Nhạc sến và đĩa Táo

Nhạc sến và đĩa Táo
TP - Chưa bao giờ thấy thị trường băng đĩa những ngày giáp Tết Nguyên đán lại một màu như thế. Nhạc thì toàn nhạc sến, đĩa hài thì toàn Táo quân.

Sau thành công của Đàm Vĩnh Hưng với dòng nhạc xưa, cũng như cuộc trở về lẫy lừng của Tuấn Vũ, đến lượt hàng loạt ca sỹ khác đua nhau hát nhạc sến. Từ Phương Thanh, Hồng Ngọc, Thanh Thảo đến Lệ Quyên, Hồ Quang 8, Triệu Trang, thậm chí cả những Sao Mai Thành Lê, Sao Mai Điểm hẹn Mỹ Dzung cũng ra album nhạc sến. Sến tràn lan dẫn đến nhạt.

Hùa theo nhạc sến có thể lý giải bằng nguyên nhân thiếu ca khúc hay hiện nay. Còn đĩa hài Tết thì không còn giải thích nào ngoài mấy chữ cố tình ăn theo. Từ Táo quân của VTV, các hãng đĩa nhao nhao làm Táo. Tính ra có tới 5 đĩa Táo đã được giới thiệu với báo chí. Và dĩ nhiên đĩa nào cũng là cảnh Ngọc Hoàng triệu tập các táo ngày 23 tháng Chạp, là bẩm báo tình hình hạ giới, vi hành.

Trong vài đĩa hài, Ngọc Hoàng bị nhà sản xuất bắt phải ăn thạch, theo hợp đồng với nhà tài trợ, còn các táo thì thi nhau giơ hộp tân dược này, bê gói đông dược kia dâng lên trước màn hình với những ngôn từ quảng cáo cũ kỹ. Vài nhà văn ít tiếng tăm lao vào viết kịch bản hài, mỗi năm hàng trăm tiểu phẩm. Miếng trò, chi tiết trùng nhau chan chát, mà vẫn đại ngôn tôi đặt ra nguyên tắc mỗi kịch bản của tôi không được phép lặp lại.

Tất cả đều không qua được Táo của nhà đài. Cái nhạt nhẽo của đĩa hài Táo quân vô tình tôn vinh Táo quân made in Đài truyền hình. Tội nghiệp thay cho việc bắt chước. Bắt chước mà vẫn thua người chính là tự hại mình, chứng tỏ cái lười suy nghĩ, cái kém sáng tạo của mình. Trong khi đó, tiếng cười luôn đến từ sự bất ngờ. Giống nhau, cố tình bắt chước thì còn gì bất ngờ và còn đâu tiếng cười.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG