Dáng trông trẻ trung và có vẻ hiền. Ánh mắt nhìn chờ đợi”. Nhà văn viết tiếp trên facebook “Thú thật lúc đó muốn đi với em ghê gớm. Nhưng là muốn mời em một ly cà phê và sẽ trả thù lao cho một cuộc “làm việc”. Nhưng định vậy thôi. Thấy khó khả thi. Đúng lúc đó thì em cho xe chậm lại rồi tấp vào lề. Chuyện chỉ vậy. Và không phải lần đầu gặp. Nhưng không hiểu sao cái ánh mắt buồn và hiền ấy làm mình chạnh thương”.
Có vẻ lại motif kinh điển giữa một “em gái” ế tìm khách dạo gặp phải chàng “nhà văn quèn”, nhưng không phải trong văn chương mà giữa đời thực. Nhói đau, bởi theo nhà văn bạn tôi, với kiểu dáng, ánh mắt ấy đoán chắc rằng cô gái không phải dân “chuyên nghiệp”.
Một cử nhân từ quê lên đang thất nghiệp muốn bám trụ để tìm cơ hội giữa thành phố 8 triệu dân? Một nữ công nhân nghèo đang bạc mặt với khoản tiền 4-5 triệu gửi con nhà trẻ? Khi không muốn đưa con vào những nơi giữ trẻ tự phát để bị bạo hành…
Có một cô bé 14 tuổi suốt ngày làm công việc đơm cúc áo ở nhà máy, một công việc “nặng nhọc còn hơn đẽo đá”. Cho đến một hôm cô được đưa vào nhà chứa để cho một nhà báo già mừng lên tuổi 90 bằng cách “tự thưởng một đêm tình cuồng điên với một thiếu nữ còn trinh nguyên”.
Gabriel García Márquez lừng danh đã xây dựng tiểu thuyết “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” xung quanh hai nhân vật ấy. Để rồi câu chuyện kết thúc một cách kỳ lạ và đầy thanh khiết. Với sự choàng tỉnh và nâng niu hương vị cái đẹp tinh khôi của tính nữ mà suốt cuộc đời trác táng dài ngót trăm năm lão chưa một lần cảm nhận.
Ánh sáng từ những trang văn có rọi đến cõi đời thực này không? Những “cô gái điếm buồn” ngày càng buồn, càng non nớt và ít chuyên nghiệp hơn, khi nông thôn “vỡ trận” trước cơn lốc đô thị hóa, khi công nhân ngơ ngác trước ma quái của đồng tiền và muôn mặt “cạm bẫy người”.
Nên nhiều khi đi trên đường, nghe những câu chào mời rụt rè, ánh mắt buồn nhẫn nhục chờ đợi, chỉ biết đoái thương. Để rồi chợt thấy mắt như có hạt bụi bay vào…