Nhà có F0

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tin rằng đến một lúc nào đó thời gian trôi qua đời sống mọi thứ trở lại bình thường, nhìn lại "mặt trận" chống dịch tháng ngày này chắc nhiều người chúng ta sẽ thấy như một "thời xa vắng" nào đó.

Hôm qua gần 14 ngàn ca mới, con số vốn gây chấn động chỉ mới tháng trước, giờ ít thấy ai xao động. Dù công tác phòng chống dịch vẫn tích cực tăng cường, những người lính quân y lại lên đường chi viện cho phía Nam.

Hôm trước dự hội thảo tại một trường đại học, có nữ giảng viên trực tuyến từ TPHCM mặt tươi rói, lúc nào cũng cười. Đến cuối phần phát biểu của mình cô khoe "em đang F0 đây". Lớp báo chí trực tuyến tôi đang thỉnh giảng hôm qua thấy thiếu một sinh viên nhà ở tận Vũng Tàu. Hỏi ra thì cậu cũng mới dính F0 đang tự chữa tại nhà. Chắc buổi tới đây sẽ lại góp mặt với lớp.

Hà Nội hồi tháng 9 dự định treo biển cảnh báo nhà có người về từ vùng dịch TPHCM, Đà Nẵng lập tức bị dư luận phản đối, phải bỏ. Nhưng đến nay khắp tỉnh thành biển đỏ treo trước nhà những F0 thể nhẹ tự điều trị, có nơi ghi thẳng "Nhà có F0 đang cách ly điều trị", vẫn bình thường!

Đó có lẽ mới là ý nghĩa thực chất của "bình thường mới", nhưng bình thường ở cấp độ cao hơn. Con người dường như đã lấy lại khả năng kịp thích nghi vốn có của mình. Tất nhiên ký ức nhân loại cho tới mỗi gia đình, mỗi cá nhân thì vết thương vẫn âm thầm nhức nhối.

Biến thể mới Omicron đã xuất hiện tiếp tục đe dọa loài người. Omicron là ký tự chữ cái, là con số trong toán học, và còn được gắn vào tên của những chòm sao.

Như chòm sao Tiên Nữ Omicron Andromedae mang hình một thiếu nữ khỏa thân bị xích vào vách đá sóng biển quất trắng xóa, như là cách để làm mờ mắt quái vật khỏi xâm hại dân lành.

Andromeda là công chúa cực kỳ xinh đẹp trong truyền thuyết Hy Lạp, mang thân phận như Huyền Trân công chúa hy sinh thân mình vì giang sơn. Chính nàng sau này trở thành cảm hứng tuyệt vời cho nền hội họa và thi ca Phục hưng.

"Nhà có F0", cái biển báo treo trước nhà giờ đây khiến tôi liên tưởng tới lá cờ vàng sọc đen cảnh báo dịch "thổ tả" trên boong con tàu gỗ chạy mãi mãi trên dòng sông Magdalena xứ Columbia, khi dịch tả đang hoành hành khắp nơi trong tiểu thuyết "Tình yêu thời thổ tả" của Garcia Marquez. Đó là đại dịch có thật kéo dài nhiều thập kỷ ở châu Âu, châu Á thế kỷ 18 cướp đi sinh mạng nhiều triệu người.

Trên con tàu cắm lá cờ ai cũng phải dạt xa ấy là hai người già, tái ngộ sau thời gian 53 năm 7 tháng 11 ngày-đêm mối tình non trẻ của họ bị số phận làm cho đứt đoạn...

"Trong thảm họa tình yêu càng trở nên vĩ đại và quý giá hơn". Một câu thật “sến sẩm” mà ông lão tình nhân 80 tuổi Florentino Ariza thốt lên giữa khung cảnh vừa thơ mộng lẫn quái dị dưới bóng cờ “thổ tả”. Sau khi ông lão đã trải qua cả thảy 622 mối tình lớn nhỏ trong suốt cuộc đời mình như cách để quên đi mối tình duy nhất đã mất.

Nhưng không chỉ tình yêu. Qua thảm họa, con người càng trở nên trầm tĩnh, trưởng thành hơn.

MỚI - NÓNG