Nhạc Việt ‘thay máu’

TPO - Từ đầu năm 2023, loạt ca sĩ Gen Z trên thị trường có bước phát triển vượt bậc. Bên cạnh đó, nhiều producer Gen Z cũng khẳng định tài năng trong công cuộc nâng tầm nhạc Việt.

Sự “thay máu” của thị trường nhạc Việt đã rục rịch từ nửa cuối năm 2022, khi mà những nghệ sĩ hàng đầu như Sơn Tùng, Đen Vâu, Bích Phương... không còn duy trì sức hút, phản ánh qua view (lượt xem các sản phẩm trên YouTube) và streams (lượt nghe nhạc trực tuyến).

Thế hệ nghệ sĩ mới của thị trường nhạc Việt như Mono, Tlinh, Mỹ Anh, MCK, Hieuthuhai, Grey D, Wren Evans bắt đầu ghi dấu ấn từ năm ngoái. Trước đó, Orange, Amee, Phương Mỹ Chi, Thịnh Suy, là những nghệ sĩ Gen Z đã định hình chỗ đứng. Sự giao thoa giữa 2 làn sóng Gen Z, đang tạo nên bức tranh sôi động trên thị trường nhạc Việt.

Nhạc Việt ‘thay máu’ ảnh 1Nhạc Việt ‘thay máu’ ảnh 2

MCK, Tlinh và Mono, những nghệ sĩ Gen Z tài năng của thị trường.

Thế hệ nghệ sĩ đa năng, tư duy hiện đại

Mono, Hieuthuhai, MCK, Tlinh và Grey D là những nghệ sĩ Gen Z sáng giá của thị trường hiện tại. Họ đều có sản phẩm đứng đầu top thịnh hành âm nhạc trên YouTube. 5 cái tên này còn tương đồng ở chỗ, họ có thể tự sáng tác và thậm chí đảm nhận khâu hòa âm phối khí.

Sự đa năng là điểm nhấn của những nghệ sĩ thế hệ mới trên thị trường nhạc Việt.

Một dây chuyền sản xuất âm nhạc cơ bản sẽ đi qua các khâu: Sáng tác - phối khí - thu âm - mixing - mastering. Những ca sĩ của thế hệ trước, đa số chỉ chuyên hát. Có số ít nghệ sĩ tự sáng tác và thành công, như Sơn Tùng. Một bộ phận rất nhỏ nghệ sĩ có thể kiêm 3 vai trò là ca sĩ/nhạc sĩ/producer, điển hình là Only C.

Năm ngoái, Mono tung album ngay khi ra mắt thị trường. Đến năm 2023, MCK và Tlinh đã phát hành album đầu tay. Hieuthuhai sẽ tung album trong một tháng tới. Đây là dấu ấn của chuyện, một nghệ sĩ biết sáng tác sẽ khác biệt ra sao.

Trong âm nhạc, album là sản phẩm dài hơi nhất. Với một ca sĩ không thể sáng tác, chuyện tạo nên từ 8-10 ca khúc cho một album là bài toán rất khó. Và khi Mono, MCK, Tlinh và Hieuthuhai có thể tự quyết khâu sáng tác, mọi thứ đã dễ dàng hơn nhiều. Những album của Mono, MCK và Tlinh cho thấy một câu chuyện xuyên suốt, thể hiện rõ cá tính của từng nghệ sĩ khi đặt bút sáng tác.

Hơn một năm qua, lứa nghệ sĩ Gen Z thật sự tác động đến đường đua thịnh hành âm nhạc.

Quên anh đi của Mono dẫn đầu top trending. Sau đó, Waiting For You bất ngờ mang lại cho Mono thành công còn lớn hơn Quên anh đi.

Hieuthuhai khẳng định tên tuổi qua loạt hit Vệ tinh, Ngủ một mình, Không thể say. MCK có Tại vì sao2h, là những sản phẩm độc lập đứng đầu top trending. Tlinh tạo nên Nếu lúc đó, dẫn đầu top trending và là MV thành công bậc nhất từ đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, Thịnh Suy, Wren Evans, Phương Mỹ Chi, Orange, producer W/n, Pháo, rapper Low G, rapper Wrxdie, rapper Double2T đều có sản phẩm gây chú ý ở đường đua nhạc Việt.

Gen Z thống trị thị trường nhạc Việt chỉ là chuyện sớm muộn. Về góc độ âm nhạc, có điểm tích cực là đa số nghệ sĩ Gen Z nổi bật hiện tại, đều khẳng định bản thân bằng âm nhạc. Tư duy mới mẻ của những nghệ sĩ này giúp thị trường thịnh hành các màu sắc âm nhạc mới hơn, đặc biệt là R&B/Rap đang trỗi dậy, hứa hẹn dẫn lối thị trường trong vài năm tiếp theo.

Nhạc Việt ‘thay máu’ ảnh 3

DTAP đứng sau thành công vươn tầm quốc tế của Hoàng Thùy Linh.

Nhạc Việt đã chuyển dịch tới đâu?

So với những thị trường âm nhạc lớn như Kpop, US-UK, sự phát triển của nhạc Việt vẫn khá chậm. Ballad, Pop/Ballad vẫn chi phối cuộc chơi nhạc Việt hiện tại. Sự xâm nhập, phát triển của Rap/Hip hop, R&B, Funk, Disco, Afrobeat ở nhạc Việt chỉ mới nở rộ.

Sự phát triển của nhạc Việt, dễ thấy nhất là chất lượng sản phẩm đang được trau chuốt từng ngày. Điển hình như việc các nghệ sĩ dần mạnh tay chi tiền để làm thật tốt 2 công đoạn là mixing và mastering. Nhiều ê-kíp còn sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để gửi nhạc sang nước ngoài làm mastering để đảm bảo chất lượng âm thanh ở tiêu chuẩn cao nhất. Gần đây, ê-kíp Đông Nhi đã gửi Ý trời cho Chris Gehringer, kỹ sư âm thanh người Mỹ, chuốt âm thanh.

Các khán giả Việt đã nhắc nhiều đến vai trò producer trong một sản phẩm, thay vì chỉ tập trung hoàn toàn vào ca sĩ, nhạc sĩ như xưa. Các producer Việt dần dần được công nhận vai trò xứng đáng khi tham gia dây chuyền sản xuất nhạc, đồng thời được trả cát-xê tốt hơn cho một bản phối khí. Một số producer hàng đầu giờ được đứng tên cùng ca sĩ trên sản phẩm và được chia tỷ lệ phần trăm doanh thu nhạc số rõ ràng.

Sự phát triển của thị trường, bên cạnh các ca sĩ, nhạc sĩ vai trò của producer và kỹ sư âm thanh cũng quan trọng không kém. Thị trường nhạc Việt ngày càng có nhiều producer chất lượng, tư duy hiện đại và trẻ trung như DTAP, Wokeup, 2pillz... Bên cạnh đó, dàn producer nổi bật của thị trường như Onionn, Touliver, SlimV, TDK, Dương K, Masew, Hoaprox... liên tục tạo ra các sản phẩm ghi dấu ấn.

Tư duy của các producer sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc tạo ra những ca khúc Việt vươn đến quốc tế. Ngay lúc này, giới producer Việt chưa đáp ứng được, nhưng đang đi đúng hướng để hoàn thành mục tiêu đó.