Nhận ‘lệnh bắt giam’ qua zalo, cụ bà ở Quảng Ngãi suýt mất 900 triệu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Công an Quảng Ngãi vừa phối hợp với ngân hàng ngăn chặn kịp thời vụ giả mạo Công an yêu cầu cụ bà 77 tuổi (trú TP. Quảng Ngãi) chuyển khoản 900 triệu đồng.

Ngày 29/9, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Vietcombank Quảng Ngãi ngăn chặn kịp thời vụ giả mạo Công an yêu cầu cụ bà 77 tuổi (trú TP Quảng Ngãi) chuyển khoản 900 triệu đồng.

Trước đó, điện thoại của bà N.T.H.V. (trú phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi) liên tục nhận được các cuộc gọi từ số máy lạ, nói bà V. liên quan vụ án ma túy, rửa tiền mà Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang điều tra và yêu cầu không được nói cho ai biết.

Do bà V. đang sử dụng máy điện thoại sóng 2G nên các đối tượng yêu cầu bà V. đi mua một máy điện thoại di động Smartphone hệ điều hành Android kèm một sim Viettel để liên lạc, làm việc.

Do lớn tuổi và không thành thạo thao tác qua điện thoại thông minh nên các đối tượng mất nhiều thời gian để hướng dẫn bà V. đăng ký, tạo tài khoản Zalo. Sau đó, các đối tượng gọi video qua Zalo cho bà V. với hình ảnh nhiều người mặc sắc phục cảnh sát, trong không gian làm việc giống tại cơ quan Công an để nạn nhân tin tưởng.

Nhận ‘lệnh bắt giam’ qua zalo, cụ bà ở Quảng Ngãi suýt mất 900 triệu ảnh 1

Công an Quảng Ngãi khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước các số điện thoại lạ, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân.

Các đối tượng gửi “lệnh bắt giam” bà V. qua Zalo, đồng thời đe dọa, yêu cầu bà đi mở tài khoản ngân hàng mang tên mình tại Ngân hàng Seabank và rút toàn bộ sổ tiết kiệm đang có để gửi vào nhằm chứng minh việc không liên quan đến hành vi phạm tội.

Do lo sợ việc bị bắt giam và không nắm rõ quy trình làm việc của cơ quan Công an, bà V. đã mở tài khoản mang tên mình tại Ngân hàng Seabank, sau đó đến Vietcombank Quảng Ngãi tất toán sổ tiết kiệm 900 triệu đồng.

Tuy nhiên, trước hành vi bất bình thường, có dấu hiệu lo lắng, sợ sệt, liên tục nhận điện thoại, nhân viên Vietcombank đã kịp thời phát hiện, phối hợp với cán bộ Phòng An ninh mạng tìm hiểu sự việc, trấn an tâm lý, ngăn chặn không cho bà V. chuyển số tiền 900 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.

Được biết đây là số tiền bà V. đã tích góp trong nhiều năm lao động, làm việc để gửi tiết kiệm, an hưởng tuổi già.

Phòng An ninh mạng khuyến cáo, người dân cần đề cao cảnh giác trước các số điện thoại lạ, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ các cuộc gọi giả danh cơ quan thực thi pháp luật.

Khi cần giải quyết công việc với người dân, các cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời làm việc theo quy định. Trường hợp nghi vấn các đối tượng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

MỚI - NÓNG