Đây là sáng tạo của hai sinh viên ngành Kiến trúc, trường ĐH Xây dựng miền Tây: Nguyễn Minh Hoàng (lớp KT14D01) và Đặng Minh Thuận (lớp KT14D02).
Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Dự án của Hoàng và Thuận mang tên “Nhà lưỡng cư thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Là những người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, Đặng Minh Thuận và Nguyễn Minh Hoàng thấu hiểu những mối đe dọa thường trực với đời sống người dân. Hằng năm, lũ mang đến sản vật, phù sa bồi đắp nhưng cũng có những mất mát, hư hại mà dòng nước cuốn đi. Trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu, thiệt hại sẽ càng lớn và sự khó lường nằm cả trong dự đoán lẫn ứng phó của người dân nơi đây.
Theo Thuận, ĐBSCL là vùng đất thấp ven biển, được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra, cũng là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ tổn thương nhất trước các thảm họa thiên nhiên. Mực nước biển dân lên hằng năm sẽ làm giảm diện tích đất tự nhiên ở đây, ngập lụt nhiều hơn. Nếu nước biển dâng từ 73cm - 100cm vào năm 2100 (năm cuối thế kỷ 21) sẽ có 39% diện tích đất đai ngập lụt, 35% dân số chịu ảnh hưởng xấu do thời tiết phức tạp, ngày một cực đoan hơn, không theo quy luật thông thường. Dự báo, trong vài chục năm tới, ở ĐBSCL, nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn diện tích, dẫn đến thu hẹp đất đai nông nghiệp. Những tính toán của các nhà khoa học cho thấy, sẽ có khoảng 15.000 - 20.000 km2 đất thấp ven biển “mất tích”. Chưa kể, sự thất thường không theo quy luật của lưu lượng nước trên các con sông sẽ giảm 2 - 24% vào mùa khô nhưng sẽ tăng từ 7 - 15% vào mùa lũ. Sự thay đổi lớn này sẽ đe dọa cuộc sống, sinh kế và chỗ ở của hàng triệu người dân. Thuận và Hoàng đã tìm hiểu từ nhiều nguồn và thống kê: Từ 2010 đến nay, diễn biến sạt lở ở ĐBSCL tăng vọt, tốc độ xói mòn cao làm tăng diện dích bờ biển, vượt xa tốc độ bồi lắng của các con sông, khiến cho vùng đất này hằng năm mất đi một diện tích tương đương… 300 ha.
"Dự án “Nhà lưỡng cư thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL” mà tụi mình nghiên cứu nhằm mục đích giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo, họ là những người yếu thế trong xã hội và chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tụi mình cũng nhắm đến đối tượng là công nhân, nông dân, những người sống ở vùng bão, lũ”, Đặng Minh Thuận thuyết trình về đề tài của nhóm. Dự án sẽ được thi công lắp ghép tại chỗ, sử dụng vật liệu nhẹ, bền với thiên nhiên, chi phí phù hợp với khả năng của người dân, được chuyển giao công nghệ và sản xuất hàng loạt trong tương lai.
Hiệu quả cao, giá hợp lý
Theo Minh Hoàng, trước đây, thói quen của người dân ĐBSCL là tìm cách ứng phó với lũ. Nhưng đó là quy luật tự nhiên nên dần dần, thay vì phòng chống, cần chuyển sang “chung sống với lũ”, thích nghi với tự nhiên bằng các phương thức khác nhau. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu gây ra những tác động khó lường hơn hẳn. Yếu tố “lưỡng cư” được hai tác giả đưa vào dự án với ý nghĩa giúp cho đối tượng thụ hưởng có thể thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau. Với sáng tạo này, người dân có thể ở, làm nông nghiệp trên chính căn nhà, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tính mạng con người và an ninh kinh tế cho vùng được bảo đảm trước biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng.
Ngôi nhà lưỡng cư của Hoàng và Thuận được thiết kế trên hệ thống trục di động tự nâng hạ ở 4 góc nhà. Ở phía dưới được gắn hệ thống phao làm bằng các phuy nhựa. Vật liệu thi công kết cấu là vật liệu nhẹ, dễ kiếm và dễ thay thế. Hai bạn cho biết, thực tế, cách thiết kế này không mới, nhiều vùng ở ĐBSCL đã sử dụng. Tuy nhiên, điểm độc đáo và khác lạ mà hai bạn đưa vào là hệ thống công trình sinh hoạt và trồng trọt được tích hợp trong kết cấu ngôi nhà. Trên mái nhà là hệ thống các khay trồng rau. Bất kể mùa nắng hay mưa, người dân có thể trồng rau, tạo nguồn thực phẩm, đồng thời làm mát cho ngôi nhà. Vào mùa lũ, hệ thống này sẽ đảm bảo phần nào nhu cầu rau xanh cho gia đình. Kinh phí để xây dựng một căn nhà “lưỡng cư” này khoảng 3 – 5 triệu đồng/m2, tùy loại.
“Mức kinh phí này tụi mình đã tính toán kỹ dựa trên nhu cầu và giá trị vật liệu xây dựng, phù hợp với khả năng của đa phần người dân. Tuổi thọ ngôi nhà có thể đến hơn 30 năm. Việc vận hành ngôi nhà khi nước dâng lên không có gì đáng ngại. Hệ thống phao sẽ dễ dàng nâng toàn bộ ngôi nhà mà người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Người sử dụng chỉ cần bố trí vật dụng sinh hoạt trong nhà hợp lý để tránh hư hỏng, tốn thời gian dọn dẹp. Với giá trị mang lại, dự án sẽ thu hút gần 70% người dân và nhu cầu đầu tư vốn”, Hoàng cho biết.
Mô hình nhà lưỡng cư được Thuận và Hoàng thực nghiệm tại ấp Lợi Hòa, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) và kết quả thu được khả quan, hầu như không phải chỉnh sửa nhiều và vận hành tốt khi mực nước dâng cao. Từ kết quả thực nghiệm này, nhóm nhận định, việc hiện thực hóa và sản xuất hàng loạt nhà lưỡng cư là điều hoàn toàn có thể thực hiện, giúp giảm đáng kể giá thành, còn khoảng 50 triệu đồng/nhà, diện tích 20m2. Dự án của nhóm được các giảng viên và người dân ở Tháp Mười đánh giá cao và giành giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp – CiC 2018”, do ĐHQG TP. HCM tổ chức, đầu tháng 9/2018.
Nhóm tác giả giành giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp – CiC 2018”, với dự án “Nhà lưỡng cư thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.