Nhà văn Na Uy giành giải Nobel Văn học: Có tên trong danh sách 100 thiên tài còn sống

TP - Giải Nobel Văn học năm 2023 đã thuộc về nhà văn - nhà viết kịch Na Uy Jon Fosse, vì “những vở kịch và văn xuôi sáng tạo của ông đã lên tiếng cho những điều không thể nói ra”, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố ngày 5/10. Ông được báo Anh bình chọn là một trong 100 thiên tài còn sống.

Fosse, 64 tuổi, sinh ra ở bờ biển phía tây Na Uy. Kho tàng tác phẩm của ông bao gồm khoảng 40 vở kịch, cùng với vô số tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và bản dịch. Năm lên 7 tuổi, một tai nạn nghiêm trọng khiến Fosse cận kề cái chết. Trải nghiệm này đã ảnh hưởng đáng kể đến việc viết lách ở tuổi trưởng thành của ông. Ông học tại ĐH Bergen và nghiên cứu văn học so sánh, sau đó bắt tay vào sự nghiệp văn chương.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là “Raudt, svart” (Đỏ, Đen), được xuất bản năm 1983. Vở kịch đầu tiên của ông là “Og aldri skal vi skiljast” (Và chúng ta sẽ không bao giờ chia tay), được biểu diễn năm 1994. Fosse viết tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, sách thiếu nhi, tiểu luận và kịch. Tác phẩm của ông đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng. Ông cũng chơi nhạc, và phần lớn quá trình luyện viết ở tuổi thiếu niên của ông liên quan đến việc sáng tác lời bài hát cho các bản nhạc.

Năm 2003, Fosse được trao Huân chương Quân công của Tổng thống Pháp. Ông được báo Daily Telegraph xếp hạng thứ 83 trong danh sách 100 thiên tài còn sống. Năm 2011, Fosse được trao tặng toà nhà Grotten, nơi ở danh dự thuộc sở hữu của nhà nước Na Uy, nằm trong khuôn viên Cung điện Hoàng gia ở trung tâm thành phố Oslo. Đây là vinh dự được Vua Na Uy đặc biệt ban tặng vì những đóng góp cho nghệ thuật và văn hóa Na Uy.

Viết kịch, dịch thuật

Fon Fosse là nhà viết kịch Na Uy được biểu diễn nhiều nhất sau Henrik Ibsen. Ông thường được gọi là “Henrik Ibsen mới” và các tác phẩm của ông là sự tiếp nối hiện đại của truyền thống do Henrik Ibsen thiết lập vào thế kỷ 19. Nhiều tác phẩm của Fosse đã được dịch sang tiếng Ba Tư và nhiều vở kịch của ông đã được trình diễn tại các sân khấu lớn ở thủ đô Teheran của Iran.

Fosse là một trong những nhà tư vấn văn học cho Bibel 2011 - bản dịch Kinh thánh bằng tiếng Na Uy xuất bản năm 2011, theo The Telegraph.

Tháng 4/2022, tiểu thuyết “A New Name: Septology VI-VII” của Fosse lọt vào vòng trong Giải thưởng Sách quốc tế. Cuốn này cũng lọt vào vòng chung kết Giải thưởng của Hội Phê bình sách quốc gia về tiểu thuyết năm 2023. Ngoài viết truyện, Fosse dịch nhiều tác phẩm của các tác giả Na Uy khác.

Năm 2015, Fosse được trao Giải thưởng Văn học của Hội đồng Bắc Âu cho bộ ba tiểu thuyết “Andvake” (Sự tỉnh táo), “Olavs draumar” (Những giấc mơ của Olav) và “Kveldsvaevd” (Sự mệt mỏi).

