Những năm qua, ngành công nghiệp có sự phát triển vượt bậc, cả nước hiện có khoảng 1.130 khu, cụm công nghiệp, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động. Vì vậy, vấn đề bố trí nơi ở cho công nhân luôn được quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhà ở công nhân được xây dựng trong đề án 1 triệu nhà ở xã hội. |
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng. Vẫn còn nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá thành thuê nhà khoảng 1,5-4 triệu đồng/tháng, chiếm tới 25-30% thu nhập của công nhân, người lao động… khiến cuộc sống sinh hoạt của họ càng eo hẹp, khó khăn hơn.
Nhu cầu lớn nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp nhưng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay có 3 dự án nhà ở công nhân được khởi công xây dựng trong 10 tháng vừa qua, gồm: 1 dự án tại Hải Phòng (2.538 căn hộ), 1 dự án tại Bình Định (1.500 căn hộ), 1 dự án tại Bắc Giang (7.000 căn hộ).
Cũng theo Bộ Xây dựng, với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành là 2,7 triệu m2 (đáp ứng khoảng hơn 340.000 người lao động), tức mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp. Hầu hết số lượng công nhân còn lại hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để triển khai nhà ở công nhân trong đề án đầu tư phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; giao cho các địa phương từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Chẳng hạn như dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở công nhân, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai đầu tư phát triển nhà ở công nhân.
Về việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân, sửa đổi, bổ sung quy định về đất dành để phát triển nhà theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, coi chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương….
Bổ sung quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.
Vốn với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ thông qua các ngân hàng thương mại, hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và hỗ trợ đối tượng mua nhà ở công nhân với mức lãi suất giảm hơn so với mức bình thường từ 1,5%-2%.
Trong quá trình triển khai gói này cũng phát sinh một số vấn đề và Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hướng dẫn, giải đáp.
Ngoài gói hỗ trợ trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết thêm, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị Quyết, hỗ trợ hộ gia đình mua nhà ở cho công nhân trị giá 15.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm...
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng giảm các điều kiện khi thuê, mua nhà ở công nhân. Cụ thể, trường hợp mua, thuê mua nhà ở công nhân chỉ phải đáp ứng 2 điều kiện (nhà ở, thu nhập), trong đó điều kiện về thu nhập là thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Nếu thuê nhà lưu trú công nhân, thì chỉ cần có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp là đủ điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân trong thời gian làm việc (không quy định điều kiện về nhà ở, thu nhập).