Nhân rộng mô hình bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số xã B’Lá

TPO - Mô hình bảo vệ rừng của các tộc người thiểu số ở xã B’Lá được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Bộ Công an công nhận là mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023.
Nhân rộng mô hình bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số xã B’Lá ảnh 1

Già làng tích cực tham gia mô hình khu dân cư bảo vệ rừng

Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng

Theo Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), xã B’Lá có 840 hộ với 3.500 nhân khẩu. Trong đó, hơn 77% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu người Mạ, Tày và Nùng. B’Lá có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn với 6.587ha, cũng là một trong những “điểm nóng” về tình trạng phá rừng.

Do đó, vào năm 2020, Công an xã B’Lá đã phối hợp với Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an huyện Bảo Lâm) tổ chức khảo sát tình hình và đề xuất xây dựng mô hình “Khu dân cư tham gia phòng chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng”.

Công an và các cơ quan chức năng đã vận động người dân của 5 thôn thuộc xã B’Lá cùng tham gia mô hình, ký cam kết thực hiện các nội quy, quy chế hoạt động; đồng thời thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự theo cụm dân cư.

Thông qua những người có uy tín trong cộng đồng như già làng và chức sắc tôn giáo, các điều khoản của luật lâm nghiệp được tuyên truyền rộng rãi cho hàng vạn lượt người của xã B’Lá nói riêng và huyện Bảo Lâm nói chung.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn đăng tin bài trên báo chí, không gian mạng; đẩy mạnh tuyên truyền bằng pano, phát tờ rơi, hệ thống loa phát thanh cố định tại UBND các xã, thị trấn và loa thùng di động.

Các cán bộ và những người có uy tín trong cộng đồng đặc biệt quan tâm, tuyên truyền về việc thực thi pháp luật và các hương ước của buôn làng cho hàng trăm trường hợp thuộc các nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.

Chẳng hạn, đối tượng mãn hạn tù, người đang thuộc diện quản lý, giáo dục tại địa phương về các hành vi vi phạm liên quan đến lâm nghiệp, người từ nơi khác đến làm thuê dài hạn, người lao động theo thời vụ, các hộ sống gần rừng…

Là một trong những người tích cực tuyên truyền vận động phòng chống nạn phá rừng, già làng K’Ríu chia sẻ: “Đối với người Mạ, rừng rất thiêng liêng, cho dân làng cái ăn, nước uống, che chở cho dân làng lúc gió bão, lũ lụt. Già và dân làng quyết tâm bảo vệ rừng, không để lâm tặc cưa cây, chiếm đất”.

Lãnh đạo Công an huyện Bảo Lâm cho rằng, vai trò của các già làng và chức sắc tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng, góp phần cùng lực lượng công an triển khai mô hình đạt hiệu quả.

Cung cấp nhiều thông tin về tội phạm

Các thành viên tham gia mô hình “Khu dân cư tham gia phòng chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng” đã tăng cường nắm tình hình liên quan đến lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; kịp thời phản ánh về nạn đầu độc cây thông, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, săn bắn động vật rừng… để lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý ngay từ khi mới manh nha.

Họ luôn có mặt kịp thời để ngăn chặn, hạn chế hậu quả thiệt hại có thể xảy ra, cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, nắm tình hình có liên quan… để báo cho Công an xã B’Lá tham mưu giải quyết.

Từ hiệu quả của mô hình nói trên tại xã B’Lá, UBND huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo nhân rộng mô hình ra 6 xã và 1 thị trấn với khoảng 10.000 thành viên tham gia, đạt kết quả đáng ghi nhận.

Vào những năm 2016-2019, khu vực này xảy ra hơn 70 vụ vi phạm lâm luật. Kể từ khi mô hình được thành lập, số vụ vi phạm giảm xuống chỉ còn 19 vụ (giảm hơn 65%). Công an huyện đã khởi tố 4 vụ với 5 bị can về tội “Hủy hoại rừng”, số vụ còn lại do Hạt Kiểm lâm và UBND các xã xử lý theo thẩm quyền.

Nhân rộng mô hình bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số xã B’Lá ảnh 2

Nhiều cánh rừng được bảo vệ khỏi sự xâm hại của lâm tặc

Sự lan tỏa của mô hình nói trên còn góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động toàn dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đến nay, các hộ dân đã tự nguyện giao nộp cho công an 125 khẩu súng tự chế và súng săn các loại.

Đại tá Nguyễn Quang Thống, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng nhận định, mô hình “Khu dân cư tham gia phòng chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng” ở huyện Bảo Lâm đã phát huy hiệu quả rất tốt; thời gian tới, sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc cũng đã thông báo rộng rãi trong toàn quốc về mô hình này và một số mô hình tiêu biểu khác trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 của các tỉnh, thành để các địa phương học tập, nhân rộng.

MỚI - NÓNG