nó là màu sáng?) đã trở nên lem luốc và thoắt thành thứ giáo cụ trực quan để trợ giúp cho ý tưởng nào đó mà thầy muốn truyền đạt! Thế mà cả lớp như bị thôi miên.

Tác phẩm chính của GS Nguyễn Tài Cẩn

- Từ loại Danh từ trong tiếng Việt hiện đại, 1975.
- Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ, 1975 (tái bản nhiều lần).
- Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, 1979.(tái bản nhiều lần).
- Một số vấn đề về chữ Nôm, 1985.
- Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), 1995.
- Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, 1998.
- Tìm hiểu kĩ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thuỷ của Thiệu Trị, 1998.
- Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá, 2001.
- Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872, 2002.
- Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, 2004.

Bây giờ bừng con mắt dậy thấy mình vẫn tay không bởi hằng bao năm giời vẫn chi dùng thời giờ cho thứ đam mê vớ vẩn là đánh vật với thứ chữ tượng hình, tôi giật mình hình như đã bị thầy Cẩn ám cho từ hồi ấy?

Hồi ấy loạt bài giảng với chuyên đề Cách đọc chữ Hán Việt bắt nguồn từ đâu? của thầy Cẩn khiến nhiều trò đâm đam mê địa hạt chữ tượng hình! Ngoài giờ nghe giảng, chúng tôi còn tìm đến nhà thầy để tiếp tục cái không khí như bị lên đồng và thôi miên ấy!

Chợt nhớ chị chủ nhà nơi gia đình thầy sơ tán ở Yên Phong hồi ấy vừa cười vừa chỉ cho chúng tôi thấy cái chổi làm bằng cây thanh hao dựng ở góc nhà. Cái chổi cùng câu chuyện chị chủ nhà gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt! Ấy là thường ngày, thầy Cẩn vẫn có thói quen dùng thứ bút khổng lồ cách điệu là chiếc chổi xể đó để luyện chữ Hán!

...Chất giọng Khu Tư gấp gấp của thầy Nguyễn Hùng Vĩ, một học trò yêu của thầy báo tin thầy Cẩn vừa ở Mát về đang ở một nhà bà con mạn ngoại thành. Trong bộ đồ mặc nhà, thầy như xanh gầy hơn nhưng sao tôi cứ có cảm giác, nét dáng thầy vẫn như gần 40 năm trước lần đầu được gặp?

Thầy về có một mình, ít bữa nữa sẽ sang lại Mát. Thầy trò tíu tít, chuyện nối chuyện... Sau bao năm gặp lại, thầy Cẩn vẫn là một nguồn ngạc nhiên tiềm tàng! Những biến cải này khác của nước Nga của Mát, đời sống riêng hoàn cảnh riêng bao vất vả có lúc gian nan mà ông thầy chúng tôi, lúc ấp iu lúc nồng đượm vẫn nguyên vẹn ngọn lửa nhiệt tình vẫn uyên bác và dẫn đầu ở nhiều lĩnh vực ngôn ngữ học trong đó có Việt ngữ học và Hán-Nôm.

Tại nước Nga và nhiều nơi trên thế giới, người ta vẫn tìm vẫn liên hệ với con người từng thông thái các phương diện đồng đại và lịch đại trong nhiều địa hạt ngôn ngữ ngữ pháp, ngữ âm, từ nguyên, văn tự... như Nguyễn Tài Cẩn.

Chợt nhớ câu chuyện của Nguyễn Huy Hoàng, ở Saint Petersburg, thầy sống trong căn hộ hai buồng đơn sơ. Trên bàn của thầy đầy các loại phong bì thư gửi từ khắp các châu lục đến, ngoài chỉ đề vẻn vẹn: RussiaLeningrad- Nguyen Tai Can. Thế mà tất cả những bức thư mang địa chỉ một thành phố ngót nghét bảy triệu dân vẫn đều đến tận tay thầy, một ông già ngoại quốc nhỏ bé sống lặng lẽ trên một khu phố bình thường!

Trong câu chuyện hình như có ai trong đám trò nhắc đến hai nhân vật đồng thời cũng là hai học trò của thầy. Một là GS Nguyễn Minh Thuyết (Phó Chủ nhiệm UBVHGD Thanh thiếu nhi của Quốc hội) trong một phỏng vấn đã bộc bạch rằng, nếu không được gặp và thụ giáo với GS Nguyễn Tài Cẩn để vững tâm với địa hạt ngôn ngữ học thì có lẽ đời ông đã ngoặt sang một hướng khác?

Người thứ hai là bà Barbara Niedeer, người Pháp gốc Thụy Sĩ. Hiếm một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lại thông thạo tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, biết cả tiếng Trung Quốc, Việt, H’Mông, Dao. Hiện bà đang làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và là học trò yêu của GS A.G.Haudricourt, nhà Đông phương học nổi tiếng thế giới. GS cũng là chỗ quen biết với thầy Cẩn.

Được GS Haudricourt gợi ý, bà sang Việt Nam viết luận án tiến sĩ về tiếng H’Mông-Dao. Để thực hiện công trình nghiên cứu của mình, bà từng sống nửa năm trên bản H’Mông cao chót vót. Sang Việt Nam, được tiếp xúc với thầy Cẩn, bà Barbara chia sẻ trong một bài phỏng vấn những cảm giác cực kỳ ấn tượng về kiến thức uyên bác cùng cung cách làm việc khoa học của GS Nguyễn Tài Cẩn khi dịch một cuốn sách của thầy sang tiếng Pháp.

Tôi nhớ khi nghe kể lại, ông thầy của chúng tôi, dường như không có cái khả năng nhấm nháp hay hưởng thụ bất kỳ thứ gì của mình, thuộc về chính mình mà chỉ buông hai từ thế à rồi tiếp cái mạch chuyện khác... Nối tiếp phần đêm gặp các trò cũng là những câu chuyện như truyền thứ lửa nhiệt tình đam mê với công việc mà ở tuổi bát tuần như thầy dường như chưa lúc nào vơi vợi?

...Trước tin dữ ở Mát lan về xin được nghĩ về thầy như một cách khơi gợi lại thứ lửa ấy?

Đêm 27-2-2011

GS Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 2-5-1926 tại làng Thượng Thọ, Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An. Ông bắt đầu dạy học từ năm 1949. Năm 1952, ông được bổ nhiệm làm trợ lý Đại học lớp đầu tại Liên khu Bốn, năm 1953-1954 là Trưởng phòng chuyên môn của Khu Giáo dục Liên khu Bốn.

GS Nguyễn Tài Cẩn lần gặp cuối
GS Nguyễn Tài Cẩn lần gặp cuối.

Từ năm 1955 đến năm 1960, được Bộ Giáo dục cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên của nước ta tại Liên Xô (Trường Đại học Tổng hợp Leningrad). Năm 1960, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về Ngôn ngữ học.

Từ năm 1961 đến năm 1971 là Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, được Nhà nước phong học hàm Giáo sư. Trong các năm 1982, 1988-1990, ông được mời thỉnh giảng tại Trường Đại học tổng hợp Paris 7 (Pháp) và Viện Đại học Cornell (Hoa Kỳ).

Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt.

GS Nguyễn Tài Cẩn là một trong những chuyên gia đầu ngành của Ngôn ngữ học nước ta, ông đã đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Hán Nôm.

Ông có công lớn trong việc xây dựng chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ học của Trường ĐHKHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS Nguyễn Tài Cẩn mất ngày 25-2-2011 tại Matxcơva.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG