Nhà văn - nhà báo Sơn Tùng: Những dấu mốc bốn mươi, năm mươi và sáu mươi năm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2022 hội tụ ba dấu mốc chẵn của nhà văn Sơn Tùng. Đó là 40 năm tác phẩm Búp Sen Xanh xuất bản lần đầu mà ông là tác giả, 50 năm vợ chồng nhà văn gặp gỡ rồi kết hôn, 60 năm phóng viên Sơn Tùng về công tác tại báo Tiền Phong.

1. Gần đây, tôi đến nhà của nhà văn Sơn Tùng tại Khu Tập thể Văn Chương (Hà Nội) để thắp hương cho vợ chồng ông. Vợ chồng nhà văn mất đi, căn nhà trống vắng, chỉ còn lại anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn. Trên ban thờ, bức ảnh vợ chồng cố nhà văn đặt ngang nhau, dưới mỗi bức ảnh ghi thời gian mất của từng người. “Khi cha tôi mất, nửa năm sau mẹ tôi cũng qua đời” - anh Bùi Sơn Định ngậm ngùi cho biết.

Trò chuyện cùng anh Định, tôi được biết năm 2022 này có ba dấu mốc chẵn của cố nhà văn Sơn Tùng. Đầu tiên là mốc 60 năm phóng viên Sơn Tùng về công tác tại báo Tiền Phong. Nói về điều này, anh Định cho tôi xem “Bản khai tóm tắt hoạt động thời chống Mỹ cứu nước” của nhà văn Sơn Tùng, với khoảng thời gian từ năm 1955 đến năm 1979, trong đó có hai giai đoạn ông công tác tại báo Tiền Phong. Trước khi chuyển về báo Tiền Phong lần đầu, Sơn Tùng từng là giảng viên Trường báo chí Trung ương từ năm 1959. Năm 1962, Sơn Tùng chuyển về báo Tiền Phong, sau đó có vinh dự được gặp Bác Hồ trong một lần tác nghiệp. Đó là ngày mùng Một Tết năm Giáp Thìn (1964), phóng viên Sơn Tùng có mặt tại làng Lỗ Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội), để phản ánh hoạt động của Chi Đoàn địa phương này trong cuộc vận động tiết kiệm lương thực và thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Khi đang tác nghiệp, Sơn Tùng bất ngờ được gặp Bác Hồ khi Người về Lỗ Khê vì đây là địa phương điển hình về tổ chức sản xuất giỏi và thực hiện phong trào tiết kiệm của cả nước. “Cha tôi từng nói, việc được gặp Bác Hồ là một vinh dự lớn trong quãng đời làm báo của mình”- anh Định cho biết.

Những năm sau đó, Sơn Tùng là đặc phái viên của báo Tiền Phong, hoạt động chủ yếu ở vùng chiến sự ác liệt của Quân khu 4, từ Thanh Hoá đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, phóng viên Sơn Tùng lại được điều lên Hà Giang với nhiệm vụ tổ chức mạng lưới thông tín viên cho báo Tiền Phong để vận động bà con nơi đây bỏ trồng cây thuốc phiện. Cuối năm 1967, theo điều động của cấp trên, phóng viên Sơn Tùng rời báoTiền Phong để vào chiến trường miền Nam thành lập tờ Thanh niên Giải phóng. Tại Trung ương Cục Miền Nam, địa điểm làm việc của tờ Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng cùng các phóng viên lo tổ chức bài vở và trực tiếp tác nghiệp viết bài. Nhờ sự phối hợp tốt, tờ Thanh niên Giải phóng được xuất bản ổn định.

Vào ngày 15/4/1971, khi Sơn Tùng cùng đồng nghiệp đang chuẩn bị lên khuôn cho một số báo thì máy bay địch ồ ạt tới ném bom. Sơn Tùng bị thương rất nặng với 14 mảnh đạn găm khắp người, trong đó có 3 mảnh đạn vào đầu. Đồng đội không quản hiểm nguy lao vào cứu đưa ông đi chữa trị. Sau một thời gian dài, Sơn Tùng được đưa ra Bắc để tiếp tục điều trị.

Nhà văn - nhà báo Sơn Tùng: Những dấu mốc bốn mươi, năm mươi và sáu mươi năm ảnh 1

Nhiều năm qua, anh Bùi Sơn Định luôn ở bên để chăm sóc cha mẹ, nhà văn Sơn Tùng và bà Phan Hồng Mai. Ảnh: KIẾN NGHĨA

2. Chuyển ra Bắc, nhà báo Sơn Tùng vào điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Đó là khoảng thời gian năm 1972. Tại đây, bà Phan Hồng Mai, một cựu thanh niên xung phong, lúc đó là một trong những y tá của bệnh viện đã chăm sóc cho nhà báo Sơn Tùng. Lần đầu thấy người thương binh nặng, nữ y tá Hồng Mai ngờ ngợ như đã từng gặp ông ở đâu. Rồi bà nhớ ra, nhà báo bị thương này là phóng viên đã gặp và viết bài về mình chục năm về trước. “Ngày đó, anh Sơn Tùng gặp tôi để hỏi chuyện. Sau đó, chúng tôi chia tay như bao cuộc gặp thông thường khác, không ngờ nay lại được gặp anh. Sau bao năm, anh lại bị thương, nhưng tôi vẫn nhận ra”- Trước đây, bà Phan Hồng Mai từng cho tôi biết.

