Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh nói chuyện với sinh viên tại trường Đại học Thương mại. |
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của những kiến thức mà trường học trang bị cho mỗi chúng ta, nhưng trên thực tế đó chỉ là nền tảng quan trọng ban đầu của mỗi người để chúng ta tiếp tục có thêm 90% kiến thức còn lại.
Kỹ năng đầu tiên là Tự học. Tiến sĩ Alok Bharadwaj – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á, Phó Chủ tịch tập đoàn Canon châu Á, tác giả sách nhiều cuốn sách best-seller – cho biết sau hơn 30 năm làm việc tại nhiều tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới thì ông nhận thấy rằng công thức 10:20:70 đúng tuyệt đối. Đây là một công thức nói về hành trình học tập suốt đời của mỗi chúng ta. Những gì học được ở trường lớp chính quy (từ lớp 1 đến lớp 12, rồi đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ) chỉ chiếm 10% kiến thức của mỗi người, 20% kiến thức đến từ những người xung quanh (bố, mẹ, anh, chị, em, bạn bè, đồng nghiệp…), 70% kiến thức còn lại đến từ những công việc mình làm hằng ngày. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của những kiến thức mà trường học trang bị cho mỗi chúng ta, nhưng trên thực tế đó chỉ là nền tảng quan trọng ban đầu của mỗi người để chúng ta tiếp tục có thêm 90% kiến thức còn lại. Có nghĩa là việc tự học ở “trường đời” sẽ quyết định đến lượng kiến thức và thành công của mỗi người. Chỉ cần một thoáng chủ quan, tự phụ không chịu tự học thì ai cũng sẽ bị bỏ lại phía sau. Còn nếu chịu khó tự học đúng phương pháp thì cơ hội thành công luôn rộng mở với tất cả chúng ta. Ngày nay, chỉ cần một chiếc máy tính được kết nối với mạng Internet, ai cũng có thể tiếp cận những nguồn tri thức vô tận, đa số là miễn phí. Học cái mình cần, mình thích, theo cách mình muốn... chưa bao giờ dễ dàng đến vậy. Trong thời đại số chỉ có một điều chúng ta chắc chắn sẽ không thay đổi, đó là mọi thứ sẽ thay đổi, thậm chí thay đổi rất nhanh. Chỉ bằng cách tự học không ngừng chúng ta mới thích nghi được với những thay đổi của thế giới xung quanh.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh. |
Hãy biết nghi ngờ, hãy chậm lại một nhịp để bảo vệ mình và bảo vệ những người xung quanh trước những thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Kỹ năng thứ hai là Nghi ngờ khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội. Trước đây, chỉ các nhà báo mới có thể thực hiện được các sản phẩm truyền thông để đăng tải trên các báo, đài chính thống và số lượng tin bài cũng không nhiều (sau khi qua nhiều khâu biên tập). Thời đại số, với sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội, khiến ai cũng có thể trở thành “nhà báo”, người sản xuất thông tin cho chính kênh truyền thông của mình là các trang cá nhân, số lượng tin bài được đăng cũng nhiều hơn gấp bội (trong đó có cả những thông tin chưa được/kịp kiểm chứng). Tin tức bủa vây tất cả chúng ta 24/24 giờ và trong số những thông tin đó có nhiều thông tin không/chưa chính xác, tin xấu, tin độc… Ngày nay, thật là sai lầm nếu đọc một thông tin trên mạng xã hội, chúng ta lại tin ngay lập tức và vội vàng chia sẻ. Hãy biết nghi ngờ, hãy chậm lại một nhịp để bảo vệ mình và bảo vệ những người xung quanh trước những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Cách tiếp cận thông tin tốt nhất là từ các trang mạng xã hội của những cơ quan báo chí, truyền thông uy tín; những trang cá nhân của những nhân vật uy tín được cộng đồng công nhận… Tất nhiên, ngay cả những kênh này đôi khi cũng có những sai sót, nhưng về cơ bản thì đáng tin cậy hơn những nguồn thông tin trôi nổi khác đang xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội, “mời” bạn tiếp cận từng giây, từng phút. Có một cách để chúng ta tăng khả năng miễn dịch với các thông tin không chính xác, xấu, độc là tự học để tăng thêm kiến thức. Vốn hiểu biết của mỗi chúng ta tăng lên, đó chẳng khác gì một liều vaccine cực mạnh. Bạn nên xem lại kỹ năng thứ nhất (Tự học) trong bài viết này nhé!
Bài viết được đăng trên báo Tiền Phong Xuân Quý Mão 2023. |
Đừng đến lớp học muộn, đừng nộp bài tập muộn, đừng đến gặp nhà tuyển dụng muộn, đừng đến cuộc hẹn muộn, đừng bỏ lỡ việc đọc một cuốn sách, một buổi tập thể thao đã được lên kế hoạch từ trước… chỉ vì không vượt qua được những “cám dỗ” đến từ thế giới mạng.