Đam mê ngôn ngữ ít phổ biến

Ông Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel về văn học, nhận định: “Các tác phẩm văn học lớn của ông (Jon Fosse) đa dạng về thể loại, gồm khoảng 40 vở kịch và vô số tiểu thuyết, tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và các bản dịch. Ông kết hợp giữa ngôn ngữ và bản chất của nền tảng Na Uy với các kỹ thuật nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại”. Ông Jacques Testard, giám đốc nhà xuất bản chuyên in tiểu thuyết của Fosse, nói: “Ông ấy (Jon Fosse) là một nhà văn xuất sắc, đã tìm ra cách viết tiểu thuyết hoàn toàn độc đáo. Như biên tập viên người Na Uy Cecilie Seiness nói trong cuộc phỏng vấn gần đây, nếu bạn mở bất kỳ cuốn sách nào của Jon và đọc một vài dòng, nó không thể lẫn với bất kỳ ai khác”.

Nhà văn Na Uy giành giải Nobel Văn học: Có tên trong danh sách 100 thiên tài còn sống ảnh 1

Nhà văn, nhà viết kịch Na Uy Jon Fosse (ảnh chụp tại Stockholm năm 2021). Ông sống một thời gian với người vợ thứ hai (quốc tịch Slovakia) ở Áo. Ảnh: AP

Nhà văn Fosse cho biết, khi hay tin giành giải Nobel Văn học, ông “choáng ngợp và có phần sợ hãi”. Ông tuyên bố: “Tôi coi đây là một giải thưởng dành cho văn học mà mục tiêu trước hết là bản thân văn học mà không cần cân nhắc gì khác”.

Ông Fosse viết bằng Nynorsk - thứ tiếng ít phổ biến trong hai ngôn ngữ chính thức của Na Uy. Nhà văn 64 tuổi nói ông coi giải Nobel là sự công nhận đối với Nynorsk và phong trào quảng bá ngôn ngữ này. Được biết đến với cái tên “tiếng Na Uy mới” và chỉ được khoảng 10% dân số cả nước sử dụng, phiên bản ngôn ngữ của ông Fosse được phát triển vào thế kỷ 19 với các phương ngữ nông thôn làm nền tảng.

Ông Testard nhận xét: “Tiểu thuyết của ông (Jon Fosse) mang tính huyền bí, bắt nguồn từ khung cảnh các vịnh hẹp phía Tây nơi ông lớn lên. Điều rất quan trọng cần nhớ là ông viết bằng tiếng Nynorsk, còn gọi là tiếng Na Uy mới, một ngôn ngữ thiểu số ở Na Uy. Đó là một hành động chính trị. Ông cũng là một nhà viết kịch và nhà thơ xuất sắc. Ông ấy có trí tuệ đáng kinh ngạc”. Các tác phẩm văn học của ông Fosse đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ và các vở kịch của ông đã có hơn 1.000 phiên bản.

Suýt chết

Nhà văn Fon Fosse kể về tai nạn mà ông gặp phải lúc bảy tuổi suýt giết chết ông. Trong truyện “Scenes from a Childhood” (tạm dịch: Cảnh thời thơ ấu), ông mô tả máu trào ra từ cánh tay sau một cú ngã và được đưa đến bệnh viện (“Tôi sắp chết mặc dù tôi mới bảy tuổi”).

Ban đầu, Fosse là thành viên Giáo hội Na Uy, dù ông tự nhận mình là người vô thần trước năm 2012. Ông gia nhập Giáo hội Công giáo vào năm 2012 và tự nhập viện để cai nghiện rượu, theo The New Yorker.

Bên cạnh giải Nobel Hòa bình, giải Nobel Văn học thường thu hút nhiều sự chú ý và gây tranh cãi nhất, khiến các tác giả ít tên tuổi hơn trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu cũng như nâng cao doanh số bán sách cho họ, theo The Telegraph. Những năm qua, giải Nobel Văn học đã chọn ra một số người chiến thắng không phải là tiểu thuyết gia, mà là nhà viết kịch, sử gia, triết gia và thi nhân, thậm chí còn tạo ra bước đột phá mới với giải thưởng dành cho ca sĩ kiêm nhạc sĩ Mỹ Bob Dylan vào năm 2016.

Tin liên quan