Trong thời gian chăm sóc nhà báo Sơn Tùng tại bệnh viện, nữ y tá Hồng Mai cảm phục nghị lực phi thường của ông khi chịu đựng những cơn đau. Từng tham gia thanh niên xung phong, Hồng Mai hiểu và đồng cảm với những gian lao mà nhà báo Sơn Tùng đã trải qua trong chiến tranh, với vai trò của một phóng viên chiến trường. Tình cảm ấy ngày một lớn dần nơi người y tá trẻ.

Sau một thời gian điều trị, sức khoẻ của Sơn Tùng hồi phục, đủ điều kiện để xuất viện. Đó cũng là lúc tình cảm giữa ông và nữ y tá Hồng Mai cũng chín muồi. Trước đó, vợ nhà báo Sơn Tùng đã mất vì bệnh hiểm nghèo nên ông và Hồng Mai tiến tới hôn nhân. Khi xuất viện, nhà báo Sơn Tùng mất 81% sức khoẻ, nên cần có người chăm sóc. Bà Hồng Mai đã xin thôi làm việc tại bệnh viện để về nhà chăm sóc chồng. “Nhờ sự chăm sóc tận tuỵ của mẹ tôi, cha tôi bắt đầu viết báo, viết văn trở lại. Kể từ ngày cha mẹ tôi kết hôn để về cùng một mái nhà, đến nay vừa tròn 50 năm”- anh Bùi Sơn Định cho biết.

3. Sau khi ra viện, Sơn Tùng chuyển về trại sáng tác Văn nghệ Giải phóng để viết văn. Tại đây, ông luôn trăn trở việc sưu tầm thêm tư liệu để viết về Bác Hồ. Nhà văn Sơn Tùng từng tâm sự với vợ, trước đây, khi được điều vào Nam để tham gia tờ Thanh niên Giải phóng, ông từng nghĩ nếu điều kiện cho phép sẽ tìm gặp một số nhân chứng từng biết về thời tuổi trẻ của Bác Hồ. Nhưng ngày ấy, do chiến tranh và công việc làm báo bận rộn nên ông không thể thực hiện được ý tưởng này. Nay, ngay khi nước nhà thống nhất, Sơn Tùng muốn vào Nam một chuyến để thực hiện ý tưởng từng ấp ủ. Ý tưởng đó được bà Phan Hồng Mai ủng hộ và sẽ đồng hành cùng chồng trong chuyến đi này.

Nhà văn - nhà báo Sơn Tùng: Những dấu mốc bốn mươi, năm mươi và sáu mươi năm ảnh 2

Phóng viên báo Tiền Phong Sơn Tùng (thứ 3 từ trái sang) trong lần đi tác nghiệp tại làng Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) được gặp Bác Hồ (ẢNH CHỤP LẠI TỪ TƯ LIỆU GIA ĐÌNH)

“Cha tôi từng nói, công việc làm báo đã rèn cho ông những kỹ năng để khai thác, thu thập thông tin. Những điều thu thập được khi thành tư liệu đã giúp cha tôi rất nhiều khi viết văn, trở thành nhà văn sau này”

Anh Bùi Sơn Định

Trước đây, trong lần trò chuyện với tôi, bà Phan Hồng Mai cho biết, ngày ấy, khi nước nhà vừa thống nhất, đường vào Nam chưa thuận tiện như bây giờ. Trên đường đi, hai vợ chồng bà lúc đi bằng tàu hỏa, lúc bằng ô tô, có lúc bằng xe lam… để tới những nơi cần đến. Trong chuyến hành trình dài ấy, mỗi khi thời tiết thay đổi, vết thương của nhà văn Sơn Tùng tái phát khiến ông lên cơn co giật. Khi đó, bà Mai phải ôm chặt chồng để ông vượt qua cơn đau. Chuyến đi tuy vất vả, nhưng bù lại vợ chồng bà lại được sự giúp đỡ của nhiều người. Bởi khi biết ông là nhà văn, lại là thương binh nặng đã lặn lội từ miền Bắc vào Nam để tìm kiếm tư liệu về Bác Hồ nên rất nhiều người quý và giúp đỡ. “Trong chuyến đi này, vợ chồng tôi có dịp đến thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ. Lúc đó, mộ cụ Sắc đang được tu sửa lại, và hai vợ chồng đã chụp tại đây một bức ảnh để làm kỷ niệm”- bà Hồng Mai cho biết.

Sau chuyến đi trên, năm 1976, nhà văn Sơn Tùng trở lại báo Tiền Phong tiếp tục làm việc, đến năm 1979 nghỉ hưu. Lúc này, nhà văn bắt đầu chấp bút viết tiểu thuyết Búp Sen Xanh, qua những tư liệu về Bác Hồ mà ông tích luỹ được trong nhiều năm. Cẩn trọng lấy trên giá một cuốn sách, anh Bùi Sơn Định nói với tôi: “Đây là cuốn Búp Sen Xanh xuất bản lần đầu vào năm 1982. Cách đây tròn 40 năm, khi xuất bản, Búp Sen Xanh là một hiện tượng văn học thời bấy giờ”.

MỚI - NÓNG