Kỹ năng thứ ba là quản trị thời gian. Thời gian là thứ quý giá vô cùng, khi các trò giải trí, tiêu khiển có độ hấp dẫn ngày càng tăng cứ xuất hiện đầy rẫy trên máy điện thoại thông minh (hầu hết bạn trẻ nào bây giờ cũng có tối thiểu một chiếc). Sáng mở mắt dậy, chỉ cần bật điện thoại lên là bạn sẽ bị lạc ngay vào một ma trận thông tin thú vị đến từ các trang mạng xã hội. Những trang mạng này thông minh đến nỗi chúng biết sở thích của bạn, chỉ cung cấp cho bạn những thứ bạn thích, chúng kéo bạn đi vào một mê cung bất tận rất khó cưỡng lại được… Nếu bạn không biết quản trị thời gian, không tự nghiêm khắc với bản thân thì bạn sẽ luôn bị lỡ kế hoạch, bị bỏ mất những việc quan trọng đáng ra phải làm xong rồi. Đừng đến lớp học muộn, đừng nộp bài tập muộn, đừng đến gặp nhà tuyển dụng muộn, đừng đến cuộc hẹn muộn, đừng bỏ lỡ việc đọc một cuốn sách, một buổi tập thể thao đã được lên kế hoạch từ trước… chỉ vì không vượt qua được những “cám dỗ” đến từ thế giới mạng. Cho đến tận bây giờ, hằng ngày, vào mỗi buổi sáng tôi vẫn phải làm một công việc thủ công là ghi các đầu việc cần làm trong ngày theo thứ tự ưu tiên vào sổ, sau khi làm xong một việc, tôi sẽ lấy bút gạch đi. Khi có những việc quan trọng cần tập trung, tôi thường tạm thời ngắt kết nối mạng. Ấy vậy mà đôi lúc tôi vẫn bị cuốn đi khi mở điện thoại hay máy tính kết nối mạng. Để có thể quản trị tốt thời gian của bản thân một cách phù hợp nhất thì vẫn phải tự tìm hiểu. Bạn nên xem lại kỹ năng đầu tiên (Tự học) nhé.
Đặc san Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất (tác giả Nguyễn Tuấn Anh) do báo Tiền Phong xuất bản và phát hành. |
Trong thời đại số nếu bạn không biết cách làm cho mình nổi bật thì làm bất cứ việc gì cũng khó, thậm chí bạn muốn cho đi, muốn cống hiến cũng chẳng ai nhận.
Kỹ năng thứ tư là làm mình trở nên nổi bật. Nổi bật ở đây không có nghĩa là “làm màu”, đánh bóng tên tuổi, sống ảo… mà là làm nổi bật những giá trị, những thế mạnh của bản thân. Trong thời đại số nếu bạn không biết cách làm cho mình nổi bật thì làm bất cứ việc gì cũng khó, thậm chí bạn muốn cho đi, muốn cống hiến cũng chẳng ai nhận. Để làm mình nổi bật thì việc đầu tiên phải làm là tìm ra được USP (Unique Selling Point - Lợi điểm bán hàng độc nhất) cho bản thân. USP ở đây được hiểu là những thứ chỉ mình có, người khác không có, hoặc người khác cũng có nhưng không giỏi, không tốt bằng mình. Làm sao để biết đã tìm ra đúng USP của mình (hầu hết mỗi chúng ta chỉ có một USP thôi)? Với kỹ năng tự học, bạn có thể “lên mạng” tìm được nhất nhiều công cụ để tìm hiểu bản thân, để tìm ra USP của mình như MBTI, DISC, SWOT, Sinh trắc học, Thần số học… Nhưng tất cả chỉ nên coi tài liệu tham khảo thôi, vì khi bạn hành động, bắt tay vào việc cụ thể thì bạn mới biết đó có phải là USP của mình không. Sau khi tìm ra được USP rồi thì bạn lại phải “mài giũa” để USP của mình phát triển lên mức cao nhất. Đây là giai đoạn kỹ năng tự học được phát huy cao độ. Giai đoạn tiếp theo là đưa USP (sau khi đã được “mài giũa”) đến với công chúng, cộng đồng… USP của bạn càng có giá trị (được cộng đồng công nhận) thì bạn càng nổi bật, lúc này bạn làm việc gì cũng dễ. Bạn có thể tìm đọc cuốn đặc san Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất (tác giả Nguyễn Tuấn Anh) do báo Tiền Phong xuất bản và phát hành để hiểu sâu hơn về vấn đề này.
Ngoài bốn kỹ năng trên thì người trẻ hiện nay cũng cần trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như: Tập trung khi làm bất cứ việc gì; Tạo dựng các mối quan hệ; Tự chịu trách nhiệm (không đổ lỗi); Tự chăm sóc và yêu quý bản thân; Giao tiếp hiệu quả; Đọc sách…