Hồ sơ cá nhân
Hồ sơ cá nhân (CV) thể hiện đầy đủ thông tin về học vấn và kinh nghiệm là bước đầu tiên để các nhà tuyển dụng đánh giá về trình độ, kinh nghiệm của bạn và quyết định các điều kiện cơ bản đó có phù hợp với vị trí mình đang tuyển dụng hay không.
Thường nhà tuyển dụng có xu hướng muốn tìm kiếm ứng viên đã có kinh nghiệm. Do đó họ sẽ xem xét rất kỹ phần này, nếu đã có kinh nghiệm làm việc thì nên ghi cụ thể cùng với thành tích đạt được để nhà tuyển dụng tham khảo.
Ngoài ra, cách trình bày hồ sơ cũng rất quan trọng, thể hiện tính cách và trình độ ứng viên. Chú trọng từ ngữ, lỗi chính tả và cách hành văn đảm bảo rằng nó được trình bày khoa học nhất, chỉ với một lỗi nhỏ là bạn đã bị mất điểm.
Cách bạn trả lời các câu hỏi
Cách ứng viên trả lời câu hỏi trong buổi phỏng vấn chứng tỏ được trình độ và khả năng giao tiếp. Nó còn thể hiện được những quan điểm và suy nghĩ của bản thân về vấn đề nhà tuyển dụng quan tâm. Đây là cách để nhận biết các đặc điểm nổi bật của một người, chẳng hạn thông minh, quyết đoán, hài hước, khôn khéo... hoặc ngược lại.
Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink chia sẻ, bằng việc đặt ra các câu hỏi, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đọc vị được đâu là ứng viên tiềm năng mà mình tìm kiếm và loại bỏ ứng viên không phù hợp dù chuyên môn và kinh nghiệm như nhau.
Cách bạn đặt câu hỏi cho người phỏng vấn
Các câu hỏi ứng viên đặt ra cho nhà tuyển dụng sẽ ngầm thể hiện cá tính và năng lực phản biện của từng người. Nhiều ứng viên e ngại nên thường không dám đặt câu hỏi hoặc hỏi mang tính chung chung dù có nhiều thắc mắc. Ngược lại một số khác sẽ chủ động đặt ra các câu hỏi thông minh và thực tế nhằm tìm kiếm thông tin rõ ràng hoặc câu trả lời xác đáng nhất của nhà tuyển dụng trước khi quyết định có gắn bó với công việc này hay không.
Thường nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng với ứng viên biết đặt ra những câu hỏi hay và đa số họ là người độc lập, quyết đoán.
Ứng viên biết cách thể hiện rõ ràng mục tiêu
Nhà tuyển dụng có xu hướng đánh giá cao ứng viên có mục tiêu rõ ràng và sẵn sàng chia sẻ điều đó. Mục tiêu này phải đi liền với một kế hoạch cụ thể để đảm bảo được thực hiện chứ không đơn giản là ý muốn mơ hồ, hời hợt. Mục tiêu sẽ đóng vai trò như là kim chỉ nam, là đích hướng đến nhằm thúc đẩy quá trình làm việc được hăng say, chăm chỉ và kiên trì, vượt qua được những trở ngại trước mắt, củng cố niềm tin bền vững.
Ứng viên có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt
Khả năng giải quyết vấn đề được xem là một trong các kỹ năng quan trọng nhất với người đi làm. Đây là thước đo đánh giá thực tế nhất về năng lực của một người. Do đó, hầu hết nhà tuyển dụng đều chú trọng kiểm tra ứng viên của mình trong buổi phỏng vấn.
Có nhiều cách để nhà tuyển dụng kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề, trong đó phổ biến nhất là đặt ra một tình huống cụ thể và xem họ sẽ giải quyết thế nào để từ đó đánh giá ứng viên.
Ứng viên biết cách xây dựng các mối quan hệ
Các mối quan hệ ở đây không phải là “con ông cháu cha” như chúng ta thường quan niệm. Nó là hệ thống gồm các mối quan hệ được xây dựng dựa trên bạn bè, đồng nghiệp, người trong cùng lĩnh vực hay người cùng chí hướng...
Nếu ứng viên đã nghỉ việc nhưng vẫn giữ được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũ, sếp cũ thì chứng tỏ độ tin cậy càng cao. Ứng viên tiềm năng sẽ là người không chỉ biết cách xây dựng các mối quan hệ mà còn biết chọn lọc và phát triển các mỗi quan hệ. Có vô số cách để nhà tuyển dụng biết được ứng viên có phải là người biết tạo dựng và duy trì mối quan hệ tốt hay không.
Đối với nhà tuyển dụng, việc lựa chọn đâu là ứng viên tiềm năng có vai trò rất quan trọng, vì họ sẽ trở thành nhân viên trong tương lai. Nhận biết chính xác giúp họ tìm kiếm được nhân sự phù hợp cho công ty. Do đó, nếu muốn được nhà tuyển dụng lựa chọn, bạn cần nỗ lực không ngừng để khẳng định được thương hiệu cá nhân của mình thông qua những điều được chia sẻ trên đây.