Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp: Chuyện không dễ?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Nếu không cẩn thận, suy nghĩ kĩ thì việc đặt ra giấy phép hành nghề giáo viên sẽ làm giáo dục rối loạn và nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới trong khi các vấn đề cũ vẫn chưa được giải quyết. Điều đó ngăn cản cải cách giáo dục tiến về phía tiến bộ và không đạt được hiệu quả cao"- chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương nói.

Trước nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, các giáo viên là người trong cuộc cho rằng, điều mà giáo viên như thầy đang băn khoăn nhất đó là cách tổ chức, quản lý vấn đề này sẽ như thế nào cho hiệu quả. Bởi việc cấp chứng nhận, chứng chỉ thì dễ nhưng đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo dẫn tới cấp chứng nhận mới thực là là khó, là một điều đáng phải suy nghĩ nhiều nhất.

“Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không phải là một giấy phép con. Việc cấp giấy chứng nhận này đảm bảo nguyên tắc đơn giản, miễn phí và sử dụng suốt đời”, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Trước vấn đề đang gây tranh cãi, PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn ông chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương về vấn đề này?

Đơn giản hay không đơn giản?

PV: Trước nội dung được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp đang nhận được ý kiến trái chiều. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Tôi không ủng hộ chuyện đặt ra và thực hiện giấy phép hành nghề giáo viên ở Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại. Có thể trong tương lai 10-15 năm nữa khi giáo dục đi vào quỹ đạo cải cách và đạt được các nền tảng cơ bản chuyện này mới trở nên cần thiết.

Cái cần thiết đáng làm nhất lúc này là cải thiện đời sống giáo viên (Lương, thưởng) và cải thiện môi trường làm việc của họ (dân chủ hóa, tôn trọng quyền tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá), tôn trọng, nâng đỡ thúc đẩy thực tiễn giáo dục của giáo viên (để phát huy mặt tích cực của cơ chế một chương trình-nhiều sách giáo khoa).

Nếu muốn “tăng cường quản lý” để cải cách giáo dục thì việc đầu tiên phải làm là tách dạy-học thêm ra ngoài hệ thống trường phổ thông công lập.

PV: Đại diện Cục nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo đảm bảo nguyên tắc đơn giản , miễn phí và sử dụng suốt đời và không phải là giấy phép con. Điều này có tính hợp lý không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Nói là như vậy nhưng nếu nó đơn giản như vậy thì cũng không cần thiết. Giấy phép đặt ra là để chọn lấy những người đủ tư cách hành nghề và loại bỏ người không đủ tư cách như một cách ngăn chặn người xấu hoặc trừng phạt người vi phạm.

Như vậy không có chuyện đặt ra đơn giản, xét duyệt đơn giản và nhận thức đơn giản về nó được. Hơn nữa, theo hiểu biết của tôi thì giấy phép hành nghề thường không có giá trị vĩnh viễn. Ở Nhật người ta còn thực hiện thi đổi giấy phép giáo viên kia mà.

Đi ngược lại xu thế cải cách xây dựng giáo dục hiện đại

PV: Nói như vị đại diện của Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) là theo thông lệ giấy chứng nhận này được cấp bởi các hội nghề nghiệp nhà giáo thì có đáng tin không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Với khung pháp lý của Việt Nam hiện tại thì chuyện có được hiệp hội nghề giáo viên là chuyện không dễ có. Hơn nữa để hiệp hội đó có một vị trí độc lập tương đối với khối quản lý hành chính và đào tạo (các trường đào tạo giáo viên) cũng không là chuyện đơn giản.

Ngay cả ở Nhật Bản nơi giáo dục đã tiến rất xa, hệ thống quản lý giáo dục của họ đã rất phát triển nhưng họ cũng chưa có tổ chức nghề nghiệp của giáo viên đúng nghĩa như nghề y và nghề luật. Chính vì vậy mà nơi cấp giấy phép hành nghề giáo viên vẫn là Ủy ban giáo dục địa phương (giống như Sở giáo dục và đào tạo ở Việt Nam nhưng có vị trí độc lập tương đối so với cơ quan hành chính địa phương). Bộ giáo dục Nhật không có chức năng xét duyệt và cấp phép hành nghề giáo viên.

Tóm lại, nếu không cẩn thận, suy nghĩ cho kĩ thì việc đặt ra giấy phép hành nghề giáo viên này sẽ làm cho giáo dục rối loạn và nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới trong khi các vấn đề cũ vẫn chưa được giải quyết. Điều đó ngăn cản cải cách giáo dục tiến về phía tiến bộ và không đạt được hiệu quả cao.

PV: Ông có nói, nếu giấy chứng nhận sau này có đưa vào Luật giáo dục, không cẩn thận, suy nghĩ cho kĩ thì việc đặt ra giấy phép hành nghề giáo viên này sẽ làm cho giáo dục rối loạn và nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới? Những vấn đề đó cụ thể là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Giáo dục ở Việt Nam muốn cải cách phải giảm quyền lực của cơ quan hành chính giáo dục mà đầu tiên là Bộ GD&ĐT để kích thích tính tự chủ, năng động, tự trị của địa phương, trường

"Tăng cường quản lý" tư duy theo lối mòn trong nghiên cứu giáo dục và làm chính sách là đi ngược lại xu thế cải cách xây dựng giáo dục hiện đại

Nếu việc quy định giấy phép thực hiện được thì một là nó trở thành một hình thức-gánh nặng về thủ tục gây phiền hà.

Hai là nó thành một thứ làm cho nghề giáo thêm nặng nề, mất sức hấp dẫn và triệt tiêu động lực sáng tạo của giáo viên vì lo sợ bị trừng phạt, tước giấy phép...

Tóm lại không có lợi cho sự phát triển của giáo dục.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Bắc Giang. Anh đã dịch và viết khoảng 80 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu có thể kể như:

- Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Thư nhà…

- Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam…

Giải thưởng: giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản.

MỚI - NÓNG